Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 19/1/2009 16:28'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên Hải Phòng trong giai đoạn mới

 Tính đến nay, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên toàn thành phố được củng cố, kiện toàn với 1.250 đồng chí. Riêng cấp thành phố có 35 báo cáo viên do Thành uỷ quản lý và 110 báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Thành uỷ quản lý, hàng năm được cấp lại và cấp mới thẻ hoạt động.

Những năm qua, đội ngũ báo cáo viên các cấp của thành phố thường xuyên được kiện toàn và được trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tài liệu cần thiết để hoạt động. Do xác định rõ trách nhiệm, hầu hết các báo cáo viên, tuyên truyền viên đều rất hăng say nhiệt tình trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương của Thành ủy; kiên trì bám sát cơ sở, cố gắng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của thực tiễn và trình độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên ở Hải Phòng còn một số hạn chế, bất cập sau:

- Lực lượng báo cáo viên thành phố tuy cơ bản đủ về số lượng nhưng hoạt động chưa đều, chất lượng chưa tương xứng, chưa có nhiều báo cáo viên giỏi, thực sự có uy tín, có trình độ và năng lực thuyết phục cao. Trình độ báo cáo viên nói chung chưa đồng đều, còn có sự cách biệt về kiến thức, năng lực và khả năng cập nhật thông tin. Chất lượng nội dung tuyên truyền còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành chưa tích cực tham gia công tác tuyên truyền miệng, không chủ động tham gia tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Phương thức hoạt động vẫn nặng một chiều từ trên xuống, chưa thực hiện tốt thông tin hai chiều, nhất là thông tin từ dưới lên, thiếu khả năng chủ động trao đổi, đối thoại trong hoạt động tuyên truyền miệng; chưa kịp thời giải đáp những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân đang thật sự quan tâm.

- Các chế độ, chính sách, điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và tài chính cho công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên đã lạc hậu nhưng chậm được khắc phục, không đáp ứng được những đòi hỏi mới đối với công tác này.

Bước sang năm 2009, trước những đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác tư tưởng, để phát huy vai trò và ưu thế của tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, Trung tâm thông tin công tác tư tưởng, Ban Tuyên giáo thành ủy Hải Phòng đã tham mưu lãnh đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác nhằm quản lý và xây dựng, phát triển đội ngũ báo cáo viên cấp thành phố, tập trung vào một số điểm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng (khoá X), Chỉ thị 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp uỷ về vị trí và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong công tác tư tưởng của Đảng. Từ đó có sự quan tâm đúng mức tới việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên.

Hai là, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên theo hướng tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức công tác tuyên truyền miệng. Kết hợp giữa phương thức truyền thống với phương thức hiện đại; kết hợp giữa ngôn ngữ nói với phương tiện kỹ thuật như sử dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả, chất lượng công tác.

Ba là, thực hiện dân chủ trong thông tin, tăng cường đối thoại, thông tin nhiều chiều. Bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của báo cáo viên; xác định rõ quyền được tiếp cận thông tin là cơ sở để thực hiện quyền làm chủ. Để góp phần bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của báo cáo viên, phải coi việc mở rộng dân chủ trong Đảng là điều kiện quyết định bảo đảm và phát huy dân chủ trong xã hội. Đây là nguyên tắc hoạt động của Đảng và được Đảng ta thường xuyên thực hiện.

Bốn là, báo cáo viên phải mang đến cho người nghe những thông tin mới. Để tạo ra cái mới cho nội dung, báo cáo viên cần thường xuyên tích lũy tư liệu, tài liệu để làm giàu, làm phong phú sự hiểu biết; tìm tòi, sáng tạo cách trình bày, tiếp cận mới đối với vấn đề; rèn luyện năng lực bình luận, đánh giá thông tin; tích cực nghiên cứu thực tế, lăn lộn trong phong trào cách mạng của quần chúng để phát hiện, nắm bắt cái mới; tổng kết các kinh nghiệm hay từ thực tiễn.

Năm là, đẩy mạnh công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ báo cáo viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Thường xuyên tiến hành rà soát, bổ sung, kiện toàn, cấp thẻ cho đội ngũ báo cáo viên thành phố đảm bảo tính kế thừa và tránh không để tình trạng hẫng hụt.

Sáu là, có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút những người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực và tố chất để bổ sung vào đội ngũ báo cáo viên. (Cụ thể, hiện nay, Hải Phòng đang áp dụng việc chi bồi dưỡng cho báo cáo viên theo Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/6/2008 của Bộ Tài chính kết hợp với vận dụng quy chế chi nội bộ của Trung tâm, các báo cáo viên đều được chi trả cao hơn mức quy định của Bộ Tài chính). Tạo điều kiện cho đôi ngũ báo cáo viên được tiếp cận nhiều với thực tế, với cơ sở.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, trước mắt, theo chúng tôi cần tập trung vào một số nội dung sau:

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp các ngành trong công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, có hệ thống toàn bộ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong cả nước về nội dung, hoạt động, định hướng thông tin. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với các tỉnh, thành uỷ trong việc chỉ đạo hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cả về tổ chức bộ máy, biên chế và nội dung hoạt động.

- Nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách, bảo đảm công bằng giữa nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi (mức chi bồi dưỡng cho báo cáo viên theo Thông tư 51 của Bộ Tài chính tuy mới ban hành tháng 6-2008 nhưng đã bất cập, chưa phù hợp tình hình thực tế); đáp ứng các phương tiện hoạt động để tạo điều kiện và động viên, khuyến khích tính năng động sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

- Ban Tuyên giáo Trung ương cần quan tâm tăng cường lồng ghép công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên các tỉnh, thành. Tổ chức các lớp tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong đội ngũ báo cáo viên giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Tiến hành khảo sát, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên./.

Nguyễn Thị Thu

Phó giám đốc Trung tâm TTCTTT, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hải Phòng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất