Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 1/7/2015 17:22'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ giáo dục Việt Nam

Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) là một cơ quan độc lập của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ, được thành lập năm 2000 theo Đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ và bắt đầu hoạt động năm 2003. Mục tiêu của Quỹ là tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục ở bậc đại học. Trong 12 năm qua, VEF đã có những hoạt động giáo dục hiệu quả góp một phần vào các thành tựu mà giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được. VEF tập trung vào các ngành khoa học (tự nhiên, vật chất và môi trường), kỹ thuật, toán học, khoa học, khoa học sức khỏe (bao gồm y tế cộng đồng) và công nghệ (bao gồm công nghệ thông tin). Các hoạt động của VEF được thực hiện thông qua 3 chương trình: (1) Chương trình Học bổng, đưa các công dân Việt Nam sang Hoa Kỳ theo học các chương trình đào tạo sau đại học và được hỗ trợ thông qua việc hợp tác chia sẻ tài chính giữa VEF và 108 trường đại Hoa Kỳ (VEF hỗ trợ 2 năm đầu, còn lại các trường đại học Hoa Kỳ hỗ trợ); (2) Chương trình Học giả, tài trợ cho các công dân Việt Nam đã có bằng tiến sĩ có cơ hội phát triển chuyên môn thông qua các khóa học, các hoạt động nghiên cứu và quan sát tại các trường, viện nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ; (3) Chương trình Giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại Việt Nam, cấp tài trợ cho các giáo sư Hoa Kỳ sang giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam từ một đến hai học kỳ hoặc trực tuyến từ Hoa Kỳ. Người học cam kết sau khi hoàn thành khóa học phải trở về nước công tác. Điều này đã được Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện nghiêm túc.

Đến nay VEF đã hỗ trợ 503 sinh viên Việt Nam (phần lớn ở trình độ tiến sĩ) theo học các chương trình sau đại học tại 96 trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ như Đại học Massachusetts, Đại học Texas tại Austin,… Đã có 302 người tốt nghiệp với 218 người nhận bằng tiến sĩ và 84 người nhận bằng thạc sĩ. Có 46% người tốt nghiệp đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu; 3% đang làm việc trong các cơ quan chính phủ; số còn lại đang làm việc trong các lĩnh vực khác như kinh doanh, học tiếp chương trình cao hơn,…Chất lượng người học tốt nghiệp từ chương trình của VEF được đánh giá rất tốt, phát huy được kiến thức đã được đào tạo.

Chương trình Học giả được bắt đầu từ năm 2007, đến nay VEF đã hỗ trợ cho 46 tiến sĩ tham gia các chương trình sau tiến sĩ kéo dài từ 5 đến 12 tháng tại 35 trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ. Hiện nay 42 người đã hoàn thành chương trình và trở về Việt Nam công tác.

Chương trình Giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại Việt Nam được bắt đầu từ năm 2008, đến nay đã có 31 giáo sư Hoa Kỳ được tuyển chọn để giảng dạy bằng tiếng Anh tại 25 trường đại học Việt Nam qua hình thức giảng dạy trực tiếp tại Việt Nam hoặc tương tác trực tuyến qua mạng Internet.

Bên cạnh đó VEF đã tổ chức Chương trình Tăng cường Năng lực cho Việt Nam nhằm tăng cường phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam và thúc đẩy cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai nước. Đã có 75 nhà khoa học từ 55 cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ được VEF tài trợ để thực hiện nhiều bài giảng có giá trị tại 61 trường đại học của Việt Nam. VEF đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, các chương trình, dự án về giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và thực hiện 3 báo cáo nghiên cứu về giáo dục đại học Việt Nam. VEF đã phố hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các hoạt động trao đổi về giáo dục, khoa học công nghệ.

Như vậy với 12 năm hoạt động, VEF đã có những đóng góp đáng được ghi nhận và đánh giá cao trong lĩnh vực giáo dục đại học cũng như khoa học. Trong thời gian tới, VEF sẽ tiếp tục được Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ quan tâm, mở rộng các chuyên ngành và số lượng sinh viên, học giả Việt Nam sang học tập, nghiên cứu ở Hoa Kỳ và giáo sư Hoa Kỳ sang giảng dạy tại Việt Nam.

Ngô Thanh Long
 Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề-Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất