Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 13/5/2015 16:0'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả tương tác giữa báo chí và mạng xã hội

Ngày 13/5/2015, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Văn phòng đại diện Quỹ tài trợ Konrad – Adenauer – Foundation (Viện KAS,CHLB Đức) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Tương tác giữa báo chí và mạng xã hội”. 

Đồng chí Trần Gia Thái – Phó Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Trần Bá Dung – Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam; bà Rabea Brauer - Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam chủ trì hội nghị.

Ra đời trên nền tảng Internet từ năm 1995, sau 20 năm phát triển, hiện nay trên thế giới đã có hàng trăm mạng xã hội, nơi đó thu hút hàng tỷ người tham gia. Mạng xã hội với các tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file...  đang được sử dụng để kết nối bạn bè, người thân, giải trí, kinh doanh, phát tán thông tin... Ở Việt Nam cũng xuất hiện những mạng xã hội thu hút đông đảo các thành viên tham gia như Zingme, Go.vn, yume.vn...  và rất nhiều các mạng xã hội khác được bạn đọc quan tâm và tìm kiếm mỗi ngày.

Theo thống kê của trang Internetwoldstats trong gần 14 năm (từ 31/12/2000 đến 30/6/2014), người sử dụng Internet trên tòan thế giới tăng trưởng trên 700%. Tính đến giữa năm 2014,số người sử dụng Internet trên toàn thế giới là trên 3 tỷ người, chiếm 42,3% dân số, lượng người truy cập mạng xã hội. Theo thống kê của trang www.statista.com,  năm 2014,số người sử dụng mạng xã hội trên toàn cầu đạt 1,78 tỷ người, so với năm 2010 tăng khoảng 1,8 lần. Con số vô cùng ấn tượng về số lượng người sử dụng Internet trên thế giới, số người truy cập Internet và mạng xã hội trên toàn thế giới có những bước tăng trưởng ngoạn mục như vậy là nằm trong chính những tính năng và tiện ích mà Internet và mạng xã hôi đã và đang mang lại cho con người trên thế giới và ở Việt Nam. Cũng theo nguồn trên, tính đến 30/4/2014, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đạt hơn 41 triệu, tương ứng với gần 44% dân số. Việt Nam đứng thứ 17 trong top 20 nước có tốc độ tăng trưởng Internet lớn nhất trên thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham thảo luận, bày tỏ quan điểm, những sáng kiến, kinh nghiệm về việc làm thế nào để khai thác được mặt tích cực của sự tương tác giữa báo chí và mạng xã hội vào quá trình tác nghiệp của nhà báo. Các ý kiến cũng thảo luận, phân tích các vấn đề liên quan đến việc nhà báo sử dụng mạng xã hội như thế nào trong quá trình tác nghiệp, đồng thời chỉ ra một số thách mà báo chí hiện đại đang phải đối mặt trước sự phát triển mạnh mẽ của loại hình truyền thông mới này.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Thanh Xuân (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, ở Việt Nam, theo con số mới nhất được dẫn ra trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của Văn phòng Chính phủ vào sáng 15/1/2015, số người truy cập mạng xã hội hiện là trên 30 triệu người, chiếm 1/3 dân số. Với các con số như vậy cũng đã nói lên sức ảnh hưởng rất lớn của mạng xã hội dến đông đảo người sử dụng với cách thức sử dụng dễ dàng nhanh chóng việc sở hữu một tài khoản trên mạng xã hội là hoàn toàn miễn phí, thông tin trên mạng xã hội đa dạng, phong phú, nhiều chiều, thông tin được đăng tải nhanh chóng, dễ dàng, tốc độ lan tỏa thông tin nhanh, nhiều bình luận... Chính điều này khiến cho các nhà báo những người làm truyền thông chuyên nghiệp họ không thể bỏ qua công cụ mạng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều tiện ích, mạng xã hội cũng bộc lộ nhiều hạn chế nhất định như thông tin mang tính cá nhân, không đảm bảo tính chính xác và khách quan, thông tin không thể kiểm duyệt... Chính vì thế, mạng xã hội có những tác động cả tốt lẫn xấu lên hoạt động báo chí, mạng xã hội đã và đang có ảnh hưởng lớn đến báo chí: từ việc phát  hiện đề tài, nắm bắt xu hướng, khai thác thông tin đến cả việc kiểm chứng thông tin, xử lý thông tin, xử lý tin tức đến nắm bắt phản hồi tương tác giữa báo chí và độc giả, những người làm báo đồng thời là thành viên mạng xã hội sẽ có điều kiện theo dõi, cập nhật phản hồi của đôc giả, tham khảo ý kiến cộng đồng mạng, nắm bắt chiều hướng dư luận về những nội dung báo chí đề cập, điều này giúp các nhà báo, tòa soạn tiếp nhận phản hồi, bình luận của độc giả nhanh, nhiều, đa dạng, công khai hơn...

Không chỉ tương tác giữa nhà báo với độc giả, mạng xã hội còn là kênh tương tác giữa các nhà báo với nhau qua mạng để trao đổi thông tin. Mạng xã hội góp phần quảng bá thông tin của báo chí và cũng làm phong phú nguồn tin của báo chí, bên cạnh những thông tin rác, ít giá tri, mãng xã hội có rất nhiều thông tin hữu ích có đẫn nguồn hoặc có cơ sở để tin tưởng, là một kênh cung cấp thông tin, đề tài mới nóng biết thêm các góc nhìn khác nhau của công chúng để phục vụ việc sáng tạo tác phẩm” .

Dù mạng xã hội nhiều điểm ưu việt nhưng mạng xã hội vẫn có những tác động tiêu cực tới nhà báo và hoạt động báo chí như: nhiều nhà báo sẽ trở nên lười biếng, không đi thực tế cơ sở mà ngồi nhà lướt web, chạy theo thông tin trên các diễn đàn chọn lọc và viết những thông tin nhìn thấy trên mạng mà chưa có kiểm chứng rồi biến những thông tin trên mạng thành những bài viết giật gân câu khách hoặc thậm chí là copy gần như nguyên văn.

Phần lớn thông tin trên mạng xã hội mang tính chủ quan của người viết, vì thế đã có không ít những tin rác, ít giá trị sử dụng, vô thưởng vô phạt được đưa lên gây hoang mang trong dư luận và gây phiền toái cho người theo dõi. Những vấn đề đang hiện hữu trong những người làm báo quá phụ thuộc vào mạng xã hội phải khắc phục những thứ tiêu cực trong suy nghĩ của một số ít các nhà báo hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra một số đề xuất ý kiến để nhà báo sử dụng mạng xã hội tác nghiệp hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của nhà báo trong quá trình tổng hợp và và chắt lọc thông tin, đem đến cho công chúng những sản phẩm truyền thông chất lượng, giảm thiểu những khó khăn của công chúng trong vấn đề tiếp nhận những thông tin hữu ích, làm tốt vai trò của người gác cổng là rất cần thiết.

Báo chí cần tham gia định hướng hoặc đấu tranh với những thông tin sai trái bằng việc đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác những thông tin đã được thẩm định. Một nhà báo phải có đạo đức, bản lĩnh trình độ và kỹ năng đặc biệt là kỹ năng kiểm chứng, đánh giá thông tin. Khi kiểm chứng thấy thông tin từ mạng xã hội sai, cần có thông tin cải chính, phản biện, lập luận mang tính thuyết phục cao. Thông tin đưa ra phải thật chính xác và có độ tin cậy cao không để những kẻ xấu có động cơ lợi dụng lợi dụng tung tin bịa đặt, sai lệch, tiêu cực, vô trách nhiệm với xã hội.

Trong quá trình viết báo, đối với mỗi yếu tố sự thật được đề cập trong bài báo đều cần phải trải qua quá trình kiểm chứng. Không những cần kiểm chứng về các yếu tố quan trọng cấu thành nên sự kiện như khi nào, ở đâu, ai, việc gì, tại sao, mà nhà báo còn phải kiểm chứng về mọi tư liệu bối cảnh xuất hiện trong sự kiện./.

Nguyễn Hoàng Sơn



 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất