Thứ Ba, 7/5/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Năm, 8/12/2022 9:50'(GMT+7)

Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Hóa chất

Công ty Cổ phần DAP - Vinachem được đánh giá là doanh nghiệp ngành Hóa chất điển hình trong việc tìm ra hướng xử lý hiệu quả chất thải thạch cao PG.

Công ty Cổ phần DAP - Vinachem được đánh giá là doanh nghiệp ngành Hóa chất điển hình trong việc tìm ra hướng xử lý hiệu quả chất thải thạch cao PG.

QUAN TÂM HƠN NỮA VIỆC CẬP NHẬT CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương nói chung, ngành Hóa chất nói riêng đã được các cấp, ngành và doanh nghiệp thường xuyên quan tâm thực hiện, cơ bản đáp ứng các quy định pháp luật.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của doanh nghiệp như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… Theo lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), trong quá trình xây dựng các văn bản nêu trên, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã có nhiều ý kiến góp ý, tuy nhiên các văn bản vẫn còn nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều lúng túng trong quá trình triển khai như các quy định về giấy phép môi trường, quản lý chất thải đặc thù, quan trắc tự động liên tục… Nhất là đối với Hóa chất - một trong những ngành có lượng chất thải phát sinh lớn và áp dụng nhiều quy định khắt khe về bảo vệ môi trường như trách nhiệm của doanh nghiệp về xử lý tro, xỉ, thạch cao; quan trắc tự động liên tục hay giảm phát thải khí nhà kính, kế hoạch ứng phó sự cố môi trường...

Do đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, việc cập nhật, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương nói chung và các thành viên của Tập đoàn Hóa chất nói riêng.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong thực tế, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn để xảy ra tình trạng mất an toàn, dẫn đến vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, thời gian qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thường xuyên yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải có trách nhiệm giảm thiểu các việc ảnh hưởng đến môi trường. Luật Bảo vệ môi trường sau nhiều lần sửa đổi đã có những yêu cầu ngày càng cao hơn. Do đó, doanh nghiệp phải quán triệt nguyên tắc là các giải pháp bảo vệ môi trường sẽ vừa giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là bảo vệ môi trường.

TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP GẮN SẢN XUẤT VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), việc bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp nói chung và trong ngành Hóa chất đã được quan tâm và hiện thực hóa thông qua rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua. Cụ thể như các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về Biến đổi khí hậu với mục tiêu đạt mức trung hòa carbon bằng “0” vào năm 2050; các văn bản về Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội  của các tỉnh/thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thời gian qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, trong đó có Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật cũng như các kế hoạch của ngành Công thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã chú trọng tăng cường các biện pháp, giải pháp đồng bộ, thống nhất, gắn sản xuất với công tác quản lý, bảo vệ môi trường của các đơn vị thành viên Tập đoàn. Tập đoàn ban hành Quy chế bảo vệ môi trường tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các đơn vị thành viên quản lý thống nhất hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người lao động, cán bộ viên chức của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn được thực hiện thường xuyên; việc bảo vệ môi trường đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách của các doanh nghiệp thành viên. Theo đó, thời gian qua, đa số các đơn vị thành viên Tập đoàn đã thực hiện nghiêm túc về công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể như hồ sơ pháp lý về công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị được thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc theo các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường; chương trình quan trắc chất lượng môi trường được các đơn vị thực hiện theo đúng quy định; công tác quản lý chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn) đã được chú trọng...

Đơn cử như:

Các nhà máy của Công ty cổ phần DAP - Vinachem đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải, khí thải, khu vực và dụng cụ lưu chứa chất thải rắn, chất thải nguy hại, hệ thống quan trắc tự động khí thải, trồng cây xanh tại các khu vực. DAP - Vinachem cũng đã và đang thực hiện theo đúng các yêu cầu và những cam kết đã đề ra trong bộ tài liệu, quy trình hệ thống quản lý chất lượng môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015, duy trì thực hiện chế độ kiểm tra đánh giá định kỳ. Để kiểm soát, giảm phát thải về nước thải và khí thải, trong thời gian qua, DAP - Vinachem đã thực hiện nhiều giải pháp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản suất nhằm giảm suất tiêu hao nguyên, nhiên liệu và năng lượng, tăng cường tận thu tái sử dụng phế thải, sản xuất sạch hơn, qua đó giảm lượng phát thải về khí thải, chất thải rắn, nước thải.

Đối với việc xử lý bãi chứa thạch cao được chia thành 2 khu vực, khu vực chứa thạch cao tạm thời và bãi chứa lâu dài. Có hệ thống thu gom nước mưa đưa về hồ chứa và bơm về sử dụng tại công đoạn hòa bùn quặng apatit của nhà máy axit phốtphoríc. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ phát sinh sự cố môi trường với bãi chứa thạch cao, DAP - Vinachem đã liên tục đầu tư thực hiện các biện pháp gia cố, mở rộng và tuyến đê bao giáp các hồ chứa. Đặc biệt, để tái sử dụng thạch cao, từ năm 2010, DAP - Vinachem đã hợp tác với Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường thành lập Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ. Sau nhiều năm kiên trì bán giới thiệu sản phẩm thạch cao sau chế biến, đến nay đã có 28 nhà máy xi măng trong nước ký hợp đồng mua và đưa vào sử dụng thường xuyên sản phẩm của Công ty Thạch cao Đình Vũ. Năm 2017 DAP - Vinachem đã ký hợp đồng với Viện Vật liệu xây dựng thực hiện Đề tài nghiên cứu chế biến bã thải thạch cao của Công ty làm vật liệu san nền.

Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng kiểm tra tiến độ thực hiện dự án sản xuất thạch cao từ bã thải gyps của Công ty Cổ phần DAP - Vinachem, tháng 11/2022.

 Đối với Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, ngoài việc liên tục hoàn thành vượt bậc các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, Công tay đã xác định việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chính là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững, Từ đó, Công ty luôn quan tâm đầu tư thích đáng tới công tác bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động. Cụ thể như, bộ máy làm công tác bảo vệ môi trường luôn được củng cố, tổ chức phù hợp với điều kiện sản xuất của Công ty và các quy định của Nhà nước. Thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường vì sự phát triển ổn định và bền vững. Không để xảy ra sự cố môi trường, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, hay bị xử lý vi phạm về công tác bảo vệ môi trường. Tận dụng và sử dụng vật tư, nguyên vật liệu, năng lượng ngày càng tiết kiệm và hợp lý.

Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng là doanh nghiệp hướng tới đổi mới sáng tạo, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường ở mức độ rất thấp. Đồng thời, nước thải ra môi trường của Công ty chỉ là nước thải sinh hoạt, tắm rửa vệ sịnh, giặt áo quần cho người lao động, còn nước thải sản xuất tuần hoàn kín 100%. Nước thải sinh hoạt được đấu nối với hệ thống thu gom xử lý của Khu Công nghiệp Liên Chiểu và trả phí hàng tháng. Rác thải công nghiệp, sinh hoạt và nguy hại Công ty thực hiện phân loại, xử lý, tận dụng đưa vào tái sản xuất triệt để, phế phẩm hoặc rẻo su từ công đoạn này chuyển vào làm nguyên liệu cho các sản phẩm thấp cấp hơn như tấm chắn cầu cảng, cao su tấm lợp, rất ít phải thải bỉ và xử lý, nếu có xử lý Công ty đã thuê đơn vị có chức năng và thẩm quyền thực hiện đúng yêu cầu.

Với Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam, các dây chuyền sản xuất các sản phẩm hóa chất của Công ty đều đã được phê duyệt thủ tục môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Hoạt động kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường và xác nhận thực hiện đề án bảo vệ môi trường của dự án được tiến hành đầy đủ. Đối với công tác kiểm soát nước thải: toàn bộ nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất được thu gom riêng biệt, đưa về hệ thống xử lý nước thải trung tâm của các nhà máy để xử lý sơ bộ trước khi giao cho Khu công nghiệp tiếp tục xử lý đạt tiêu chuẩn rồi mới thải vào môi trường. Hệ thống xử lý nước thải trung tâm của các đơn vị trực thuộc của Công ty được thiết kế theo đặc điểm của nước thải phát sinh, đảm bảo xử lý nước thải đáp ứng các thông số yêu cầu trước khi đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý của Khu công nghiệp Biên Hòa I.

Để kiểm soát khí thải, Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam triển khai lắp đặt hệ thống thu gom xử lý khí thải cho tất cả các dây chuyền sản xuất hóa chất. Một số dây chuyền sản xuất đã được lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục. Chất lượng khí thải xử lý xả vào môi trường luôn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khí thải công nghiệp vô cơ. Ngoài ra, Công tác quản lý thu gom phân loại, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tại các đơn vị được thực hiện tại nguồn phát sinh. Tất cả chất thải được phân loại và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để xử lý.

KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP ĐỂ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Bên cạnh những kết quả đạt được, các doanh nghiệp cũng gặp phải không ít khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường khu vực sản xuất. Chẳng hạn như, năm 2017 Công ty DAP - Vinachem đã ký hợp đồng với Viện Vật liệu xây dựng thực hiện Đề tài nghiên cứu chế biến bã thải thạch cao của Công ty làm vật liệu san nền. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, năm 2018-2019, Công ty đã phối hợp với một số đối tác tiến hành thử nghiệm làm cốt nền đường giao thông, cốt nền bãi chứa container tại huyện Kinh Thành, tỉnh Hải Dương và huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên hiện nay chưa thể triển khai ứng dụng kết quả đề tài trên diện rộng, do chưa có tiêu chuẩn sử dụng với loại vật liệu mới này.

Ý thức bảo vệ môi trường của không ít người lao động còn thấp, chưa được đồng đều giữa các bộ phận; công tác quản lý bảo vệ môi trường của cán bộ quản lý tại một số bộ phận, phân xưởng chưa thực sự quyết liệt, chưa triển khai thực hiện tốt các quy định, quy chế bảo vệ môi trường; chi phí cho xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường còn cao so với yêu cầu đặt ra… là những khó khăn, hạn chế, bất cập mà đa số các doanh nghiệp ngành Hóa chất hiện nay gặp phải.

Vì thế, để nâng cao chất lượng và năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Hóa chất, một số giải pháp cơ bản được xác định là:

Một là, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ môi trường tại các đơn vị trực thuộc bằng cách tập trung rà soát để kịp thời ban hành bổ sung các quy chế, quy định để hoàn thiện và đồng bộ hệ thống văn bản.

Hai là, thường xuyên tổ chức hoạt động phổ biến, tuyên truyền để cập nhật các thay đổi trong chính sách bảo vệ môi trường của Nhà nước đến với cán bộ, công nhân viên nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về các yêu cầu bảo vệ môi trường và vai trò của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất.

Ba là, áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động bảo vệ môi trường, phục vụ công tác thống kê, đánh giá hiệu quả và giúp thông tin nhanh chóng, kịp thời nhằm ngăn ngừa hoặc khắc phục các vi phạm.

Bốn là, không ngừng nâng cao ý thức, nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo đơn vị cũng như người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường; về những cam kết mà Việt Nam đã ký kết, thỏa thuận với quốc tế; về xu hướng tất yếu trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển bền vững. Phải xác định công tác quản lý chất lượng, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường luôn là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp; bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; phát triển hài hòa giữa sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường./.

VĂN QUÁN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất