Thứ Bảy, 1/4/2017 14:38'(GMT+7)
Nâng cao năng lực can thiệp dinh dưỡng, ứng phó với hạn hán kéo dài
Nhiều phụ nữ và trẻ em tại 6 tỉnh bị hạn hán và xâm nhập mặn đã được cải thiện dinh dưỡng nhờ Dự án hỗ trợ khẩn cấp đầu tiên do UNICEF và Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục để nâng cao năng lực can thiệp dinh dưỡng, ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài. PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Chúng ta rút ra được những bài học gì trong quá trình triển khai Dự án hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp đầu tiên cho bà mẹ và trẻ em tại 6 tỉnh bị hạn hán và xâm nhập mặn, thưa ông?
Sự hỗ trợ nguồn lực quý báu của UNICEF và Chính phủ Nhật Bản ( 4 triệu USD), từ tháng 6/2016 - 3/2017, đã giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho hơn 90.000 bà mẹ và trẻ em tại tỉnh Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, những tỉnh chịu tác động nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn.
Cụ thể, tất cả trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ từ 6 - 23 tháng tuổi cũng như phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con dưới 1 tuổi bú đều được cộng tác viên/y tế thôn bản lập danh sách, chuyển lên trạm y tế lưu trữ và sử dụng để theo dõi, cấp phát viên đa vi chất, sản phẩm dinh dưỡng (do UNICEF mua từ nước ngoài).
Đặc biệt, toàn bộ những trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng (chu vi vòng cánh tay dưới 11.5cm hoặc cân nặng/chiều cao dưới chuẩn -3SD) đều được khám để phân loại suy dinh dưỡng và điều trị. Đến nay, đã có 7.640 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính được điều trị phục hồi dinh dưỡng…
Bên cạnh đó, Dự án đã tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho 144 cán bộ là bác sỹ và điều dưỡng khoa nhi tại các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, cùng 666 trạm trưởng và chuyên trách dinh dưỡng của 333 xã trong dự án.
Bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án đó là, cần có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, cũng cần củng cố hệ thống theo dõi, giám sát và báo cáo thực hiện. Đây là dự án hỗ trợ khẩn cấp, đòi hỏi phản ứng nhanh nhưng thực tế, cán bộ địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện. Trong khi, tần số báo cáo dày, công tác tổng hợp báo cáo khó khăn do địa bàn rộng, trình độ cán bộ cấp xã còn hạn chế.
Trong khi ở cấp độ quốc gia, hoạt động xây dựng được hệ thống giám sát tình trạng dinh dưỡng khẩn cấp, kịp thời đưa ra các thông tin về dinh dưỡng là rất cần thiết. Việc củng cố hệ thống thu thập thông tin về dinh dưỡng (tại cấp huyện/xã) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh.
Nhiều địa phương thuộc Dự án phản ánh HEBI, sản phẩm điều trị dinh dưỡng mà UNICEF cung cấp không phù hợp với người Việt Nam, ăn rất ngán nên cả nhân viên y tế và các bà mẹ đều rất vất vả khi cho trẻ suy dinh dưỡng sử dụng. Vậy tới đây sẽ có thay đổi gì trong việc cung ứng các sản phẩm này không, thưa ông?
Đúng là sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng được mua ở nước ngoài dưới dạng sệt nên khó khăn trong việc bảo quản khi thời tiết nóng và không phù hợp khẩu vị của trẻ em Việt Nam, trẻ ăn hay bị ngán và không ăn được lâu. Do đó, trong quá trình thực hiện Dự án, các cán bộ y tế đã rất cố gắng trong việc vận động bà mẹ, dỗ dành con trẻ sử dụng sản phẩm này.
Thực ra, trước thời điểm triển khai dự án, Viện Dinh dưỡng cũng đã tự sản xuất được bánh HEBI, sản phẩm điều trị dinh dưỡng sản xuất theo công thức của UNICEF nhưng mùi vị phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Sản phẩm này cũng đã được sử dụng trong nhiều dự án hỗ trợ dinh dưỡng của Việt Nam.Tuy nhiên, do các tiêu chuẩn của UNICEF rất cao, ví như phải đạt yêu cầu về quy mô nhà máy sản xuất, nên dự án hỗ trợ khẩn cấp đầu tiên này đã sử dụng sản phẩm điều trị dinh dưỡng nhập ngoại.
Từ thực tế triển khai dự án và phản hồi của người dân, chúng tôi đang rất nỗ lực để có thể hoàn thiện các yêu cầu của UNICEF về sản xuất bánh HEBI để sớm có thể đạt các tiêu chuẩn thay thế sản phẩm nhập ngoại. Khi đó, sẽ có nhiều bà mẹ, trẻ em được tiếp cận hơn với sản phẩm điều trị dinh dưỡng vì bánh HEBI made in Vietnam có giá thấp hơn so với sản phẩm nhập ngoại.
Dự báo năm 2017, tình trạng khô hạn và thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra. Vậy ngành Dinh dưỡng sẽ thực hiện giám sát để tiếp tục đưa ra những đề xuất hỗ trợ khân cấp cho người dân như thế nào, thưa ông?
Hệ thống giám sát trên toàn quốc của Viện Dinh dưỡng sẽ tiếp tục hoạt động, kịp thời báo cáo về các tác động của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn làm giảm khẩu phần dinh dưỡng của người dân, thực phẩm trong gia đình ít đi do bị mất mùa do hạn hán, bà mẹ gầy thiếu sữa hoặc gia tăng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng…Để từ đó, cơ quan quản lý không chỉ có bằng chứng kỹ thuật đề xuất sự hỗ trợ khẩn cấp từ các tổ chức quốc tế mà còn đề nghị sự can thiệp bằng chính nội lực, từ các doanh nghiệp trong nước.
Tất nhiên, về lâu dài, chúng ta cần có quy hoạch phát triển nông nghiệp, phát triển những cây trồng phù hợp để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết khô, hạn có nguy cơ kéo dài.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)/Báo Tin Tức