(TG)- Ngày 1/10, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến điều dưỡng chăm sóc người bệnh Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch, với sự tham gia của hơn 120 học viên và đại diện lãnh đạo 12 sở y tế, các chuyên gia y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong đợt dịch thứ tư, Bộ Y tế đã cử gần 20.000 cán bộ y tế hỗ trợ các tỉnh phía Nam, trong đó, đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên chiếm tỷ lệ 2/3. Chăm sóc điều dưỡng bệnh nhân nặng và nguy kịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược giảm tử vong ở bệnh nhân Covid-19 và là mục tiêu hàng đầu của công tác điều trị Covid-19 trong suốt thời gian qua.
"Với hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 nặng, 12 trung tâm hồi sức Covid-19 đã phải huy động đội ngũ điều dưỡng có kinh nghiệm để chăm sóc họ. Nhờ đó đến nay, các Trung tâm hồi sức Covid-19 đã giảm số lượng bệnh nhân nặng, các ca tử vong đã có xu hướng giảm", PGS.TS Lương Ngọc Khuê dẫn chứng.
Tiến sĩ Satoco Otsu, Trưởng nhóm bệnh truyền nhiễm mới nổi, Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, biến chủng Delta đã gây ra những khó khăn cho tất cả hệ thống y tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong tình hình mới, các bệnh viện cần xem xét tất cả các quá trình chuẩn bị, những khó khăn, hạn chế để có những bước chuẩn bị sẵn sàng. Riêng đối với đội ngũ điều dưỡng cần trang bị kiến thức và kỹ năng chăm sóc người bệnh để hỗ trợ công tác điều trị, giảm tử vong do Covid-19.
Trong thời gian tập huấn diễn ra từ ngày 1 đến 5-10, các học viên được trang bị kiến thức về máy thở, xử trí báo động máy thở; chăm sóc bệnh nhân sốc nhiễm trùng; chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19; chăm sóc người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thở máy; chăm sóc bệnh nhân cai thở máy, người bệnh cần lọc máu cấp cứu; hướng dẫn theo dõi, ghi chép, sử dụng bơm tiêm điện, máy theo dõi, chăm sóc thai phụ nhiễm Covid-19...
Phong Duy