(TG) - Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là rường cột quan trọng của nước nhà, là trụ cột của gia đình và xã hội.
Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh "Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là rường cột quan trọng của nước nhà, là trụ cột của gia đình và xã hội", tại buổi gặp mặt với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các đại biểu người cao tuổi, nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 và Tháng hành động vì người cao tuổi.
Tại buổi gặp mặt ngày 28/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi bó hoa tươi thắm qua lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam, tặng hơn 11 triệu người cao tuổi trong cả nước, cùng với lời chúc mừng, lời thăm hỏi ân cần, tình cảm và sự kính trọng.
Chủ tịch nước khẳng định người cao tuổi là vốn quý của dân tộc. Chính vì vậy, việc chăm sóc và phát huy người cao tuổi Việt Nam phải luôn được các bộ, ngành và các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm nhằm thực hiện tốt nhất chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc người cao tuổi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cấp hội người cao tuổi cần hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong việc chăm lo người cao tuổi, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa. Vì hiện nay, vẫn còn có gần 1 triệu người cao tuổi trong cả nước thuộc diện hộ nghèo.
Người Việt Nam có tuổi thọ cao, nhưng nhiều người trên 60 tuổi mắc nhiều bệnh như cao huyết áp, tim mạch và tiểu đường. Chủ tịch nước đề nghị ngành Y tế cần nghiên cứu để có giải pháp phòng và chữa các loại bệnh này nhằm đảm bảo người Việt Nam sống thọ và sống khỏe.
Đối với các kiến nghị của Hội Người cao tuổi Việt Nam về tổ chức hệ thống hội từ Trung ương đến cơ sở, chế độ chính sách đối với người cao tuổi và tổng kết, sửa đổi Luật Người cao tuổi, Chủ tịch nước giao các bộ ngành, nghiên cứu để báo cáo Chủ tịch nước.
Chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn
Từ khi Liên Hợp Quốc lấy hàng 1/10 là ngày Quốc tế Người cao tuổi, Việt Nam là một trong số các nước đã hưởng ứng ngay từ những ngày đầu. Hàng năm, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hưởng ứng Ngày Quốc tế Người cao tuổi bằng những việc làm thiết thực.
Ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam; Chỉ thị số 59/CT-TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) về chăm sóc người cao tuổi; ngày 23/11/2009 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII), ban hành Luật Người cao tuổi); ngày 25/4/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hàng năm là "Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam"; Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia vì Người cao tuổi Việt Nam…
Cùng với đó, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng các chủ trương, chính sách nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người cao tuổi ở nước ta ngày càng được nâng lên (năm 2020, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước là 73,7 tuổi), là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của cả nước, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là người cao tuổi. Đồng thời, hiện nay người cao tuổi sống chủ yếu ở nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có người cao tuổi còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước; người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn…
Vì vậy, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam và Trung ương hội Người cao tuổi Việt Nam đã phát động hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm nay với chủ đề: "Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn".
Để công tác chăm sóc người cao tuổi nói chung và chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nói riêng có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực, sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
"Công bằng số cho mọi lứa tuổi"
Các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế Người cao tuổi ở nước ta được cả hệ thống chính trị và mọi người dân trên cả nước quan tâm, hoà chung với hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991 - 1/10/2021) trên toàn thế giới.
Năm nay, kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi, Liên Hợp Quốc chọn chủ đề "Công bằng số cho mọi lứa tuổi" khẳng định nhu cầu của người cao tuổi cần được tiếp cận và tham gia một cách có ý nghĩa vào công nghệ số của nhân loại.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư với những thay đổi nhanh chóng và phát triển vượt bậc của kỹ thuật số đã mang tới những biến đổi trong mọi mặt của xã hội. Những tiến bộ trong công nghệ thông tin tạo ra những hy vọng lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo báo cáo Sự thật và số liệu năm 2020 của Liên minh Viễn thông Quốc tế - ITU, ở các nước phát triển có tỷ lệ dân số sử dụng internet là 87% thì ở các nước kém phát triển nhất tỷ lệ này chỉ là 19% và người cao tuổi và phụ nữ là nhóm người phải chịu sự bất công về sử dụng kỹ thuật số lớn hơn so với các nhóm khác trong xã hội; họ thường thiếu tiếp cận công nghệ hoặc không được hưởng lợi một cách đầy đủ từ các cơ hội do tiến bộ công nghệ mang lại.
Do vậy, Liên Hợp Quốc đã chọn chủ đề "Công bằng số cho mọi lứa tuổi" cho Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2021 với yêu cầu: nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hòa nhập số đối với người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi được tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin trong đời sống; hướng tới việc giải quyết các thách thức này bằng cách đưa ra các chính sách cụ thể để khai thác những mặt tốt nhất của công nghệ đồng thời giảm thiểu các rủi ro từ công nghệ đối với mọi người, trong đó có người cao tuổi./.
M.Anh