Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 11/6/2018 10:0'(GMT+7)

Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp

Các doanh nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên Huế tham gia tháng Công nhân.

VHDN ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sự hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng đã và đang đem lại cho các doanh nghiệp (DN) nhiều cơ hội để phát triển, mặt khác đã tạo ra một làn sóng cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi DN muốn tồn tại và phát triển cần tìm ra lợi thế cạnh tranh, trong đó xây dựng VHDN chính là giải pháp cho vấn đề này.

Tính đến cuối năm 2017, Thừa Thiên Huế có gần 7.000 DN. So với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, số DN đang hoạt động của Thừa Thiên Huế đứng thứ hai, sau Đà Nẵng. 

Những năm gần đây, trong điều kiện kinh tế có khó khăn chung của cả nước và những khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, sự cố môi trường biển, thiên tai, dịch bệnh… tình hình SXKD của các DN ở Thừa Thiên Huế cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, đặc biệt trong 2 năm 2016 - 2017 Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chọn chủ đề là “Năm Doanh nghiệp”, theo đó tỉnh đã có những giải pháp hỗ trợ thiết thực, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế, đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và công tác an sinh xã hội, khắc phục sự cố môi trường biển. 

Nghị quyết số 35-NQ/CP của Chính phủ về “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp” đều nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng VHDN, đó là “Nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần liêm chính trong kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”. Cùng với sự nỗ lực của tỉnh, các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và đã có bước tăng trưởng, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội chung của tỉnh. 

Hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật; có nhiều doanh nghiệp làm tốt chức năng định hướng tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học, công nghệ và dịch vụ phục vụ cho sản xuất, đời sống của nhân dân. Các doanh nghiệp dịch vụ - du lịch đã chú trọng đổi mới các loại hình kinh doanh như: du lịch sinh thái nhà vườn, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh...; xây dựng nhà hàng, khách sạn…, góp phần làm phong phú các hoạt động du lịch với những nét đặc trưng, hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách đến Huế và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. 

Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong tỉnh cũng từng bước trưởng thành, vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân được khẳng định trong tiến trình phát triển của tỉnh. Nhiều doanh nhân trong tỉnh đã tích cực xoay xở, thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình SXKD để tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp mình và ngày càng có những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2017 tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 7,76%, của thuộc Top những tỉnh có mức tăng trưởng cao trong khu vực và cả nước năm 2017. 

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp quan tâm tham gia các hoạt động an sinh, xã hội, đã đóng góp và ủng hộ cho các quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, xoá nhà tạm cho hộ nghèo, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, phát thưởng cho con em lao động học giỏi hàng năm trong doanh nghiệp, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động công tác Đảng và các đoàn thể… 

Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng và phát triển VHDN trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình trọng điểm của kế hoạch kinh tế - xã hội 2016 - 2020, trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch - dịch vụ, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Tiếp tục triển khai hỗ trợ doanh nghiệp: kết hợp một lần 4 thủ tục: đăng ký kinh doanh, thuế, tài khoản ngân hàng, khắc dấu giảm hồ sơ trùng lắp; phổ biến pháp luật vào trao đổi liên quan đầu tư kinh doanh ngành nghề có điều kiện; triển khai thường xuyên cafe doanh nhân mỗi tháng mỗi chuyên đề, qua đó chuyển tải tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong kỳ, định hướng phát triển trong những tháng, năm tiếp theo. Cơ bản đã hoàn thiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Song song với phát triển kinh doanh, các DN đã từng bước quan tâm xây dựng VHDN, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, đáng khích lệ. Hầu hết các cấp ủy, chi bộ đã thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng; tập trung vào việc nâng cao nhận thức mọi mặt cho đảng viên, bàn bạc tìm ra những giải pháp cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường sinh hoạt văn hoá, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau, thường xuyên xây dựng nội dung để tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng VHDN cho đội ngũ những người thực hiện việc xây dựng VHDN tại đơn vị, doanh nghiệp vì sự phát triển của doanh nghiệp. 

Đã có nhiều DN quan tâm đến việc tạo hình ảnh để nhận biết cho doanh nghiệp mình đó là cờ của doanh nghiệp và bài hát của DN (Công ty xây dựng và cấp nước; Ngân hàng, Dệt may; xăng dầu...). 8,1% doanh nghiệp có đầu tư  khu vui chơi, giải trí (Khối doanh nghiệp ngân hàng, khách sạn...). Ngoài các thiết chế văn hóa về cơ sở vật chất, các doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng biểu trưng (logo), bài hát, khẩu hiệu; hệ thống các văn bản quy định như  nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử, các chuẩn mực….để áp dụng trong doanh nghiệp. 
 


Bên cạnh những kết quả đạt được, có một thực tế là, một số DN khi đang còn là doanh nghiệp nhà nước đã có sự  đầu tư cơ sở vật chất khá bài bản, nhưng theo thời gian và đặc biệt sau khi chuyển đổi mô hình quản lý (cổ phần hóa) thì việc quản lý, sửa chữa, nâng cấp, thiếu được quan tâm nên đã trong tình trạng xuống cấp dẫn đến hiệu quả sử dụng sử dụng thấp. Một số DN có số lao động khá lớn nhưng do những yếu tố khách quan (mặt bằng đất đai hạn chế), hoặc do lãnh đạo DN chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến việc mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Số còn lại các doanh nghiệp quy mô nhỏ, điều kiện về vốn và mặt bằng tập trung cho sản xuất kinh doanh nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa còn sơ sài, chắp vá, thiếu đồng bộ.

Để tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các DN về xây dựng và thực hiện VHDN, trong điều kiện đặc thù của Thừa Thiên Huế, các cấp ủy đảng đã rất quan tâm xây dựng giải pháp nhằm  đưa VHDN vào thực tiễn cuộc sống, tạo dấu ấn, bản sắc riêng của mỗi DN. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, các DN tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, như bố trí quỹ đất cho các doanh nghiệp có số lượng công nhân đông để xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà thi đấu, sân chơi thể thao..; có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở, tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền vận động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. 

Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, cần trích một phần quỹ phúc lợi để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa về cơ sở vật chất, quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa phi vật chất ở doanh nghiệp...; Biên soạn tài liệu về VHDN cho đội ngũ cấp ủy đảng nắm vững và chỉ đạo triển khai. Quan tâm định hướng, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về công tác này; chú trọng công tác lãnh đạo và chỉ đạo của đảng ủy cấp trên và các cấp ủy cơ sở phải bảo đảm những yêu cầu nhất định, phải cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, sát đúng, phù hợp với đặc điểm tình hình của tổ chức Đảng nói chung, của từng loại hình doanh nghiệp nói riêng. Trên cơ sở xem VHDN là tài sản tinh thần của doanh nghiệp.

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong DN. Tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và công nhân lao động; thường xuyên tham gia làm tốt xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp; tổ chức tốt các phong trào thi đua; tích cực tham gia đóng góp các quỹ, xây nhà đồng đội, hiến máu nhân đạo, chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… và luôn chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, hội viên, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển. 

Một thực tế cho thấy, những doanh nghiệp nào quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển đảng trong doanh nghiệp; Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đó từng bước phát huy được vị trí, vai trò hạt nhân chính trị của mình; Tích cực tuyên truyền, giáo dục cán bộ công nhân viên, người lao động và các thành viên trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, góp phần bảo đảm điều tiết hài hòa giữa 3 lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động; tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng với Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, thì doanh nghiệp đó sản xuất kinh doanh ngày càng ổn định, phát triển, tạo môi trường làm việc lành mạnh, đoàn kết, chất lượng và hiệu quả.

Chú trọng lãnh đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở gắn với phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể tại doanh nghiệp. Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của TCCS Đảng trong các loại hình doanh nghiệp là hạt nhân chính trị lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các TCCS Đảng còn chú trọng lãnh đạo cán bộ, đảng viên và người lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đồng thời cụ thể hóa Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc (Nghị định 60 của Chính phủ) phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên và người lao động; ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.

Xây dựng VHDN là một quá trình, cần nhiều thời gian và sự quan tâm đồng bộ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người lao động. Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tạo điều kiện thuận lợi và từng bước tháo gỡ những vướng mắc để các DN xây dựng, thực thi VHDN tại đơn vị, địa phương mình, tạo dấu ấn và bản sắc riêng của DN Thừa Thiên Huế trong quá trình hội nhập và phát triển./.

Châu Thu Hà – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất