Từ ngày 25-26/6, tại Quảng Ninh, Báo Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo “Giải pháp đột phá truyền thông trong lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp và bảo hiểm xã hội”.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, nguyên lãnh đạo các đơn vị của Bộ cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí của Bộ, Trung tâm truyền thông BHXH Việt Nam, đại diện Sở LĐ-TB&XH của một số địa phương.
Vai trò kênh thông tin chính sách đến người dân
Tại Hội thảo, Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung cho biết, là đơn vị của Bộ phụ trách 4 lĩnh vực: Việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, những năm vừa qua báo chí của ngành đã thực hiện tốt vai trò kênh thông tin tuyên tuyền chính sách của ngành nói chung và những lĩnh vực của Cục Việc làm nói riêng. Thời gian qua, Cục Việc làm đã phối hợp với các cơ quan báo chí của ngành nói riêng, có các bài viết, thông tin về những lĩnh vực việc làm trên báo.
Ông Lê Quang Trung cho biết thêm, Cục Việc làm đã cùng các đơn vị trong và ngoài Bộ tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực việc làm, bảo hiểm xã hội đã thu hút sự quan tâm của xã hội về lĩnh vực việc làm. Tuy nhiên hoạt động đó chưa đủ, chưa “thấm” đến hết các nhóm đối tượng, vì vậy cần sự tham gia vào cuộc của các cơ quan truyền thông báo chí.
“Công tác xây dựng pháp luật tốt nhưng không có cầu chuyển đến người lao động, đối tượng thì chính sách sẽ không thực hiện được. Vì vậy, truyền thông cần phải là khâu đột phá trong thực hiện chính sách, pháp luật để đi vào cuộc sống” - Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung khẳng định.
Đánh giá vai trò của báo chí trong công tác xuất khẩu lao động, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, theo số lượng thống kê, trung bình mỗi năm số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng gần 10.000 người. 5 tháng đầu năm 2019 đã có 54.144 người, đạt 45% kế hoạch của năm (120.000 người). Hiện nay có khoảng 500 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, thu nhập hàng năm của người lao động khoảng 2 tỷ USD.
“Có được các kết quả nói trên, không thể không nói đến sự hợp tác tích cực của các cơ quan thông tin truyền thông, các báo đài trong việc thông tin, tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật cũng như đưa các tin, bài về tình hình thị trường lao động ngoài nước, tình hình thực hiện của các doanh nghiệp, địa phương, các mô hình tốt, hiệu quả và những vấn đề phát sinh góp phần thúc đẩy hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng lành mạnh và phát triển”- ông Nguyễn Gia Liêm khẳng định.
Báo chí cần tuyên tuyền đúng, trúng và hiệu quả
Tại Hội thảo, ông Lê Quang Trung mong muốn các cơ quan báo chí đặt hàng với các đơn vị, làm sao làm sâu hơn hơn các nội hàm như tuổi nghỉ hưu và tuổi làm việc, vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, hoạt động của dịch vụ việc làm, thị trường lao động, người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, các cơ quan báo cần mở các chuyên mục thông tin nhiều chiều, lấy nhiều ý kiến nhiều đối tượng khác nhau trong từng lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện chính sách, báo chí phát hiện những bất cập, tồn tại thông tin cho các đơn vị của Bộ để các đơn vị hoàn chỉnh chính sách những vấn đề trong thực hiện.
Chia sẻ về những đóng góp của cơ quan báo chí trong công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), TS. Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN khẳng định, sức mạnh của truyền thông được thể hiện bởi sự ảnh hưởng tới nhận thức, tạo dư luận, định hướng dư luận xã hội.
Để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, bên cạnh những giải pháp nhằm tăng cường năng lực để tạo dựng hình ảnh về một hệ thống GDNN hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy, những người làm công tác GDNN vẫn đang nỗ lực để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về GDNN.
Từ khi Luật GDNN có hiệu lực, công tác tuyên truyền về GDNN đã được quan tâm, có những đóng góp đáng kể để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của GDNN, định hướng được dư luận trong các vấn đề, kịp thời giải đáp thắc mắc của độc giả, đã có sự tương tác giữa độc giả và cơ quan quản lý nhà nước về GDNN. Tuy nhiên công tác GDNN còn nhiều khó khăn, tâm lý bằng cấp còn nặng nề trong mỗi gia đình; bình quân mỗi năm chỉ tuyển sinh đào tạo được khoảng 2,2 triệu người; 8 - 10% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Trước thực tế này, TS. Trương Anh Dũng đề nghị, báo chí cần xây dựng nội dung, thời điểm truyền thông phù hợp để đạt được hiệu quả. Làm thế nào để các báo đài tiếp cận thông tin, đó là vai trò của các cục, vụ, đơn vị, nhưng các phóng viên có phương thức truyền thông phù hợp với từng đối tượng phù hợp đời sống xã hội.
Nhận định về vai trò của báo chí bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam cho biết, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có gần 3.000 tin, bài, phóng sự, chương trình, tọa đàm về các lĩnh vực BHXH. Các tin bài, chương trình, phóng sự… được đăng tải kịp thời, với chất lượng thông tin ngày càng chuyên sâu, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Hình thức các sản phẩm thông tin, truyền thông đa dạng; nội dung thông tin phong phú, đi vào chiều sâu, đảm bảo đúng chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm.
“Thực tế đó đòi hỏi công tác truyền thông về BHXH, BHYT phải được đổi mới, sáng tạo, hiệu quả nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống. Sự chính xác, kịp thời, sắc sảo, thuyết phục, kể cả việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn liên quan đến BHXH, BHYT là hết sức cần thiết; Cần thêm những kênh thông tin truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về BHXH, BHYT cho từng nhóm công chúng khác nhau. Mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia về an sinh xã hội để có những bài viết sâu sắc, đánh giá sắc sảo, phân tích chính xác về những vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT. Sự phối hợp giữa cơ quan tổ chức thực hiện và cơ quan báo chí cần được tăng cường chặt chẽ hơn, bảo đảm cung cấp thông tin chính thống, kịp thời đến công chúng, lan tỏa thông điệp về bản chất nhân văn, sâu sắc về chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước” – bà Hương nhấn mạnh.
Chia sẻ với các phóng viên, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn cho biết, Bộ luật Lao động có sự ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong đời sống. Trong bối cảnh Quốc hội đang bàn luận thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi đòi hỏi công tác truyền thông cần bám sát, kịp thời tạo sự lan tỏa trong xã hội về Bộ luật Lao động sửa đổi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ, đơn vị của Bộ, bám sát tuyên truyền các lĩnh vực của ngành. Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ cần chủ động phối hợp hỗ trợ các cơ quan báo chí để tuyên truyền hiệu quả.
“Trong bối cảnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những vấn đề việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, an sinh xã hội cần được đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng”- ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh.
Đưa ra những kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao năng lực truyền thông trong các cơ quan báo chí của ngành, TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập tạp chí Lao động và Xã hội đề xuất một số giải pháp: Bộ LĐ-TB&XH cần tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cho các cơ quan báo chí, nhất là về hạ tầng công nghệ thông tin; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, các Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở trực thuộc ngành tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí của Bộ một cách nhanh nhất, chính xác nhất, thực hiện tốt trách nhiệm của người phát ngôn.
Có chính sách đặt hàng hoặc các chương trình truyền thông cho các cơ quan báo chí của Bộ. Các cơ quan báo chí của Bộ cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và có cơ chế thu hút một số phóng viên giỏi, ưu tiên là các nhà báo trẻ, có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn báo chí truyền thông vững, có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ tốt, có ít nhất một ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên cử phóng viên bám sát các Vụ, Cục, đơn vị trong Bộ, các Sở LĐTBXH để kịp thời phản ánh về công tác lao động, người có công và xã hôi, nhất là các vấn đề nóng, được đông đảo bạn đọc và người dân quan tâm. Thứ ba, tăng cường các hoạt động kinh tế báo chí, nâng chất lượng tuyên truyền và cải thiện đời sống cán bộ, phóng viên./.
Mạnh Dũng