Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 15/4/2017 20:48'(GMT+7)

Nâng cao sức cạnh tranh

Ảnh minh họa	Nguồn: vietnamtourism.gov.vn

Ảnh minh họa Nguồn: vietnamtourism.gov.vn

Du lịch cải thiện thứ bậc

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I.2017 đạt hơn 3,2 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường khách du lịch châu Âu, nhất là các thị trường được miễn thị thực nhập cảnh từ tháng 7.2015 và thị trường Nga tăng trưởng mạnh; các thị trường chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, châu Đại dương và châu Mỹ phục hồi và duy trì tăng trưởng. Thị trường khu vực Đông Bắc Á cũng tăng trưởng mạnh, đặc biệt là từ 4 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Đồng thời, theo đánh giá của các chuyên gia tại Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017, du lịch Việt Nam đã có cải thiện nhất định về thứ bậc trên bảng xếp hạng, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017.

Các yếu tố nổi trội tạo nên năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam bao gồm tài nguyên tự nhiên (hạng 34), tài nguyên văn hóa (hạng 30) và sức cạnh tranh về giá (hạng 35). Việt Nam có tiến bộ đáng kể đối với chỉ số nhân lực và thị trường lao động (hạng 37, tăng 18 bậc so với năm 2015). Việt Nam cũng thể hiện sự cải thiện mạnh mẽ đối với năng lực và mức độ sử dụng công nghệ thông tin (hạng 80, tăng 17 bậc so với năm 2015). Đồng thời, sự phát triển liên tục của nền kinh tế khiến du lịch công vụ ngày càng phát triển (tăng 3 bậc). Mức độ an ninh và an toàn của Việt Nam được xếp hạng 57 góp phần làm cho điểm đến du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch, trong thời gian tới Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa các chỉ số đang được đánh giá ở gần cuối bảng xếp hạng như mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115), mức độ chất thải (hạng 128), nạn phá rừng (hạng 103) và hạn chế về xử lý nước (hạng 107). Đồng thời, Việt Nam vẫn còn bị đánh giá thấp về mức độ cạnh tranh du lịch đối với các chỉ số như mức độ yêu cầu thị thực nhập cảnh (hạng 116), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), chi tiêu chính phủ cho ngành Du lịch (hạng 114), mức độ toàn diện của các dữ liệu liên quan đến du lịch (hạng 116) và chiến lược thương hiệu quốc gia (hạng 107).

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Thống kê của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu, chiếm 27% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong quý I.2017, khách du lịch Trung Quốc tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 950.000 lượt, chiếm 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nguyên nhân tăng trưởng đối với thị trường Trung Quốc do điểm đến Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của khách du lịch Trung Quốc, sự liên kết giữa thị trường, các hãng hàng không và điểm đến ngày càng chặt chẽ khiến việc tổ chức khai thác thị trường hiệu quả hơn và một số diễn biến trong quan hệ quốc tế có lợi cho du lịch Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chủ yếu đi theo đường bộ, theo hình thức “Tour 0 đồng”, không đem lại nhiều giá trị kinh tế cho đất nước. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, các tour du lịch giá rẻ trên thực tế đã mang lại nhiều lợi ích đối với các điểm đến, các hãng hàng không, công ty lữ hành; đồng thời làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm, giúp các nhà đầu tư du lịch có nguồn thu ổn định, thu hồi vốn; duy trì và đem lại doanh thu bền vững cho các điểm đến. Trong bối cảnh nhiều cạnh tranh hiện nay, các “tour 0 đồng” cũng đã tạo sức hút đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, những lo ngại biến tướng từ các “tour 0 đồng” cũng đòi hỏi gắt gao đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, cần luôn chặt chẽ và tỉnh táo. Giải pháp cần có đối với việc quản lý các “tour 0 đồng” cũng chính là yêu cầu phải quản lý được chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ quyền lợi của du khách, hình ảnh các điểm đến và các nguồn thu thuế cho Nhà nước.

Bảo Văn (Báo ĐBND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất