Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 27/6/2009 21:23'(GMT+7)

Năng lượng gió ở Việt Nam: Còn điều gì chưa thể?

Những vùng đất giàu... gió

Mặc dù điện gió bắt đầu được thế giới để ý đến từ 25 năm trước nhưng chỉ trong gần 10 năm trở lại đây nó mới khẳng định được vị trí trên thị trường năng lượng thế giới khi sản lượng điện gió tăng trưởng một cách ngoạn mục với tốc độ 28%/năm, cao nhất trong tất cả các nguồn năng lượng hiện có.

Ở Việt Nam, các khu vực có thể phát triển năng lượng gió không trải đều trên toàn bộ lãnh thổ. Với ảnh hưởng của gió mùa thì chế độ gió cũng khác nhau. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, trên lãnh thổ Việt Nam, hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió là Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60 - 100m từ phía tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận). Vùng này không những có vận tốc gió trung bình lớn, mà còn có một thuận lợi là số lượng các cơn bão khu vực ít và gió có xu thế ổn định. Trong những tháng có gió mùa, tỷ lệ gió nam và đông nam lên đến 98% với vận tốc trung bình 6 - 7 m/giây, tức là vận tốc có thể xây dựng các trạm điện gió công suất 3 - 3,5 mW. Ở cả hai khu vực này, dân cư thưa thớt, thời tiết khô nóng, khắc nghiệt, và là những vùng dân tộc đặc biệt khó khăn của Việt Nam.

Ngoài ra, các vùng đảo ngoài khơi như Bạch Long Vĩ, đảo Phú Quý, Trường Sa... là những địa điểm gió có vận tốc trung bình cao, tiềm năng năng lượng gió tốt, có thể xây dựng các trạm phát điện gió công suất lớn để cung cấp năng lượng điện cho dân cư trên đảo.

Cản trở đến từ đâu?

Tuy nhiên, theo GS.TS. Lê Danh Liên, Trung tâm nghiên cứu năng lượng mới, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, mặc dù có nhiều thuận lợi như đã nêu trên, nhưng chúng ta cần phải lưu ý một số điểm đặc thù của năng lượng gió để có thể phát triển nó một cách có hiệu quả nhất. Nhược điểm lớn nhất của năng lượng gió là sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và chế độ gió. Vì vậy khi thiết kế, cần nghiên cứu hết sức chi tiết về chế độ gió, địa hình cũng như loại gió không có các dòng rối (có ảnh hưởng không tốt đến máy phát). Cũng vì những lý do có tính phụ thuộc vào điều kiện môi trường như trên, năng lượng gió tuy ngày càng phổ biến và quan trọng nhưng không thể là nguồn năng lượng chủ lực.

Một điểm cần lưu ý nữa là khả năng các trạm điện gió sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn trong khi vận hành, cũng như có thể phá vỡ cảnh quan tự nhiên và có thể ảnh hưởng đến tín hiệu của các sóng vô tuyến nếu các yếu tố về kỹ thuật không được quan tâm đúng mức. Do vậy, khi xây dựng các khu điện gió cần tính toán khoảng cách hợp lý đến các khu dân cư, khu du lịch để không gây những tác động tiêu cực. 

Đánh giá hiện trạng công nghệ năng lượng gió ở Việt Nam, GS.TS. Lê Danh Liên cho rằng lĩnh vực năng lượng gió ở nước ta chưa phát triển, chỉ mới đang ở giai đoạn nghiên cứu ứng dụng. Chỉ một số vùng có tiềm năng gió tốt để có thể ứng dụng các động cơ gió công suất trung bình và lớn. Bên cạnh đó, còn một số trở ngại chính cho tương lai phát triển điện gió như vẫn chưa có chính sách và các quy định mua điện gió; chi phí đầu tư cao hơn các hệ thống phát điện truyền thống vì thế không hấp dẫn các nhà đầu tư; vẫn còn thiếu các dịch vụ và khả năng tài chính để có thể vay từ ngân hàng cho việc phát triển điện gió; thiếu kiến thức và năng lực kỹ thuật để thực hiện dự án điện gió cũng như các kỹ thuật cơ bản và dịch vụ sau lắp đặt. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa đủ nhận thức về công nghệ, chi phí, vận hành và chưa đủ các số liệu về gió để có sự quy hoạch tổng thể...

Theo số liệu, tiềm năng gió của Việt Nam (trên độ cao 65 mét) rất khả quan, ước đạt 513.360 mW, lớn hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiềm năng lý thuyết, tiềm năng có thể khai thác được và tiềm năng kinh tế kỹ thuật sẽ nhỏ hơn nhiều. Song đây sẽ là một nguồn năng lượng tiềm năng đáng kể, có thể khai thác bổ sung cho nguồn điện quốc gia, thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

(Theo Khoa học phổ thông)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất