Thứ Ba, 17/9/2024
Kiến thức sức khỏe
Thứ Bảy, 4/3/2017 9:37'(GMT+7)

Nâng mức cảnh báo trong phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người

Người dân qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) được kiểm tra bằng máy đo thân nhiệt tự động. Ảnh: BIỆN LUÂN

Người dân qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) được kiểm tra bằng máy đo thân nhiệt tự động. Ảnh: BIỆN LUÂN

■ Bạc Liêu công bố Lệnh khẩn cấp về sạt lở kè biển

Đáng chú ý, một số chủng vi-rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam như: Cúm A (H7N9), cúm A (H5N2), cúm A (H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía bắc... Nguyên nhân, là do dịch cúm A (H7N9) đang lan rộng tại Trung Quốc với số lượng mắc tăng cao, nhất là các tỉnh giáp biên giới Việt Nam. Tình trạng gia cầm nhập lậu ở Việt Nam chưa được kiểm soát tốt. Trong khi đó, bệnh không có biểu hiện rõ ràng trên gia cầm khiến người dân chủ quan trong chăn nuôi, giết mổ và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm...

Để chủ động ngăn ngừa sự xâm nhập vi-rút cúm gia cầm vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị, nâng mức cảnh báo đối với dịch cúm gia cầm lên tình huống hai (coi như đã có người bệnh) để có các biện pháp phù hợp. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm vắc-xin trên gia cầm, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao. Hai ngành y tế và nông nghiệp tiếp tục mở rộng giám sát, xét nghiệm nhanh tại các tỉnh biên giới, nhất là tại ba tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai.

★ Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã yêu cầu Sở NN và PTNT nắm bắt kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn, chủ động áp dụng các biện pháp ngăn ngừa. Chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch.

★ Tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm A (H7N9) như: Phun tiêu độc khử trùng tại các chợ trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; đặt ra các tình huống ứng phó khi phát hiện vi-rút cúm...

★ Sở NN và PTNT tỉnh Lai Châu tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) và một số lối mở biên giới với Trung Quốc, chủ động giám sát điều tra phát hiện sớm dịch bệnh trên các đàn gia cầm.

★ Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức lấy 300 mẫu kép gia cầm tại 60 xã để xét nghiệm, xác định khả năng xuất hiện dịch bệnh của đàn gia cầm. Đồng thời, chuẩn bị hơn 8.900 lít hóa chất phục vụ phun khử trùng tiêu độc tại tất cả khu vực chăn nuôi giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm.

★ Tại Ninh Bình hiện đã xuất hiện một ổ dịch cúm A (H5N1) tại thôn Khê Trung, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô khiến 1.075 con vịt chết. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành hữu quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp ngăn chặn vi-rút cúm gia cầm nói chung và cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào địa bàn.

★ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh đã triển khai các biện pháp giám sát dịch tễ trên đàn gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm tại hàng trăm điểm, trại tập trung chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ...; triển khai tiêm phòng vắc-xin phòng, chống dịch cúm A (H5N1) cho 100% số đàn gia cầm ở năm huyện biên giới.

★ Tỉnh Trà Vinh quyết định hỗ trợ vắc-xin, công tác tiêm phòng gia cầm cho các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ dưới 50 con.

★ Tỉnh An Giang đã xây dựng năm trạm kiểm soát, kiểm dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), Vĩnh Hội Đông (TP Châu Đốc), Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), Cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú) và trạm kiểm dịch nội địa Vàm Cống (TP Long Xuyên), đồng thời chỉ đạo ứng trực liên tục 24 giờ, nhằm kiểm soát chặt chẽ gia cầm xuất, nhập vào tỉnh.

Bạc Liêu công bố Lệnh khẩn cấp về sạt lở kè biển

Chiều 3-3, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu công bố Lệnh khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp an toàn đối với kè Gành Hào (huyện Đông Hải) và kè Nhà Mát (TP Bạc Liêu).

Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, đề xuất các phạm vi khu vực cần sơ tán dân cư, di dời các cơ sở sản xuất, nhà cửa để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản; UBND huyện Đông Hải và UBND thành phố Bạc Liêu chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã thông báo khẩn cấp đến người dân, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất biết khu vực nguy hiểm để chuẩn bị sơ tán, di dời. Đồng thời hai huyện xây dựng phương án sơ tán, di dời cấp bách đối với các đối tượng liên quan, vận động người dân chấp hành tốt.

Đã giải ngân hơn 3.300 tỷ đồng khắc phục ô nhiễm môi trường biển miền trung

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến ngày 18-2, bốn tỉnh miền trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã giải ngân được 3.330 tỷ đồng trong tổng số 4.680 tỷ đồng Chính phủ tạm ứng để khắc phục sự cố môi trường biển. Trong đó, tỉnh Quảng Bình giải ngân cao nhất, đạt tỷ lệ 75 đến 76%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp kiểm tra các tỉnh về công tác thanh quyết toán, đồng thời phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công thương xử lý hải sản không an toàn. Đến nay các tỉnh đã tiêu hủy 839 tấn hải sản trong tổng số 966 tấn không bảo đảm an toàn.

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất