Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Chủ Nhật, 14/11/2010 20:20'(GMT+7)

Nay khát con trai, mai sẽ đói con dâu

Nay là thời ưa chuộng con trai, mai khổ vì thiếu nữ - thừa nam. Ảnh: N.H

Nay là thời ưa chuộng con trai, mai khổ vì thiếu nữ - thừa nam. Ảnh: N.H

Còn phụ nữ VN, trong nước thiếu nhưng cũng sẽ “được” đưa đi nước ngoài để làm vợ. Tệ nạn buôn bán phụ nữ sẽ không ngừng gia tăng, đó là một xã hội bất ổn trong 15-20 năm tới đã được báo trước. Có thể thấy tương lai đó đuợc “dự báo” trước từ thực tế của hiện tại - khi nỗi khát khao con trai đã làm không ít gia đình lục đục triền miên, kinh tế sa sút, người mẹ không đẻ con trai và các em gái bị đối xử như “công dân” hạng hai.

Tan nát gia đình

Theo quy luật sinh đẻ thông thường, khi có 100 bé gái sẽ có tương ứng 103 – 106 bé trai ra đời, đây được gọi là tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS). Nhưng từ 5-7 năm trở lại đây, TSGTKS đã tăng vọt lên bất thường lên tới 112-115/100, có tỉnh lên 130/100, và chưa có dấu hiệu chững lại. Mới đây, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) đã lên tiếng: Vấn đề đã vượt khỏi tầm kiểm soát và điều phối của ngành dân số, cần sự can thiệp của Chính phủ, thậm chí là cả Quốc hội.

Khi kết quả siêu âm là con gái, nhiều phụ nữ “bạc mặt”. Ảnh: N.H

Khi kết quả siêu âm là con gái, nhiều phụ nữ “bạc mặt”. Ảnh: N.H

Đồng bằng Bắc Bộ được khoanh lại là khu vực nóng nhất về sinh nhiều con trai, và trong đó tỉnh Hưng Yên, với TSGTKS lên tới 125/100 là “quán quân” dẫn đầu. Một lãnh đạo Sở Y tế Hưng Yên cho biết: Nhiều người sẵn sàng từ bỏ quyền lợi chính trị, chấp nhận từ bỏ đảng viên để sinh một đứa con trai. Quy mô gia đình ít con 1-2 lần sinh đã được chấp nhận rộng rãi, và khi đó, họ buộc phải lựa chọn giới tính khi mang thai.

Đảng viên, công chức bị ràng buộc bởi nhiều luật, quy định của nơi công tác còn sẵn sàng buông tay để có con trai như vậy, sao tránh được thường dân không bằng mọi giá có thằng cu nối dõi tông đường. Chị Nguyễn Thị L. 24 tuổi, đã có 2 con gái kể: “Hơn 5 năm đi lấy chồng, tôi không làm điều gì xấu hại thanh danh nhà chồng, nhưng bố mẹ đẻ luôn lo nhà chồng hắt hủi tôi. Anh chồng, chị chồng đều có con trai, nhà tôi thì không. Chồng tôi bảo cày cục có một con trai mà cũng không được, phải đẻ con trai cho bằng anh bằng em. Nếu không ra đường, người ta không chỉ bảo là không được ngồi mâm trên, là chỉ biết may quần lụa. Người ta lại cần coi trai để thừa kế tài sản, chứ chia cho con rể thì tiếc lắm. Ngay chị lớn nhà tôi 4 con gái, cũng vì chuyện đẻ con trai mà hai vợ chồng gần như bỏ nhau. Anh rể là con trưởng, giờ đang ép chị từ hôn để anh ấy lấy vợ khác. Tôi chẳng còn cách nào khác phải đẻ con trai cho bạn bè khỏi bảo là chỉ biết đẻ con gái thôi”.

Đối với ông bà nội ngoại, đứa cháu trai là bằng chứng về phúc đức của gia đình cả hai bên. Do đó, không ít trường hợp họ can thiệp sâu vào quyết định sinh đẻ của con. Như gia đình chị Trần Thị Mai (38 tuổi), hiện có 2 gái và 1 trai. Chị kể lại lúc mẹ chồng chị còn sống, chị chưa sinh được con trai, bà nhất định không cho làm nhà. “Vì ở đất nhà bà, nhà toàn con gái xây nhà làm gì. Từ khi tôi có chửa đứa đầu tiên, bà đã bảo nhất định phải đẻ được thằng cu, hai vợ chồng lúc nào cũng căng thẳng, đến khi có được thằng thứ 3 hiện nay, tôi mới được yên thân”.

Mới đây, nghiên cứu “Có ít con và có con trai – thách thức lớn đối với gia đình VN” đã được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện tại 4 tỉnh/TP (Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Cần Thơ). Các nhà khoa học đã chỉ ra đầy đủ các bằng chứng về tình trạng chọn đẻ con trai ở đây. Nhiều cặp vợ chồng căng thẳng triền miên, gia đình rơi vào cảnh lục đục mâu thuẫn. Họ không yên tâm làm ăn kinh tế và bất chấp điều kiện sức khoẻ của phụ nữ, mải mê theo đuổi mục đích sinh con trai. Một mặt họ muốn có ít con để nuôi dạy con tốt, mặt khác lại muốn có con trai cho bằng chị bằng em. Con trai được khao khát mãnh liệt nên khi ra đời được nuôi dưỡng tốt hơn. Cha mẹ dành hết tâm lực sinh con trai nên không quan tâm chăm sóc con gái khiến chúng ít được học hành và phải lao động từ nhỏ. Bà Phạm Thị An, năm nay đã gần 60 tuổi, con dâu bà đã qua 5 lần chửa đẻ mà chưa được thằng cu nào cũng thấy khổ tâm: “Nhiều đôi trục trặc lắm, các anh chị ấy suốt ngày nghĩ về con trai, rồi dẫn đến cãi cọ nhau do không có con trai. Như thế thì bao nhiêu việc nặng nhẹ trút hết cho vợ con, chậm chí chúng nó chẳng được ăn học đâu. Bé tí ti, 15, 17 tuổi đã đi làm ăn xa rồi. Người chồng buồn đi rượu chè, đi giai gái nữa, gia đình tan nát, đánh nhau, xua đuổi nhau”.

Theo TS Khuất Thu Hồng, trưởng nhóm nghiên cứu, ở Hưng Yên đã vậy, nhưng điều đáng lưu ý là, những gia đình ở Quảng Ngãi và Cần Thơ có tâm lý con trai nặng nề đều là những người gốc gác các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Như bà Nguyễn Thị Nụ (67 tuổi ở Quảng Ngãi, quê gốc Hưng Yên) đang chưa có cháu trai thì bức xúc: “Con dâu tôi nếu được đứa con trai trước, đứa sau là con trai hay gái cũng được, chứ đẻ con gái đầu tiên thì sau này lo lắm đấy”.

Ngành y cũng “đồng lõa”

Nhiều gia đình đã xây dựng các chiến lược để sinh bằng được con trai, bằng mọi biện pháp truyền thống và hiện đại, để đảm bảo “thành công” ngay từ lần đầu tiên. Nếu đứa đầu lòng là con gái thì một kế hoạch chi tiết bao gồm chế độ dinh dưỡng, thuốc men, theo dõi thời kỳ rụng trứng, thời điểm và tư thế vợ chồng gần gũi được áp dụng cho lần mang thai thứ 2. Sau đó là siêu âm nhiều lần và quyết định giữ thai hay chấm dứt mang thai tùy theo giới tính thai nhi và mức độ áp lực trong gia đình. Lần thứ 3 cũng được chuẩn bị như vậy nhưng quyết định áp dụng khoa học rõ ràng hơn.

Hưng Yên cũng là tỉnh duy nhất cho đến nay thực hiện được việc xử phạt và đóng cửa 2 cơ sở y tế tư nhân siêu âm giới tính thai nhi. Để có được bằng chứng, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phải phục kích hàng tháng và dùng máy quay đặc dụng ghi lại đầy đủ hình ảnh và lời nói của bác sĩ ở Phòng khám đa khoa tư nhân Thành Công và Phòng khám chuyên khoa nội Trần Văn Thông khi họ siêu âm và thông báo cho thai phụ biết giới tính của con. Sau khi các hình ảnh này được lên hình, Sở Y tế Hưng Yên đã đến làm việc, chủ 2 cơ sở đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật và buộc phải dừng hoạt động.

Theo ông Vũ Văn Nhạ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hưng Yên: Dù Pháp lệnh Dân số từ năm 2003 đã quy định cấm tất cả các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi nhằm ngăn chặn tình trạng thừa nam, thiếu nữ nhưng nhiều cơ sở y tế vẫn lén thông báo giới tính thai cho bà mẹ. Ai cũng biết rõ điều này nhưng gần như bó tay vì không có bằng chứng khi các bác sĩ thường nói riêng với bệnh nhân kiểu “giống cha, giống mẹ” hoặc dùng ký hiệu, ví dụ như giơ ngón tay là con trai, khoèo ngón tay là con gái.

Tâm lý ưa thích con trai bắt nguồn từ chế độ phụ hệ và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Theo những quy tắc này, con trai có vai trò và trách nhiệm tiếp nối dòng dõi gia đình, phụng dưỡng cha mẹ, duy trì tài sản và tiếp tục sự nghiệp gia đình.

(TS Khuất Thu Hồng)


Theo Lao Động online
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất