(TCTG) - Mặc dù đã có tiến bộ về phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em trong thập kỷ qua, Việt Nam hiện nay vẫn có trên 30% trẻ suy dinh dưỡng thể còi cọc và là 1 trong 36 nước có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn của các tổ chức NGO làm việc về trẻ em đối với chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 – 2020 được tổ chức ngày 4/11 tại Hà Nội.
Nhận thức về quyền trẻ em còn hạn chế
Theo khuyến nghị của các tổ chức xã hội làm việc về trẻ em (gọi tắt là các tổ chức xã hội) với dự thảo chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020, hiện nay, nhận thức về quyền trẻ em còn hạn chế trong cán bộ các cấp và nhân dân. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến một số mục tiêu của chương trình hành động vì trẻ em không thực hiện được.
Do đó, nhiều lúc, nhiều nơi công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, công tác truyền thông về trẻ em còn hạn chế, thời lượng phát song còn ít, giờ không phù hợp. Sáng tác nhạc, phim ảnh và xuất bản sách cho trẻ em còn quá ít, làn song phát triển của internet và game online đã tác động tiêu cực đến một bộ phận trẻ em.
Việc xáo trộn về tổ chức của cơ quan chuyên trách, thiếu cán bộ chuyên trách và chính sách đối với cán bộ cơ sở; thiếu sự quan tâm đến môi trường sống của trẻ em như ô nhiễm môi trường (kể cả môi trường xã hội); chất lượng giáo dục chưa cao cũng là những trở ngại cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình hành động quốc gia vì trẻ em.
Dự thảo cần thể hiện là một chương trình tầm cỡ quốc gia
Đối với Dự thảo chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 – 2020, các tổ chức xã hội nhận xét, nhiều chỉ tiêu trong dự thảo còn thấp so với mặt bằng phát triển, chưa thể hiện được khả năng cũng như cam kết mạnh mẽ của Nhà nước ta đối với thực hiện quyền trẻ em như: Chỉ tiêu về dinh dưỡng, về tử vong của bà mẹ. Bên cạnh đó, Chương trình còn thiếu phương pháp, bước đi cho mỗi giai đoạn, thiếu dự báo khó khăn, thuận lợi trong 10 năm tới.
Theo bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Dự thảo chưa thể hiện đầy đủ là một chương trình tầm cỡ quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thể hiện một cách bao quát các chương trình, kế hoạch của các bộ, ngành liên quan đến trẻ em như: Kế hoạch hành động quốc gia vì sự sống còn của trẻ em đến năm 2015, Chương trình nuôi dưỡng trẻ nhỏ từ 0 đến 3 tuổi, Chươgn trình giáo dục năm triệu bà mẹ... Bà cũng đề nghị trong biện pháp hoạt động cần kết nối giữa chương trình mục tiêu chung với các chương trình và kế hoạch cụ thể đã có trong lĩnh vực liên quan và các chương trình khác.
Những vấn đề cấp thiết trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em
Sức khỏe, dinh dưỡng, nước sạch; giáo dục; bảo vệ trẻ em; vui chơi, giải trí, tham gia là những vấn đề cần chú trọng trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em.
Mặc dù đã có tiến bộ về phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em trong thập kỷ qua, Việt Nam hiện nay vẫn có trên 30% trẻ suy dinh dưỡng thể còi cọc và là 1 trong 36 nước có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới. Trẻ bị suy dinh dưỡng thể còi cọc trong 2 năm đầu có ảnh hưởng rất quan trọng đến chiều cao khi trưởng thành và sức khỏe nói chung. Bên cạnh đó, vấn đề trẻ em béo phì và trẻ em tự kỷ đang là mối quan tâm của nhiều gia đình và toàn xã hội. Cần có những can thiệp dài hạn và toàn diện kể từ khi bà mẹ mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nói chung và suy dinh dưỡng thể còi cọc nói riêng, hướng tới chiến lược lâu dài là nâng cao tầm vóc người Việt Nam.
Việc nâng cao tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp cứu nhi, đặc biệt là tuyến huyện và xã; xây dựng chính sách riêng cho trẻ khuyết tật; chăm sóc sức khỏe học đường… cũng là những vấn đề cần chú trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng trẻ em.
Các tổ chức xã hội cũng khuyến nghị cần bổ sung chỉ tiêu 50% trẻ em trong độ tuổi chưa được đi học hoặc bỏ học được tiếp cận các chương trình giáo dục thích hợp; cần xây dựng chỉ tiêu ưu tiên giải quyết thực trạng về giáo dục mầm non; tinh giảm chương trình giáo dục, bảo đảm vừa giảm tải cho học sinh, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục…
Về vấn đề bảo vệ trẻ em, hiện đang có nhiều chương trình hành động quốc gia như Chương trình hành động phòng chống xâm hại trẻ em; Chương trình phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; Chương trình giải quyết trẻ em lang thang… VÌ thế, nên tổng hợp các nguồn lực của của các chương trình này, kể cả các chương trình gián tiếp, xác định mối quan hệ giữa các chương trình để có thể hỗ trợ cho các đối tượng này một cách hiệu quả.
Quyền được vui chơi, giải trí, tham gia của trẻ em cũng rất đáng được lưu tâm. Các tổ chức xã hội nhận xét, trong quá trình hội nhập, những biến đổi xã hội tác động trực tiếp đến trẻ em, đặc biệt là các tệ nạn xã hội. Trẻ em hoặc bị tước quyền vui chơi giải trí, hoặc không có thời gian vui chơi, giải trí. Hiện cán bộ có chuyên môn, kỹ năng giảng dạy và hướng dẫn trẻ em vui chơi giải trí và tham gia bày tỏ ý kiến của mình còn rất thiếu. Trong hệ thống truyền thong, giờ và thời lượng phát song cho trẻ em ngắn và không phù hợp với thời gian của trẻ.
Dương Ngọc