Thứ Ba, 26/11/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 16/11/2010 18:30'(GMT+7)

Nên có Luật Đô thị trước khi ban hành Luật Thủ đô

Sáng 16/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường, cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.

Luật Thủ đô gồm 4 chương, 35 điều, được xây dựng trên quan điểm nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 15/ TW và Nghị quyết số 15/QH. Dự thảo Luật cũng nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phù hợp của một số nước, đặc biệt là các nước có một số điều kiện tương tự như Việt Nam về xây dựng pháp luật về Thủ đô và quản lý đô thị ở Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô đã được các đại biểu cho ý kiến tại tổ, và tại phiên thảo luận tại Hội trường, đa số các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước. Tuy nhiên, với mục tiêu đặt ra như vậy, theo các đại biểu, dự thảo Luật còn quá chung chung, chưa thể hiện được tính đặc thù của Thủ đô ngàn năm tuổi.

Xung quanh vấn đề thu phí lưu thông, quy định mức thu 2 loại phí cao hơn và áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành, các đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh), Ngô Quang Minh (đoàn Quảng Nam) băn khoăn, quy định như vậy trong dự thảo Luật là không khả thi, không công bằng và chưa phù hợp thực tiễn. Đại biểu Nguyễn Thị Khá đặt vấn đến: Nếu địa phương khác cũng xin được áp dụng như thế có được không. Và tại sao chỉ đặt ra ở 6 lĩnh vực mà không mở rộng ra các lĩnh vực khác?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, việc quy định thêm những điều kiện cư trú ở nội thành và mức xử phạt vi phạm hành chính ở khu vực nội thành có thể áp dụng cao hơn mức xử phạt chung của cả nước. Theo đại biểu, việc áp dụng những quy định này liệu có thể giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội và của Hà Nội hay không? Trước khi có Luật cư trú, đã có một thời gian dài, chúng ta áp dụng các biện pháp hành chính nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên trên thực tế, các biện pháp này đã không mang lại hiệu quả. Do vậy, theo đại biểu, giải pháp cho vấn đề này là cần quản lý dân cư theo quy hoạch, chuyển bớt các trường đại học, cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, xây dựng hệ thống các đô thị vệ tinh, hệ thống giao thông công cộng… chứ không nên dùng các biện pháp hành chính để quản lý dân cư.

Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đăng Vang (đoàn Bình Định) cũng nhấn mạnh vai trò của quy hoạch. Theo đại biểu, không có ai quản lý bằng cách cấm dân cư đến Hà Nội cả. “Đất lành chim đậu”, đó là quy luật tự nhiên. Ông Vang đưa ra ví dụ: Ở nước Mỹ, nếu dân cư rời khỏi một bang, chứng tỏ bang đó không phát triển. Do vậy, theo ông Vang, nếu dân số đổ về Hà Nội đông - đó là cơ may cho Hà Nội phát triển. Nếu chúng ta ngăn chặn dòng chảy lao động này thì sẽ không thể phát triển được kinh tế của Hà Nội. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ thêm quy định tại điều 24 của dự thảo Luật.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) đề nghị, Ban soạn thảo nên rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật, nên gom lại từng cụm vấn đề chứ không để dàn trải như hiện nay.

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) thì cho rằng, điều bất cập nhất hiện nay trong việc quản lý những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM hiện nay là chúng ta vẫn chưa có một mô hình quản lý đô thị, nó vẫn được quản lý như các tỉnh khác. Theo đại biểu, trước khi tính đến việc ban hành Luật Thủ đô, điều quan trọng hơn, là nền tảng cho sự phát triển vững chắc chính là Luật Đô thị. Hiện nay, việc quản lý đô thị của chúng ta rất bất cập, bởi không có cơ chế thích ứng, không có những chế độ mang tính “tự trị” nhất định. Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, nếu chúng ta chưa ban hành Luật Đô thị, thì việc ban hành Luật Thủ đô chỉ thể hiện tình cảm, ý chí của chúng ta mong muốn Thủ đô phát triển, nhưng nó sẽ bất cập, không đi vào được đời sống. Đôi khi những yếu tố đặc thù trong đó có thể bị biến thành những đặc quyền, đặc lợi.

Nhiều đại biểu cũng nhất trí với ý kiến của Uỷ ban Pháp luật cho rằng, việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác. Vì thế, không thể quy định giao cho “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Chương II của Luật này mà chưa được pháp luật quy định” (khoản 1 Điều 27); hay quy định về “công dân danh dự Thủ đô” (khoản 1 Điều 7).

Chiều 16/11, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Dân sự./.

(Theo VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất