Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 18/4/2009 6:46'(GMT+7)

Nên đổi mới mô hình tăng trưởng

Đây là vấn đề được các chuyên gia chỉ ra tại hội thảo “Đánh giá tác động sau 2 năm VN gia nhập WTO” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM tổ chức ngày 17-4 với sự tham gia của hơn 300 đại biểu.

Cơ hội kiểu chờ sung rụng?

Không thể phủ nhận, việc gia nhập WTO đã mang đến cho VN những tiềm lực mới. Đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Ngay trong năm đầu tiên gia nhập, vốn đầu tư xã hội đã tăng 25,8% so với năm 2006, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ tăng 7,3%.

Bước sang năm 2008, mặc dù lạm phát tăng cao nhưng vốn đầu tư dân doanh tiếp tục tăng cao hơn đạt 22,2% so với năm 2007. Riêng vốn FDI đã tăng gấp 3 lần so với năm 2007. Thị trường xuất khẩu cũng không ngừng được mở rộng.

Ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhìn nhận, đây là kết quả của việc đổi mới hệ thống pháp luật theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Nhà đầu tư nước ngoài và các DN dân doanh đã tin tưởng hơn vào chính sách đổi mới của VN.

Mít sấy khô, mặt hàng được xuất khẩu đi nhiều nước của Công ty cổ phần Vinamit.

Cùng quan điểm trên, nhưng PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại có một cách nhìn khác, năm 2006 tròn 20 năm chúng ta đổi mới rồi dần chuyển sang cơ chế thị trường và mở cửa. Giai đoạn này thành công là cơ bản, tăng trưởng cao, ổn định, nền kinh tế trưởng thành, được thế giới đánh giá đủ năng lực để hội nhập. Nói cách khác, kết quả trên có được là từ việc VN đổi mới kinh tế trong suốt 20 năm qua chứ không hẳn do gia nhập WTO.

Theo ông Thiên, những hệ quả mà chúng ta đang phải đối mặt không nên đổ lỗi cho khủng hoảng, cũng không phải do hội nhập. Cốt lõi của vấn đề trong 2 năm qua liên quan trực tiếp đến mô hình tăng trưởng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên để xuất khẩu và sử dụng lao động giá rẻ, năng suất thấp, vốn đã không còn phù hợp khi VN vào WTO, song chúng ta vẫn “xài” nó một cách thản nhiên.

Ngay khi gia nhập, chúng ta đã có quá nhiều cơ hội nhưng lại không tận dụng được do hệ thống quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật thay đổi quá chậm. Bằng chứng là chúng ta đã có được 64 tỷ vốn FDI trong năm 2008, nhưng vốn giải ngân mới chỉ đạt 17% so với vốn đăng ký. Vốn vào VN quá nhiều song lượng vốn hấp thụ quá ít khiến cho VN bị bội thực!

Mặt khác, việc mở cửa giao thương với 150 thị trường nhưng lâu nay chúng ta mới chỉ bán cho thế giới cái mình có chứ chưa bán được cái mà họ cần. Vì không chịu thay đổi, không có sự chuẩn bị chu đáo nên chúng ta đã và đang đón cơ hội theo kiểu chờ sung rụng, biến “cơ thành nguy” là vậy.

Phải xác định lại mô hình tăng trưởng

Một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm, đó là năng lực cạnh tranh của VN trong 5 năm qua gần như không thay đổi. Nói như ông Trương Đình Tuyển, chúng ta chưa nhìn thẳng vào sự thật của nền kinh tế để đánh giá và phân tích một cách khách quan. Động cơ tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa vào “tư duy nhiệm kỳ + chủ nghĩa thành tích”! Chưa xem khu vực DN dân doanh làm nòng cốt mà chủ yếu vẫn dựa vào DN nhà nước.

Bà Trương Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho rằng, hiện chúng ta đang áp dụng các chính sách một cách cào bằng vì trên thực tế không phải địa phương nào cũng có được những lợi thế giống nhau để thực hiện. Ngay cả việc xác định năng lực cạnh tranh sản phẩm khi gia nhập WTO cũng đang có vấn đề. Thế nào là sản phẩm cạnh tranh? Những sản phẩm có mức đầu tư thấp nhưng giá trị tăng cao hay là sản phẩm được đầu tư bài bản, phức tạp? Phải chỉ ra được những vấn đề này thì VN mới có thể hội nhập và xác định mô hình tăng trưởng trong tương lai.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, giai đoạn 2011-2020, VN phải tránh rơi vào bẫy “thu nhập trung bình” để vượt lên chính mình, bằng không thì 20 năm nữa VN mới có thể bằng được Malaysia hiện nay. Làm được việc này, cần có sự đột phá chiến lược về thể chế cũng như đột phá về cấu trúc. Phải cải cách mạnh khu vực DN, trong đó tập trung vào các tập đoàn DN nhà nước; phát triển thị trường đất đai và đẩy mạnh việc cải cách hành chính. Về cấu trúc, phải có sự đột phá trong từng vùng, khu vực; phát triển công nghiệp phụ trợ; khu công nghiệp - công nghệ cao và quy hoạch vùng du lịch.

Ông Trương Đình Tuyển cũng khuyến nghị, đã đến lúc VN hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường gắn với việc tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, loại bỏ ưu ái đối với DN nhà nước; tăng tỷ trọng các nhân tố năng suất tổng hợp, thay cho việc tăng vốn và khai thác tài nguyên như hiện nay. Giải quyết những điểm nghẽn tăng trưởng nhằm giảm chi phí giao dịch, tăng sức cạnh tranh. Quan trọng hơn cả là phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, đây chính mấu chốt của việc thúc đẩy hội nhập và cải cách kinh tế.

  • SGGP
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất