Bộ Nhà ở Nepal cho biết, số người chết do trận động đất xảy ra hôm 25/4
vừa qua tại nước này vẫn tiếp tục tăng lên nhưng hy vọng vẫn chưa hết.
Hy vọng tìm thấy người sống sót vẫn chưa
hoàn toàn đã hết, những điều kỳ diệu vẫn đang xảy ra. Tám ngày sau trận
động đất kinh hoàng, lực lượng cứu hộ Nepal hôm qua đã giải cứu thêm 3
người khỏi đống đổ nát ở Sindhupalchowk phía Đông Bắc thủ đô Kathmandu.
Trước đó 1 ngày, một cụ ông 101 tuổi đã
được các nhân viên cứu hộ tìm thấy còn sống dưới đống đổ nát ở huyện
Nuwakot, gần Kathmandu. Đây cũng là một trong 14 huyện lỵ bị động đất
phá hủy nặng nề nhất của Nepal, tổng cộng 27 cư dân của làng thiệt mạng
khi thảm họa xảy ra.
Cụ Funchu Tamang bị vùi dưới đống đổ nát
của căn nhà 7 ngày liền, các nhân viên cứu hộ ở huyện Nuwakot tìm thấy
ông khi đã mệt lả vì đói nhưng rất may chỉ bị thương nhẹ ở tay và bắp
chân. Khi trận động đất xảy ra, cụ Funchu chưa kịp chạy ra ngoài thì nhà
sập, rất may mái hiên của căn nhà đã cứu sống cụ, tạo thành một khoảng
không đủ rộng rãi để ông cụ có thể sống sót trong 1 tuần. Ở tuổi 101, cụ
Funchu đã trải qua 2 trận động đất tàn khốc nhất lịch sử Nepal, một là
vào năm 1934.
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm ứng
phó khẩn cấp quốc gia Nepal (NEOC), con số thiệt mạng trong trận động
đất đã tăng lên 7.056 người. Cảnh sát Nepal hôm qua đã tìm thấy thêm 51
thi thể, trong đó có 6 người nước ngoài, tại khu vực thung lũng Langtang
thuộc quận Rasuwa.
Như vậy tính đến nay, đã có 54 thi thể
du khách nước ngoài được tìm thấy trên khắp Nepal. Trong khi đó, 8 ngày
kể từ khi trận động đất mạnh nhất trong vòng 80 năm qua tại Nepal, ít
nhất 100 du khách nước ngoài khác vẫn được cho là mất tích.
Trong khi đó, nhiều tòa nhà và công
trình kiến trúc bị đổ sập. Chỉ riêng tại thành phố cổ Patan lớn nhất
Nepal, nằm cách thủ đô Kathmandu khoảng 5 k mvề phía Đông Nam, hàng chục
nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc hư hai nặng sau trận động đất, trong
đó có cả những đền thờ có ý nghĩa biểu tượng.
Một người dân địa phương cho biết: “Hơn
60% các toàn nhà đã bị đổ sập, trong đó hầu hết là các đền thờ. Các ngôi
nhà khác cũng bị phá hủy, song không giống như các đền thờ, trong đó có
cả những ngôi đền gần 400 năm tuổi”.
Theo Bộ Tài chính Nepal, số người thiệt
mạng trong trận động đất sẽ còn tăng cao khi các nhân viên cứu hộ tiếp
cận được những ngôi làng hẻo lánh, nơi toàn bộ các ngôi nhà đã bị phá
huỷ trong khi tiếp tục xảy ra dư chấn.
Quân đội Mỹ hôm qua đã cử máy bay chiến
đấu, cùng nhiều trang thiết bị và nhân viên kiểm soát không lưu tới
Nepal để hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu hộ ở những vùng hẻo lánh, khó
tiếp cận.
Tướng Paul Kennedy) cho biết: “Với mong
muốn bảo vệ cuộc sống của người dân Nepal tại những ngôi làng xa xôi hẻo
lánh, quân đội Mỹ đã sẵn sàng triển khai tới Nepal. Chúng tôi có các
nhóm tìm kiếm và cứu hộ sẵn sàng tới những khu vực hẻo lánh, với các
trang thiết bị cứu trợ cần thiết, đặc biệt là lều bạt. Bởi chỗ ở vẫn là
nhu cầu khẩn cấp nhất hiện nay và điều này sẽ giúp cuộc sống của người
dân bớt khó khăn trong trong thời điểm này”.
Theo Bộ Nội vụ Nepal, các chiến dịch tìm
kiếm sẽ vẫn được tiếp tục, song trọng tâm đã chuyển sang việc hỗ trợ
những người còn sống sót, tới nay vẫn chưa nhận được các nhu yếu phẩm
cần thiết. Kể từ sau trận động đất, các máy bay chở lương thực và thuốc
men liên tục đưa tới sân bay Kathmandu, song việc phân phát lại diễn ra
khá chậm chạp.
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ
trách vấn đề nhân đạo và viện trợ khẩn cấp Valerie Amos hôm qua đã bày
tỏ "vô cùng quan ngại" khi các khoản viện trợ nước ngoài đổ vào Nepal
đang bị dồn ứ lại do thủ tục rườm ra, đồng thời đề nghị chính phủ nước
này nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh hoạt động cứu
trợ./.
Theo VOVnews