Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 12/2/2017 21:34'(GMT+7)

Nét đẹp văn hóa trong lễ hội truyền thống ở mọi miền đất nước

Đây là dịp để đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa cũng như tỉnh Đắk Nông giao lưu văn hóa, chia sẻ những đặc trưng văn hóa của dân tộc mình và quảng bá những sản phẩm du lịch đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Tại Hội Xuân, các già làng đã tái hiện các nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số M'Nông, Mạ như L ễ đón bạn, Lễ Iun Jông (Lễ gắn kết tình thân), Lễ cúng thần lửa... với mong muốn những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Các nghi lễ được thực hiện tại lễ hội đã thể hiện triết lý sống tôn trọng thiên nhiên, thần linh và đề cao tinh thần tương thân tương ái, tinh thần vì cộng đồng của người Mạ, M'Nông. Đây cũng là nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số của thị xã Gia Nghĩa cũng như tỉnh Đắk Nông.

Tại Hội Xuân, các vận động viên đua tài ở các môn thi truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số M'Nông như nhảy bao bố, kéo co, đẩy gậy, giã gạo nấu cơm nhanh, dệt thổ cẩm, đan lát, diễn tấu cồng chiêng ... Các chương trình từ phần hội, phần lễ, các tiết mục tranh tài đều diễn ra sôi động, hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc và mang nhiều nét đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thu hút sự tham gia, cổ vũ của đông đảo người dân tham dự. Đến với Hộ i Xuân , các đại biểu và khách tham quan được thưởng thức những món ăn đặc sản của người đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Nông như cơm lam, cá lóc (cá quả) và thị t lợn nướ ng trui (nướng không tẩm gia vị) , canh thụt ...

Theo già làng K'Bi, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa: Đồng bào các dân tộc sinh hoạt, giao lưu văn hóa với nhau, để học hỏi và cùng nhau lưu giữ những truyền thống đẹp nhất của mình từ đó truyền lại cho con cháu để sau này con cháu không quên cuội nguồn, không quên truyền thống dân tộc.

Hội Xuân Liên Nung là hoạt động thường niên được tổ chức mỗi khi xuân về nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Đây cũng là một trong những hoạt động thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị Văn hóa - Lễ hội - Hoa văn - Cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc của tỉnh Đắk Nông.

* "Dù ai đi đâu, ở đâu. Tháng Giêng mười bảy, chọi trâu thì về. Dù ai buôn bán trăm nghề. Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) không những là một trong những lễ hội cổ xưa nhất mà còn mang đậm nét văn hóa dân gian, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, vừa là nghi thức dân gian cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.


Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, lễ hội chọi trâu Hải Lựu Hội có từ thế kỷ thứ II – trước công nguyên. Tương truyền, quân Hán xâm lược nước ta, nhà Triệu tan vỡ, Thừa tướng Lữ Gia bèn lui quân về vùng núi Hải Lựu để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao thưởng ba quân. Lễ hội được truyền qua nhiều đời, dần trở thành một trong những cổ tục truyền thống của người dân địa phương. Sau thời gian bị gián đoạn, năm 2002, lễ hội chọi trâu Hải Lựu đã chính thức được khôi phục lại. Xưa kia, lễ hội chọi trâu xưa không có giải thưởng, cuối hội trâu, trâu thắng, trâu thua đều đem mổ thịt làm lễ tế thần và lấy thịt khao quân, chia cho dân làng. Ngày nay sau mỗi trận đấu, việc mổ trâu sau thi đấu đã trở thành một phần không thể thiếu của lễ hội.


Nét văn hoá độc đáo của chọi trâu Hải Lựu không chỉ là phần tranh tài của các “ông cầu” mà còn thể hiện ở việc lựa chọn mua trâu, nuôi trâu đến luyện trâu cũng là cả một sự kiên trì, kỳ công. Trâu tham gia hội thi phải được những người nhiều kinh nghiệm chọn kỹ và chăm nuôi từ cả năm trước. Mua trâu chọi là cuộc săn lùng vất vả để có được con trâu ưng ý. Trâu phải là những con trâu đực khỏe mạnh, ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhọn, sừng cánh cung, trường đùi... trâu chọi thường là trâu từ 4, 5 tuổi và được nuôi cách ly không tiếp xúc với các con trâu khác.


Hằng năm, khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch, mỗi thôn, làng lại cử người lên mạn Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên... để tuyển trâu, tìm những giống trâu khoẻ đẹp, mông nở để mua về. Sở dĩ dân săn trâu Hải Lựu thích trâu ở những nơi đó vì những vùng này có nhiều đồi núi, trâu thường được sử dụng để kéo gỗ nên rất khỏe.


Chọn trâu đã vất vả thì khâu luyện trâu cũng khá công phu. Những người vinh dự được làng cử đi tìm và nuôi "ông cầu” phải là những người có uy tín trong làng xóm, có kinh nghiệm huấn luyện. Thức ăn của trâu chọi ngoài cỏ voi, rơm, cây ngô, còn phải bổ sung thêm mật mía, lúa xay nát, thuốc bổ và thậm chí một số chủ trâu còn cho trâu uống cả… bia. Trâu phải luyện tập, thích nghi với những biến đổi thời tiết nhằm nâng sức chịu đựng, dẻo dai. Tùy từng trường hợp, có thể vót sừng nhọn hoặc múi khế. Tập cho trâu bạo dạn trước đông người và âm thanh huyên náo, màu sắc rực rỡ trong hội. Đánh thức khả năng tự vệ và tiến công bằng các động tác "nhử" hoặc "ghé" trâu giữa hai bên cổng sắt. Những lối đánh này không thể dạy, nó là bản năng và nảy sinh khi trâu "kháp sới".


Lễ hội chọi trâu Hải Lựu diễn ra từ ngày 15 – 17 tháng Giêng (Âm lịch). Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội chọi trâu Hải Lựu có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Phần lễ diễn ra vào ngày 15 vẫn giữ nguyên những nghi thức truyền thống với các nghi lễ trang trọng, mở đầu là lễ tế Thành Hoàng làng, người dân Hải Lựu thực hiện lễ tế Tổ trang nghiêm, lễ trình trâu và cùng nhau ăn uống, ca hát. Ngày 16-17, các “ông cầu” sẽ tranh ngôi vô địch. Từ chỗ chỉ có khoảng 10 trâu chọi tham gia, sau nhiều năm tổ chức, số lượng trâu trọ đã tăng lên 32 trâu. Các “ông cầu” được chia thành cặp đấu vòng loại, các trâu thắng sẽ tiếp tục tham gia vòng trong để tranh thứ hạng nhất, nhì... Năm nay, lễ hội có 32 "ông cầu” của 19 thôn và các tổ chức, đoàn thể trong xã Hải Lựu tham gia thi đấu, được mua về từ mọi miền đất nước.


Theo ông Hà Văn Thư , Chủ tịch UBND xã Hải Lựu: Bên cạnh việc thành lập các Ban chỉ đạo, ban tổ chức, các tiểu ban phục vụ lễ hội, địa phương đã có những bổ sung cần thiết chỉnh sửa quy chế cho phù hợp với sự phát triển của lễ hội; các phương án bảo vệ sới chọi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm bảo đảm sự an toàn tuyệt đối cho du khách đến xem.


Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, UBND xã Hải Lựu đã huy động bảo vệ đứng chốt tại các khu vực để đảm bảo an ninh trật tự. Để đảm bảo an toàn về sinh giết mổ, trước khi lễ hội diễn ra. UBND xã Hải Lựu đã tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu độc, quy hoạch khu riêng bày bán thịt trâu. Ban tổ chức đã cho 100% chủ trâu chọi ký cam kết không bày bán thịt trâu thường trong khu vực trâu chọi và cam kết giết mổ an toàn.


Theo quan niệm cổ xưa, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển. Đặc biệt hơn nữa là cho dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà. Người ta cũng tin rằng, nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn.


Lễ hội chọi trâu Hải Lựu hằng năm thu hút hàng vạn người tham gia, không bó hẹp ở Vĩnh Phúc mà còn mở rộng ra các tỉnh khác. Ước tính hàng năm mỗi mùa lễ hội, xã Hải Hựu đã đón hàng vạn du khách đến thưởng lãm trận đấu của các ông cầu. Người dân thập phương đến lễ hội không chỉ để xem trâu chọi, mà còn để sống trong không khí sôi động, cuồng nhiệt của một lễ hội lớn, đồng thời mong được thưởng thức và mang về làm quà một chút thịt trâu chọi, để mong may mắn, sức khỏe cả năm.

* Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn- Kiếp Bạc năm 2017, sáng 12/2, tại sân đá Tam quan ngoại chùa Côn Sơn đã diễn ra Liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ VII, với sự tham gia của trên 200 pháo thủ đến từ 8 đội pháo đất của 3 huyện thuộc tỉnh Hải Dương là: Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc. 8 đội gồm: Ninh Hòa, Tân Hương, An Đức, Quang Hưng, Nghĩa An (huyện Ninh Giang), Minh Đức, Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) và Đức Xương (huyện Gia Lộc).


Mỗi đội chọn 20 pháo thủ chính thức và 6 pháo thủ dự bị. Mỗi đội tổ chức thi đấu 4 dây pháo, để tranh các giải cá nhân và tập thể ở hai nội dung pháo đại, pháo tiểu.

Theo thể lệ, mỗi pháo thủ chỉ được gieo pháo 1 lần của 1 dây trong một bàn pháo. Ở mỗi dây pháo, mỗi đội chỉ được gieo 20 pháo, mỗi dây pháo thi đấu trong thời gian 45 phút. Pháo gieo xuống bàn pháo phải dài từ 2 thước trở lên (tương đương với 80cm) tính ở hai đầu mép ngoài của manh pháo.

Kết quả, ở nội dung pháo đại, giải Nhất cá nhân dài dây và bền dây 8 thước thuộc về pháo thủ Nguyễn Đình Phùng (đội pháo xã Nghĩa An, Ninh Giang); Nhất toàn đoàn thuộc về đội Nghĩa An (Ninh Giang) với tổng chiều dài các dây pháo là 562,1 thước.

Ở nội dung pháo tiểu, giải Nhất cá nhân dài dây thuộc về pháo thủ Triệu Văn Hân (đội pháo xã An Đức, Ninh Giang); Nhất toàn đoàn thuộc về đội Đức Xương (Gia Lộc) với tổng chiều dài các dây pháo là 438 thước.

Thi pháo đất là trò chơi dân gian đặc sắc có từ lâu đời ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có nhiều địa phương của tỉnh Hải Dương. Hàng năm cứ mỗi độ Xuân về, các dịp tháng Tư, tháng Năm Âm lịch, nhân dân nhiều xã ở các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc lại tổ chức thi pháo đất. Trò chơi này mô phỏng theo nghi lễ cầu mùa, hình thành trong quá trình người Việt chống chọi với thiên tai, địch họa. Dân gian quan niệm, tiếng pháo càng to càng báo hiệu một mùa mưa nắng thuận hòa, cây cối tươi tốt. Đến nay phong trào chơi pháo đất vẫn còn duy trì thường xuyên ở các xã như Quyết Thắng, Tân Hương, An Đức thuộc huyện Ninh Giang, Minh Đức, Quang Khải thuộc huyện Tứ Kỳ và Đức Xương thuộc huyện Gia Lộc.

Là một trong những hoạt động phần hội của Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc hàng năm, Liên hoan pháo đất tỉnh nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần thượng võ dân tộc, tinh thần đoàn kết, rèn luyện sức khỏe cho cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hải Dương./.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất