Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 7/6/2009 15:17'(GMT+7)

Nét mới ở vùng đồng bào Khmer Trà Vinh

Tác động của khoa học kỹ thuật

Khi hỏi về những tác động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể để giúp nông dân trong huyện, và nhất là đồng bào Khmer phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Ngang Nguyễn Văn Cuôi, nói: Thực hiện quy hoạch chuyển đổi sản xuất trên địa bàn huyện. Hội Nông dân kết hợp các xã xây dựng kế hoạch, xây dựng các mô hình chuyển đổi sản xuất phù hợp quy hoạch từng vùng đất. Hội kết hợp ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Chỉ tính riêng cây đậu phộng, là cây có thế mạnh của huyện, trong hai năm 2007 và 2008, đã tổ chức 67 cuộc tập huấn kỹ thuật có 2.367 người dự. Nếu như trước đây cây đậu phộng chỉ được trồng chủ yếu trên đất giồng cát của xã Mỹ Long Bắc, thì ngày nay, cây đậu phộng đã phát triển rộng khắp ra các xã Mỹ Long Nam, Mỹ Hòa, Long Sơn, Nhị Trường, Trường Thọ, Hiệp Hòa, thị trấn Mỹ Long... tổng diện tích lên đến 3.000 ha. Ðậu phộng không chỉ trồng trên đất giồng cát mà được chuyển xuống chân ruộng, trồng cả trên chân đất thịt. Ðậu phộng đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình, nhiều vùng. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất: chọn giống, bón phân, tưới nước... năng suất đậu phộng ở Cầu Ngang không ngừng tăng lên, có nhiều hộ đạt hơn 60 giạ/công, như hộ Nguyễn Văn Liềm ở ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc trồng 6 công thu được 370 giạ, hộ Bé Em trồng 2,5 công thu được 170 giạ.

Chuyện 13 nông dân ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè hợp đồng thuê kỹ sư về chuyển giao kỹ thuật trồng màu cho thấy sự đổi mới trong nhận thức của nông dân về tác động của khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Xuất phát từ Dự án nâng cao đời sống với tên gọi "Sinh kế bền vững cho người nghèo" do Trường đại học Trà Vinh hỗ trợ kỹ thuật, sau gần bốn tháng triển khai, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của các kỹ sư ở Trường đại học Trà Vinh tám hộ trong dự án đều thu được lợi nhuận cao (từ năm đến tám triệu đồng/1.000m2), tăng gấp ba lần so với cách trồng màu truyền thống của bà con.

Anh Thạch Sết, một trong 13 nông dân tham gia trong tổ trồng màu đang hợp đồng mướn kỹ sư, nói: "Dự án vừa kết thúc, bản thân tôi là một nông dân đã nhiều năm trồng cây màu, nhưng lần này có sự hướng dẫn trực tiếp của kỹ sư tôi cảm thấy mình còn non tay nghề lắm. Công nhận rằng, mô hình nào của nông dân trong tổ có sự chuyển giao kỹ thuật của kỹ sư đều có lãi rất cao. Ðể học thêm kỹ thuật, chúng tôi bàn với nhau hùn tiền để hợp đồng kỹ sư về chuyển giao kỹ thuật. May mà đề nghị của chúng tôi được các kỹ sư vui vẻ nhận lời ngay, dù số tiền chúng tôi bỏ ra không bằng với thù lao do dự án trả trước đó".

Theo hợp đồng được ký, mỗi người trong tổ nếu trồng màu 1.000 m2 đất sẽ trả tiền cho kỹ sư 100.000 đồng/tháng. Vai trò của kỹ sư là chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và tham mưu cho nông dân chọn trồng những cây màu phù hợp với nhu cầu thị trường, xây dựng mô hình sản xuất an toàn, làm nhịp cầu nối giữa nông dân với các địa chỉ tiêu thụ rau màu với sản phẩm an toàn, đáp ứng về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, chỉ tính riêng năm 2008, các đơn vị chuyên môn đã tổ chức được 603 lớp tập huấn khuyến nông - khuyến ngư cho 35.775 lượt người dự, xây dựng 321 mô hình trình diễn, tổ chức 150 cuộc hội thảo và 15 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất. Qua đó, đã góp phần đáng kể đưa các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất. Trong canh tác lúa, đã có hơn 70% diện tích được áp dụng biện pháp "3 giảm 3 tăng", 40% diện tích lúa được trồng bằng giống cấp xác nhận, 90% diện tích được sử dụng giống lúa mới và gieo sạ đúng lịch thời vụ. Trong sản xuất màu, đã có hơn 35% diện tích cây màu thực phẩm sử dụng màng phủ nông nghiệp và sản xuất theo quy trình an toàn. Trong chăn nuôi, có 65% số bò đã được lai nhóm Zêbu, 100% số heo lai nhiều máu.

Chuyện ở Nang Nơn

Chúng tôi về thăm lại ấp Nang Nơn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang. Con đường bê-tông rộng 2 m, dài gần 2 km vừa được khánh thành vào đầu năm 2009, hai bên đường là những cánh đồng rộng mênh mông, đất đai được người dân cày ải đợi mưa về sẽ xuống vụ hè thu. Con đường này đã góp phần giảm bớt khó khăn của người dân Nang Nơn trong đi lại.

Qua cuộc trò chuyện cùng đồng chí Huỳnh Văn Siết, Trưởng ban nhân dân ấp và những người dân Nang Nơn, chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi của bà con vùng sâu Nang Nơn trước sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước trong những năm qua. Người dân Nang Nơn giờ không còn thắp đèn dầu hàng đêm khi năm 2007 ngành điện tỉnh Trà Vinh đã kéo về đây nguồn điện để phục vụ đời sống, sản xuất cho bà con. Mặc dù Nang Nơn mới có 37 hộ chính thức ký hợp đồng sử dụng điện, nhưng đã có 132 hộ có điện sử dụng theo hình thức móc đuôi. Trong năm 2009 này, ngành điện sẽ tiếp tục kéo ba đường điện hạ thế để tất cả người dân Nang Nơn có nguồn điện sinh hoạt. Cũng trong năm 2007,  điểm trường tiểu học Kim Hòa B được xây dựng tại Nang Nơn. Trường được đưa vào dạy học năm học 2008 - 2009, tạo điều kiện cho khoảng 100 em học sinh trong ấp được đến lớp, học hành dễ dàng. Hai năm trước đây, từ nguồn vốn Chương trình 134 của Chính phủ cũng đã đầu tư về Nang Nơn một đài nước cung cấp nước sạch cho 135 hộ dân có nước sạch sử dụng. Trong số này có 37 hộ đặc biệt khó khăn được cấp nước miễn phí.

Ðồng chí Huỳnh Văn Siết vui mừng nói: "Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng ở Nang Nơn giờ không thua gì các vùng nông thôn khác ở tỉnh Trà Vinh. Tất cả bà con trong ấp đã có phương tiện nghe nhìn; 95% số hộ dân có điện thoại và trong ấp có khoảng 100 xe gắn máy; bà con đều sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Bản thân người dân Nang Nơn giờ đang tìm hướng thoát nghèo để vươn lên".

Nang Nơn có 172 hộ dân, là một trong những ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và đặc biệt khó khăn nhất ở tỉnh Trà Vinh. Năm 1995 trở về trước, khoảng 80% số hộ dân Nang Nơn nghèo, có hộ Nhà nước phải cứu đói. Từ năm 2000, khi lãnh đạo xã Kim Hòa thực hiện vận động người dân góp đất nạo vét thủy lợi nội đồng để tháo rửa phèn, trữ ngọt cùng với giống lúa chất lượng Nhà nước hỗ trợ đã giúp cho cây lúa trồng ở Nang Nơn ngày một tăng năng suất, đạt 4 đến 4,5 tấn/ha. Dù vậy tỷ lệ hộ nghèo ở Nang Nơn vẫn ở mức cao (cuối năm 2008 Nang Nơn còn 72 hộ nghèo). Ðặc biệt trong số hộ nghèo có đến 33 hộ không đất sản xuất. Ðể giải quyết tình trạng này, lãnh đạo xã Kim Hòa đã tìm nhiều cách đưa nguồn vốn về với người dân Nang Nơn để bà con có điều kiện vươn lên. Ðịa phương vận động các hộ thiếu vốn, không đất vào bốn tổ vay vốn để được vay vốn làm ăn kịp thời. Hiện nay có khoảng 130 hộ dân được vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền mỗi hộ từ 5 đến 10 triệu đồng. Trong số này có 27 hộ được hỗ trợ vốn mua bò nuôi, có nhiều hộ đã thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Những đổi thay ở Giồng Chanh A

Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban nhân dân ấp Giồng Chanh A, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, Thạch Thương nói: "Những năm qua Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho vùng này hàng tỷ đồng, nhờ đó mà vùng nông thôn xa xôi này mới có điều kiện phát triển vươn lên. Trước đây, khi chưa có con đường bê-tông này người dân Giồng Chanh A gặp rất nhiều khó khăn trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là các em học sinh đi lại học hành vào mùa mưa rất vất vả. Không riêng con đường, năm 2004 - 2005, Giồng Chanh A được đầu tư xây dựng điểm trường tiểu học Long Hiệp C, đầu tư xây dựng một trạm cung cấp nước sạch phục vụ cho 80 hộ dân của ấp. Chương trình 134 cất 67 nhà tình thương cho hộ khó khăn về nhà ở.

Giồng Chanh A là ấp đặc biệt khó khăn, có 203 hộ dân, trong đó hộ người dân tộc Khmer chiếm 98%. Do điều kiện địa lý, Giồng Chanh A được mệnh danh là vùng đất khó. Ðất đai nhiễm phèn, vào mùa nắng thì đồng khô cỏ cháy. Sản xuất của người dân chỉ một vụ lúa vào mùa mưa, năng suất khoảng 2,2 tấn/ha. Tính ở thời điểm năm 2000, Giồng Chanh A có khoảng 85% số hộ nghèo, còn lại là hộ đủ ăn, vài ba hộ khá. Hai năm trở lại đây, Giồng Chanh A thật sự "lột xác", người dân Giồng Chanh A đang phấn khởi vì chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đem lại hiệu quả.

Ðưa chúng tôi thăm qua những rẫy đậu phộng sắp thu hoạch và những đám bắp tươi xanh, Bí thư Thạch Thương vui mừng nói: "Từ vài hộ trồng màu theo mùa vụ, sau hai năm vận động nhân dân chuyển đổi nay đã có 112 hộ trồng 124 ha cây bắp giống và đậu phộng. Giá trị kinh tế của cây đậu phộng và cây bắp ở Giồng Chanh A đem về thu nhập cho nông dân cao gấp nhiều lần trồng lúa. Trồng đậu phộng, nông dân thu bình quân 54 triệu đồng/ha, bắp giống thu 30 triệu đồng/ha/vụ. Nhờ chuyển đổi trồng màu mà trong hai năm 2007 - 2008 ấp có đến 40 hộ thoát nghèo, trong khi đó trước đây, mỗi năm chỉ năm đến sáu hộ thoát nghèo".

Anh Thạch Rinh, năm 2008 trồng bảy công đất đậu phộng hai vụ liên tục, mỗi vụ anh thu sáu tấn đậu, trừ chi phí anh lời khoảng 20 triệu đồng và được xét thoát nghèo cuối năm. Vụ đậu năm 2009 này, anh vừa thu hoạch đạt gần bảy tấn, anh tiếp tục thu lãi gần 25 triệu đồng. Anh Thạch Bình, là hộ nghèo không đất, được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi 10 triệu đồng và người quen cho mượn 15 công đất để trồng bắp giống một vụ mùa khô năm 2008 thu lợi khoảng 40 triệu đồng. Vụ bắp giống đầu năm 2009 vừa rồi anh thu lợi gần 50 triệu đồng. Anh Thạch Bình phấn khởi cho biết: "Cây bắp đã giúp cho gia đình tôi vượt qua nghèo khó". Tạo thuận lợi cho việc phát triển cây màu tại vùng đất Giồng Chanh A, đầu năm 2009, xã Long Hiệp dành số tiền 700 triệu đồng mà Chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ cho xã đặc biệt khó khăn, đầu tư đường điện trung, hạ thế phục vụ bơm nước trồng màu cho bà con.

Với giọng tự tin, đồng chí Thạch Thương nói: "Mặc dù số hộ nghèo ở Giồng Chanh A còn đến 113 hộ, nhưng cơ hội thoát nghèo của bà con đang gần kề. Với việc phát triển cây màu phù hợp, theo tính toán của chúng tôi chắc chắn trong năm 2009 này sẽ có khoảng 25 hộ thoát nghèo. Rồi Quyết định 74 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sẽ là cơ hội để người nghèo Giồng Chanh A có đất ở, sản xuất, vốn làm ăn vươn lên".

Ðặng Văn Bường, Báo Nhandan
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất