Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 9/2/2016 17:35'(GMT+7)

Nét văn hóa đặc sắc của Tết Việt

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Tết Nguyên đán là khoảng thời gian thiêng liêng, ý nghĩa bởi vừa mang tính truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt, vừa là thời điểm để các thế hệ trong mỗi gia đình được đoàn tụ, gặp gỡ sau một năm làm việc, học tập. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, nhiều loại hình văn hóa của phương Tây và một số nước du nhập vào Việt Nam khiến cho Tết xưa và nay đã có nhiều thay đổi. Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Trần Hữu Sơn đã có cuộc trò chuyện về Tết nhân dịp Xuân Bính Thân 2016.

PV: Ông nghĩ thế nào về việc các loại hình văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây khiến cho một bộ phận giới trẻ không còn mặn mà với các lễ hội dân gian, trong đó có cả Tết cổ truyền dân tộc?

Ông Trần Hữu Sơn: Việt Nam chịu sự tác động của toàn cầu hóa rất mạnh và nước nào trên thế giới cũng vậy, đều phải trải qua gia đoạn này. Dù là việc nhỏ của một làng thôi nhưng trong thời đại kỹ thuật số, thông tin cập nhật toàn cầu thì chỉ sau vài phút là cả nước, cả thế giới đều biết đến. Sự toàn cầu hóa cùng với truyền thông hóa đã tác động vào mọi ngõ ngách, tâm hồn người dân, làm thay đổi cả nếp sinh hoạt, thậm chí mai một cả một số loại hình văn hóa, tín ngưỡng thuộc về bản sắc dân tộc.

Nền kinh tế thị trường tác động đến từng nhà nên ai cũng phải lo làm ăn và có lúc kinh tế chi phối hết. Đặc biệt như trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam, trước kia người ta hay nghĩ đến phúc- lộc - thọ và bao giờ chữ phúc cũng được đặt lên hàng đầu bởi chữ phúc quan trọng lắm, nhưng giờ thì một số người đặt chữ lộc lên đầu.

Tết truyền thống của người Việt giờ đây cũng nhạt, ít phong vị hơn trước bởi dường như giới trẻ ngày nay thích những lễ hội của phương Tây hơn như: Halloween, Ngày lễ tình yêu…

PV: Theo ông điều gì khiến các lễ hội truyền thống của Việt Nam ít hấp dẫn giới trẻ?

Ông Trần Hữu Sơn: Tôi nghĩ rằng, trong lễ hội truyền thống của Việt Nam thiếu cái sôi động bởi hầu hết lễ hội Việt Nam ít yếu tố hài. Trong khi đó, lễ hội của nước ngoài du nhập vào Việt Nam khác hoàn toàn, hấp dẫn lớp trẻ bởi yếu tố mới, lạ. Điều này cũng không đáng ngại bởi một số lễ hội phương Tây du nhập vào Việt Nam, làm phong phú kho tàng văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao bảo tồn, phát huy được các lễ hội truyền thống và không để các loại hình văn hóa của phương Tây lấn át văn hóa Việt.

PV: Ông đánh giá thế nào về Tết Việt xưa và nay?

Ông Trần Hữu Sơn: Những năm gần đây, một số người có điều kiện kinh tế khá, sống ở các đô thị lớn của cả nước thường tranh thủ thời gian nghỉ Tết để đưa cả gia đình đi du lịch nước ngoài hoặc tìm đến những khu nghỉ dưỡng ở các vùng ngoại ô để nghỉ ngơi. Điều này cũng mở ra cái mới bởi chủ thể được thưởng thức không khí tĩnh lặng của ngày Tết theo cách riêng của mình nhưng cũng có hạn chế là tính cộng đồng mai một. Tôi thấy điều này đáng lo bởi từ xa xưa, người Việt thường quan niệm “Mùng Một tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba tết thầy”. Việc một số gia đình chọn phương án đi du lịch vào dịp Tết mà không quan tâm đến bố mẹ, người thân khiến cho không gian cộng đồng, tình đằm thắm, gắn kết trong mỗi gia đình phai nhạt. Khi nhạt tình thân gia đình, cộng đồng mà đề cao vai trò cá nhân nhiều quá sẽ làm cho Tết cổ truyền bị mai một. Tết của người Việt đề cao tính cộng đồng, làng xóm, ngày Tết là dịp để thăm hỏi người thân, bạn bè, đây là điều khác biệt giữa Tết phương Đông và phương Tây và cũng là nét văn hóa đặc sắc của Tết Việt.

PV: Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, theo ông, cần có giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Ông Trần Hữu Sơn: Theo tôi để khắc phục tình trạng này cần phải giáo dục ý thức cho mỗi người và đề cao vai trò của cộng đồng gia đình. Hơn nữa, việc này phải tiến hành đồng bộ, giáo dục về truyền thống dân tộc trong các trường học và vai trò của mỗi gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của các em ngay từ bậc tiểu học. Phải giáo dục ý thức cho lớp trẻ biết tôn trọng gia đình, người lớn. Tôi nghĩ, bố mẹ phải là tấm gương và giữ từ nếp nhà, đặc biệt là duy trì bữa cơm gia đình bởi bữa ăn là dịp để mỗi thành viên gắn kết nhau hơn sau một ngày học tập, làm việc. Nếu không duy trì được điều này thì những giá trị truyền thống của văn hóa Việt sẽ không còn và tương lai không xa thì những ngày Tết không đọng lại ấn tượng với mỗi người./.

Khánh Huyền (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất