Đều đặn hằng tuần, hằng tháng, danh mục những cuốn sách bán chạy (best seller) được nhiều đơn vị kinh doanh sách công bố căn cứ vào lượng sách bán ra tại thời điểm đó. Nhìn vào danh mục này, có thể “đo đếm” được nhu cầu độc giả, đồng thời phản ánh văn hóa đọc của số đông công chúng. Tuy nhiên, sách best seller hiện đang bộc lộ nhiều điều bất cập.
"Loạn" sách best seller?
Có lẽ chưa bao giờ lĩnh vực xuất bản cởi mở như hiện nay. Sự nở rộ các đơn vị xuất bản và cơ chế linh hoạt trong việc in ấn, phát hành sách đang tạo ra nhiều cơ hội cho người viết xuất bản tác phẩm của mình. Họ có thể bán tác phẩm cho nhà xuất bản (NXB), nhưng cũng có thể xin giấy phép rồi tự tổ chức in và phát hành. Tuy nhiên, sự cởi mở này cũng đang khiến cho thị trường sách “vàng - thau” lẫn lộn. Dạo qua các nhà sách, có thể nhận thấy tình trạng “loạn" sách best seller đang diễn ra khá phổ biến; bởi nhìn đâu cũng thấy sách “best seller” với những tiêu chí không đồng nhất, thậm chí thiếu minh bạch trong việc dán nhãn “best seller”. Giữa thời buổi “người người làm sách”, không ít đơn vị xuất bản luôn tìm cách dán thêm nhãn mác sách bán chạy cho các sản phẩm của mình, hy vọng thu hút sự chú ý tìm mua của độc giả. Đương nhiên, giữa cả một rừng sách, cuốn nào có mác “best seller” độ tin cậy sẽ cao hơn với người tiêu dùng. Nhưng khi sự “lạm phát nhãn mác” xảy ra trong khi chất lượng không tương xứng khiến cho thị trường sách càng thêm hỗn loạn, độc giả hoang mang.
Khảo sát danh mục sách văn học bán chạy hiện nay của các đơn vị kinh doanh sách, có thể nhận thấy mảng sách thị trường đang chiếm lĩnh một thị phần đáng kể. Đặc điểm của những tác phẩm này là đáp ứng thị hiếu của số đông; nặng tính giải trí; cách viết dễ dãi, thậm chí khá phóng túng. Chủ đề được đề cập nhiều nhất là về tình yêu với những câu chuyện xa rời thực tế, hoặc những chuyện tình tay ba tay tư hoang mang đổ vỡ; một số tác phẩm không ngần ngại phơi bày thế giới trần trụi của đồng tính nam, đồng tính nữ để thu hút sự tò mò của độc giả. Sự “thống trị” của loại sách này được coi là hệ quả tất yếu của việc du nhập ồ ạt truyện ngôn tình những năm gần đây; tác giả phần lớn là người trẻ. Điều đáng lo là khi những tác phẩm này trở thành sách bán chạy, được quảng bá ồn ào sẽ tác động đến độc giả, trong đó lớp trẻ chiếm số đông. Họ sẽ coi đó là “mẫu mực” của văn chương trong khi những tác phẩm văn học đỉnh cao, có giá trị bị xếp kho, hoặc bày bán “đồng giá” 5.000 - 10.000 đồng/cuốn vẫn không ai tìm mua thì đó quả là điều đáng buồn cho văn hóa đọc; chưa kể những người trẻ có xu hướng học theo sách để điều chỉnh cách hành xử của mình trong cuộc sống. Giải trí là một nhu cầu không thể thiếu của con người. Nhưng con người cần làm giàu thêm tri thức bằng những cuốn sách bổ ích, hướng đến những giá trị nhân văn, giúp họ sống tốt đẹp hơn. Khi cán cân giải trí - trí tuệ trở nên lệch lạc thì đó là biểu hiện xuống cấp của văn hóa đọc. PGS, TS Võ Văn Nhơn và Ths Nguyễn Thị Phương Thúy (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) nhận định: "Phần lớn các nhà phê bình và độc giả nhiều trải nghiệm đều cho rằng văn học thị trường lên ngôi là sự đe dọa đối với văn học tinh hoa cũng như nhận thức của người đọc". Có độc giả chia sẻ: “Tôi không muốn văn học Việt Nam trở nên suy thoái bởi dòng văn học thị trường; để lại một thế hệ trẻ yếu đuối, hoang mang, non nớt. Tôi không muốn bao nhiêu tinh hoa, ước vọng của người xưa bị quên lãng, để rồi sau cùng chúng ta bỗng chốc chẳng còn gì nữa”.
Cần tôn vinh những giá trị đích thực
Trên thực tế, giá trị của cuốn sách không phụ thuộc vào độ “hot” của nó. Trong bài phát biểu nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã dành lời tri ân với đơn vị xuất bản tiểu thuyết Mình và họ vì “đã in cuốn sách này, mặc dù biết chủ nhân của nó không hề nằm trong danh sách các tác giả bán chạy; trái lại, có thể nằm trong số những tác giả ế ẩm. Những sự ưu ái quả quyết như thế là vô cùng quan trọng đối với nhà văn trong thời kinh tế thị trường”. Câu chuyện của Nguyễn Bình Phương là chuyện “có hậu” về thân phận một cuốn sách kén độc giả trong thời kinh tế thị trường, bởi trên thực tế không phải NXB nào cũng sẵn lòng đón nhận những cuốn sách như vậy. Việc các nhà văn tự bỏ tiền túi ra in tác phẩm của mình không phải là chuyện hiếm gặp trong thời buổi hiện nay. Không ít tác phẩm chỉ khi được giải, công chúng mới biết đến sự tồn tại của nó; nhưng cũng không vì thế mà cuốn sách trở nên bán chạy. Bởi nhu cầu của số đông người đọc vẫn đang hướng về những tác phẩm best seller. Tâm lý đám đông thể hiện khá rõ trong việc nhiều người tò mò tìm mua những cuốn sách bán chạy, dù có thể họ cũng không đọc hết được tác phẩm đó.
Sự khước từ của đơn vị xuất bản với những tác phẩm kén độc giả có thể chia sẻ được ở góc độ kinh doanh, bởi lẽ họ vừa làm văn hóa, đồng thời còn kinh doanh, vì vậy sự tính toán để sao cho hoạt động kinh doanh hiệu quả là điều đương nhiên. Nhưng sẽ “hợp tình hợp lý” nếu họ cân đối giữa mảng sách thu lợi nhuận với mảng sách có giá trị về tri thức, vì chính mảng sách này mới tạo nên uy tín, thương hiệu cho đơn vị mình. Tuy nhiên, hiện vẫn có những đơn vị xuất bản quá đề cao mục tiêu lợi nhuận, chỉ tập trung làm những đầu sách đáp ứng thị hiếu dễ dãi của một bộ phận độc giả, thậm chí còn cho ra mắt những cuốn sách mang nội dung phản giáo dục. Chính việc tiếp tay cho những ấn phẩm kém chất lượng này ra thị trường khiến văn hóa đọc ngày càng xuống cấp.
Liệu có cần hay không một cơ chế kiểm soát sách best seller? Một trong những công cụ góp phần tạo nên một hiện tượng sách bán chạy hiện nay chính là các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, sự dễ dãi của một số tờ báo, tạp chí dẫn đến việc ra mắt một cuốn sách bị đẩy lên quá mức; cùng với những bài phê bình, điểm sách dư thừa lời ngợi khen làm độc giả nhầm tưởng về giá trị thực tế của tác phẩm. Thiết nghĩ, hiện tượng này cần được chấn chỉnh. Được biết ở Mỹ, có những tờ báo, tạp chí chuyên về phê bình có đặc quyền đọc tác phẩm trước khi chính thức xuất bản. Trên cơ sở trực tiếp thẩm định, biên tập viên sẽ quyết định có viết bài phê bình về những cuốn sách này hay không? Uy tín của các bài phê bình là một trong những yếu tố giúp cho cuốn sách được độc giả tìm đọc và có cơ hội trở thành sách bán chạy. Đây là một cách làm rất đáng học tập, tránh tình trạng một số đơn vị xuất bản sản xuất sẵn những bài quảng cáo rầm rộ để “phủ sóng” truyền thông, làm nhiễu loạn thị trường sách, mất phương hướng của độc giả. Về phía độc giả - những người bỏ tiền mua sách, cần sáng suốt lựa chọn sách hay, sách tốt, không nên chạy theo những cuốn sách là sản phẩm của “công nghệ quảng cáo” để rồi không chỉ bị mất tiền mà còn uổng phí thời gian. Khi đó, việc tôn vinh một cuốn sách best seller còn là sự tôn vinh một cuốn sách có giá trị đích thực.
Phong Điệp/Nhân Dân