Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 27/12/2015 21:26'(GMT+7)

Bảo tồn tín ngưỡng - Từ gia tiên đến Quốc tổ

Đoàn rước trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng, Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn rước trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng, Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN)

Ba năm trước, vào ngày 6/12/2012, tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (Việt Nam) chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ở một đất nước mà người dân luôn lấy văn hóa nguồn cội làm trọng, việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành phong tục tín ngưỡng từ bao đời nay của người dân mọi miền đất nước và kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới.

Cuộc Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra ngày 26/12 đã đề cập tương đối sâu sắc, toàn diện giá trị văn hóa tín ngưỡng vô giá này. Việc bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong thời đại hội nhập hiện nay có tác dụng to lớn thúc đẩy phát triển du lịch, chấn hưng văn hóa dân tộc, đưa bản sắc văn hóa Việt Nam lan tỏa sâu rộng trong môi trường văn hóa tín ngưỡng toàn cầu.

Cùng với tín ngưỡng thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương, trong mỗi gia đình người dân Việt Nam còn có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà. Khắp nơi trên đất nước ta và nhiều vùng sinh sống của cộng đồng người Việt trên thế giới, ở đâu cũng có đền thờ Vua Hùng. Trong mỗi gia đình người dân Việt Nam, dù theo hay không theo một tôn giáo nào, đều có bàn thờ gia tiên và nghi lễ thờ cúng tiên tổ, ông bà. Sợi dây văn hóa tín ngưỡng kết nối Quốc tổ với gia tiên, gia phong tạo nên tính gắn kết bền vững trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Tín ngưỡng là môi trường con người ta thể hiện sự bình đẳng cao nhất. Dù ở đâu, làm gì, địa vị xã hội thế nào, ai cũng chung một nghi lễ, nghi thức thờ cúng. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng còn là biện pháp thiết thực về đạo đức xã hội để góp phần thúc đẩy xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tuy nhiên hiện nay, môi trường tín ngưỡng ở nhiều nơi đã và đang bị lạm dụng, biến tướng. Sự hiểu biết hời hợt, cuồng tín, mê tín dị đoan, tư tưởng trục lợi… đang là những biểu hiện bất cập, làm biến tướng, méo mó hình thức tín ngưỡng văn hóa của dân tộc. Việc xây dựng đền thờ và tượng Vua Hùng trong khu du lịch, khuôn viên giải trí ở một số nơi diễn ra tùy tiện, thiếu sự thẩm định về chuyên môn dẫn đến tình trạng lai tạp, hổ lốn về văn hóa. Ý thức của người dân và du khách trong tham gia các hình thức tín ngưỡng cộng đồng chưa tốt; tình trạng nhét, vứt tiền lẻ trong khuôn viên thờ cúng tôn nghiêm diễn ra tràn lan; nạn đốt vàng mã rình rang, tốn kém, lợi dụng văn hóa tâm linh để hành nghề mê tín dị đoan… đã và đang làm cho nét đẹp tín ngưỡng truyền thống bị méo mó, phản cảm.

Chúng ta đã nói nhiều về những giải pháp chấn chỉnh văn hóa lễ hội, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; cơ quan quản lý cũng áp dụng nhiều hình thức ngăn chặn, chấn chỉnh, nhưng những biểu hiện không đẹp mắt, thậm chí là phản văn hóa vẫn không được khắc phục.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, trong chấn chỉnh các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, chúng ta đang nặng về phần ngọn, tìm cách giải quyết hiện tượng, hành vi… mà chưa chú trọng bồi dưỡng, vun đắp cái gốc của tín ngưỡng cho người dân. Văn hóa tín ngưỡng có mối liên hệ máu thịt từ gia tiên đến Quốc tổ, nên các hành vi tín ngưỡng của con người cũng có sự ràng buộc giữa gia phong với cộng đồng, giữa gia đình và xã hội. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà, thờ cúng theo tôn giáo… của cộng đồng gia đình Việt hình thành và phát triển một cách tự thân, tự nguyện nên thờ cúng như thế nào là chuyện của mỗi gia đình, dòng họ. Công tác quản lý Nhà nước không can thiệp vào không gian tín ngưỡng riêng tư ấy, nhưng không thể vì thế mà coi nhẹ công tác giáo dục, định hướng sinh hoạt tín ngưỡng theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức truyền thống. Khi mỗi người dân đều coi việc tôn kính tổ tiên, ông bà là hành vi hiếu đạo từ tâm thức, trái tim…, thì không ai có thể có hành vi trục lợi, phản cảm ngay trong không gian thờ cúng của gia đình. Từ gia tiên đến Quốc tổ, sợi dây tâm linh, tín ngưỡng ấy sẽ kéo con người đến với những hành vi tôn kính, chuẩn mực khi tham gia vào môi trường tín ngưỡng của cộng đồng. Khi ta không thể nhét tiền lẻ, quăng tiền lẻ bừa bãi lên không gian thờ cúng của gia đình thì cũng đừng ai làm điều tương tự ở nơi thờ cúng Quốc tổ, Quốc mẫu và những nơi chốn tôn nghiêm khác./.

Phan Tùng Sơn (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất