Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 14/1/2014 10:24'(GMT+7)

Tủ sách dòng họ - Mô hình cần nhân rộng

Đại diện Báo QĐND, Thư viện Hà Nội, Phòng Văn hóa huyện Mê Linh trao Quyết định thành lập Câu lạc bộ đọc và xây dựng Báo QĐND trong tủ sách dòng họ Phùng Quang. (Ảnh: QĐND)

Đại diện Báo QĐND, Thư viện Hà Nội, Phòng Văn hóa huyện Mê Linh trao Quyết định thành lập Câu lạc bộ đọc và xây dựng Báo QĐND trong tủ sách dòng họ Phùng Quang. (Ảnh: QĐND)

Tủ sách dòng họ hiện nay ở các địa phương chưa nhiều. Ở Hà Nội, qua giới thiệu của Phòng Nghiệp vụ Thư viện Hà Nội, chúng tôi được biết hai tủ sách dòng họ khá tiêu biểu. Đó là tủ sách dòng họ Nguyễn Bá thuộc thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) và tủ sách dòng họ Phùng Quang ở xã Thạch Đà (huyện Mê Linh). Tủ sách dòng họ Nguyễn Bá được hình thành năm 2007, hiện nay có hơn 1.200 bản sách với 4 giá sách, 1 giá báo có 4 đầu báo. Tủ sách dòng họ Phùng Quang được hình thành năm 2010, nhưng đến nay đã có khoảng 2000 bản sách. Ban đầu, vốn sách, báo và tủ xếp sách của các tủ sách dòng họ chủ yếu do con cháu trong họ quyên góp, biếu tặng bằng sách, báo hoặc tiền để mua sách. Sau này, khi hoạt động của các tủ sách dòng họ được các tổ chức, cá nhân biết đến bởi hiệu quả và ý nghĩa xã hội mà nó mang lại thì vốn sách, báo của các tủ sách dòng họ này lại được tăng thêm từ nguồn biếu tặng của các cơ quan, tổ chức xã hội như Thư viện Hà Nội, Trung tâm Văn hóa huyện Ba Vì...

Hai tủ sách của hai dòng họ trên đều có nét chung là đều được đặt tại 3 gian nhà ngang thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ và ngăn nắp trong khuôn viên Nhà thờ họ và đều giao cho một người có uy tín trong họ quản lý cũng như phục vụ việc đọc của mọi người. Ban đầu khi mới hình thành, đối tượng phục vụ của tủ sách dòng họ chỉ để phục vụ con cháu trong dòng họ. Tuy nhiên, sau một thời gian, đã mở rộng đối tượng phục vụ cho cán bộ, nhân dân trong thôn, xã có nhu cầu đọc sách. Thời gian gần đây, do nhu cầu đọc của con cháu trong họ và người dân trong thôn, xã ngày càng tăng, nên tủ sách dòng họ Nguyễn Bá đã đăng ký mượn sách luân chuyển của Thư viện Hà Nội khoảng 200 cuốn/đợt (mỗi năm hai đợt) nhằm tăng cường vốn tài liệu để phục vụ người đọc.

Là mô hình tủ sách tư nhân được hình thành tự phát, nhưng toàn bộ vốn sách của hai dòng họ đều được cán bộ Thư viện huyện Ba Vì và Mê Linh giúp đỡ về kỹ thuật chuyên môn trước khi đưa ra phục vụ người đọc. Với hình thức phục vụ đọc tại chỗ là chính, trường hợp cần thiết cho phục vụ tra cứu vẫn có thể mượn về nhà, nhưng phải đăng ký với người quản lý. Thời gian phục vụ con cháu trong họ và bà con địa phương phụ thuộc vào điều kiện và quy định của mỗi dòng họ. Tủ sách dòng họ Nguyễn Bá mở cửa vào hai ngày cuối tuần, tủ sách dòng họ Phùng Quang mở cửa các ngày trong tuần, các cháu học sinh nếu học buổi sáng thì chiều đến đọc và ngược lại.

Chúng tôi gặp ông Phùng Quang Trường, 64 tuổi, là người trông coi tủ sách dòng họ Phùng Quang, ông sống và sinh hoạt ở một gian bên cạnh phòng đọc để tiện việc trông coi, quản lý và phục vụ. Ông kể: “Những ngày mưa rét vẫn có nhiều cháu đến đọc sách... Thấy các cháu mê đọc như vậy, tôi rất vui”. Theo chỉ dẫn của anh Phùng Quang Thọ- Trưởng ban Văn hóa xã Thạch Đà, chúng tôi thấy các sách báo ở đây được phân theo nhóm tài liệu và sắp xếp khoa học, ngăn nắp, phục vụ hiệu quả. Bên cạnh duy trì tủ sách, dòng họ Phùng Quang cũng luôn duy trì tốt Quỹ khuyến học để làm phần thưởng cho con cháu trong họ có thành tích học tập tốt như thi đỗ đại học, thạc sĩ hoặc đạt giải cao trong các kỳ thi cấp thành phố: 300.000 đồng/người; đạt giải cao trong các kỳ thi cấp huyện: 200.000 đồng/người. Năm 2012, dòng học Phùng Quang ở xã Thạch Đà có 12 cháu đỗ đại học, 5 cháu đỗ thạc sĩ, phần lớn các cháu đỗ đạt là những cháu cũng thường đến đọc sách ở đây.

Tủ sách dòng họ đặt trong nhà thờ họ là một nét văn hóa mới và thực sự có ý nghĩa khi văn hóa đọc đang bị xuống cấp và hệ thống nhà văn hóa thôn, xóm chưa có hoặc chưa đủ sách báo để mọi người đọc. Con cháu đến nhà thờ dòng họ thắp hương tưởng nhớ tiên tổ lại được tiếp xúc với sách, báo-kho tàng tri thức nhân loại. Những người trong dòng họ đi xa về, ngoài việc công đức thì việc ủng hộ thêm sách báo cho con, cháu trong dòng họ và bà con địa phương là điều hữu ích. Do vậy, việc tổ chức thành lập các tủ sách dòng họ cần được khuyến khích và nhân rộng trong xã hội, đồng thời, cơ quan văn hóa cơ sở ở các địa phương cũng nên sâu sát thêm để định hướng nội dung đọc, đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, phân loại, tra cứu và bảo quản sách giúp các dòng họ. /.

Lê Quý Hoàng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất