Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 7/1/2014 15:56'(GMT+7)

Nghệ sĩ luôn đồng hành, gắn bó với Tổ quốc, với nhân dân

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Hơn ai hết, văn nghệ sĩ có hạnh phúc lớn được bay trên đôi cánh thời đại để sáng tạo nên các tác phẩm không chỉ thể hiện các vấn đề của dân tộc mình mà còn đạt tới các giá trị có ý nghĩa nhân loại; nói cách khác là mang cái mới, cái tiên tiến đến với dân tộc và nhân loại.

Trên thực tế, cái mới thoạt đầu bao giờ cũng hấp dẫn mọi người, và đôi khi là cuốn hút họ vào cơn lốc "mốt"; nhất là khi cái mới ra đời từ sự xâm lấn ồ ạt của các lý thuyết, các giá trị được coi là hiện đại đến từ bên ngoài. Như một số họa sĩ đi đầu trong việc vẽ tranh để bán, sẽ rất dễ làm cho sản phẩm nghệ thuật bị biến thành một loại hàng hóa hơn là giúp mọi người hướng tới chân - thiện - mỹ. Rồi một số ca sĩ rời bỏ thính phòng, rời bỏ những giá trị cổ điển để đi hát "sô" với "sao" nào tiền ấy. Bên cạnh đó là vài nhà văn sám hối, phủ nhận tác phẩm và phủ nhận chính con người của mình trước đây. Những cái "mới" ấy làm cho không ít người hoang mang, còn một bộ phận khác thì cố gắng chạy theo, tuy có cầu thị song đa số chỉ là cơ hội, sợ người khác coi mình bảo thủ.

Trong những năm tháng chiến tranh giành độc lập dân tộc, văn học, nghệ thuật giúp công chúng tiếp nhận và đề cao giá trị cao quý của người Việt Nam, thì hiện nay, có tác giả qua tác phẩm lại muốn gây hoài nghi dân tộc, hoài nghi lịch sử, đi tìm và "hể hả" với cái thấp hèn của một bộ phận người Việt Nam, vì tự thấy mình là "người hiện đại", thậm chí là "ông Tây văn minh"!

Trong mấy năm qua, nhiều hướng tìm tòi về văn học, nghệ thuật đã được thể nghiệm. Nhưng không phải không có những người mơ hồ, không đứng vững trên những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trong quá trình hoạt động và sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật; xa rời thiên chức và bổn phận cao quý của nghệ sĩ. Dường như khi nhà quản lý yêu cầu các đoàn nghệ thuật phải hạch toán, phải xã hội hóa, thì đã đưa tới một nguyên nhân để nghệ sĩ chuyển nghề, nghệ thuật èo uột, văn nghệ giải trí thịnh hành? Công chúng, nhất là công chúng trẻ, ít được tiếp xúc với tác phẩm có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao, mà lại dung tục với video sex, hung hăng với phim hành động Mỹ, sướt mướt với phim Hàn Quốc. Một số nhà lý luận nghệ thuật cũng vậy, thay vì bổ sung, phát triển lý luận, họ lại quay sang phủ nhận các lý luận trước đó, thậm chí phê phán không thương tiếc. Một số cây bút trẻ cũng a dua theo, cho rằng trước đây chưa từng có nghệ thuật đích thực mà chỉ là "văn nghệ tuyên truyền" (!). Một số người lại chối bỏ việc nghệ sĩ cần đi thực tế và cần sống trong thực tế, chối bỏ ý nghĩa, vai trò chính trị - xã hội của văn học và nghệ thuật, để đưa ra ý kiến coi nghệ thuật phục vụ, phản ánh hiện thực là thấp kém; nghệ thuật phải thể hiện "cái tôi", phải viết như các tác giả phương Tây mới là hiện đại, sâu sắc, nhân văn!

Nếu nghệ thuật chỉ phản ánh hiện thực theo kiểu sao chép thì đó không phải là nghệ thuật. Nhưng không có hoạt động nhận thức - phản ánh nào lại không bắt đầu từ hiện thực khách quan, hoặc không thể hiện sự phản ánh thế giới khách quan. Mục tiêu của hoạt động con người dưới sự dẫn dắt của ý thức là nhằm hoàn thiện bản thân và cải biến thế giới. Nghệ thuật có thể thể hiện "cái tôi" rất riêng biệt (đôi khi như huyền bí) của nghệ sĩ, nhưng nghệ thuật đáp ứng nhiệm vụ của thời đại, nghệ thuật phục vụ nhân dân thì không hề thấp kém. Do chỗ đáp ứng nhiệm vụ ấy mà nghệ thuật trở nên cao quý và bất tử. Những áng thiên cổ hùng văn như Hịch tướng sĩ văn, Bình Ngô đại cáo là thí dụ. Theo tác giả Abrams (Hoa Kỳ) dù có thể xét một tác phẩm nghệ thuật trên nhiều bình diện, từ các lý thuyết tiếp nhận, biểu hiện, ký hiệu học... thì cũng không phủ nhận sự phản ánh như một cội nguồn, hướng về tác động tích cực đến công chúng như một mục tiêu.

Đó là phía người sáng tác còn về phương diện quản lý, trong khi khẳng định và tạo điều kiện cho tự do sáng tác, cũng cần bình tâm trước một số điều mà thoạt đọc, thoạt xem, thoạt nghe thì có vẻ gai góc, lạ lẫm. Bằng sự nhạy cảm, bằng cái nhìn đời trong các mối liên hệ từ quá khứ đến hiện tại và thấu đến tương lai, nghệ sĩ có tài năng nhìn thấy, phát hiện ra những điều mà đôi khi nhà chính trị và người khác chưa nhìn thấy. Vả lại, chân lý vốn tương đối, như Lê-nin đã từng nói đại ý: Chân lý không có ở sự khởi đầu mà ở cuối, nói đúng hơn là ở sự tiếp tục. Lịch sử, nhất là lịch sử của những cuộc cách mạng, luôn luôn có nội dung phong phú hơn, nhiều dạng, nhiều mặt hơn, sinh động hơn. Vì thế, không nên vội vã phủ nhận khi chưa nắm bắt đầy đủ và có chứng lý về những sản phẩm nghệ thuật gai góc, lạ lẫm. Tất nhiên, không được từ điều này mà tạo ra "kẽ hở" để dung nạp các tác phẩm không đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh, hoặc đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội và con người.

Chúng ta đang tiến hành tổng kết Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn học, nghệ thuật là một bộ phận tinh hoa của văn hóa, có khả năng biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất to lớn. Trong quá trình cách mạng, Đảng và nhân dân ngày càng hiểu rõ hơn vai trò của văn hóa, càng trân trọng văn hóa, và xác định "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội".

Bối cảnh phức tạp hiện nay cho thấy vấn đề "văn hóa nghệ thuật là một mặt trận" vẫn giữ nguyên giá trị, và trên mặt trận ấy "đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng". Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) kế thừa, phát triển đường lối, quan điểm về văn nghệ qua các thời kỳ, khẳng định "Tiếp tục phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ, vươn lên hiện đại, phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; cổ vũ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác. Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm những phương thức thể hiện và phong cách nghệ thuật mới, đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng và bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ". Đây là điểm tựa cho nghệ sĩ, đương nhiên là những nghệ sĩ "gắn bó với nhân dân", vì không nghệ sĩ chân chính nào lại không gắn bó với nhân dân. Nói cách khác, chỉ có nghệ sĩ gắn bó với nhân dân, với Tổ quốc, sẵn sàng xả thân vì một tình yêu lớn, mới là nghệ sĩ chân chính.

Những năm đầu thế kỷ XX, khi dân tộc đang rên xiết dưới ách nô lệ, máu của nghĩa sĩ và những người cộng sản đang đổ vì cuộc đấu tranh giành độc lập, thì không ít văn nghệ sĩ chui vào vỏ ốc của "cái tôi". Như Chế Lan Viên từ nỗi chua cay, hối hận gửi tới đời sau thông điệp: Chớ bao giờ quên nỗi chua cay của một thời thơ ấy - Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không - Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy - Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng!. Trong hai cuộc kháng chiến, nghệ sĩ Việt Nam đã hăng hái dấn thân và hình thành nên đội hình rất đẹp: nơi nào cũng có nghệ sĩ tài năng, không chỉ với vai trò nghệ sĩ mà là người trong cuộc với khẩu súng, cây búa cùng nhân dân của mình. "Trang văn có mồ hôi và máu" là vì thế. Nên đã có nhiều thành tựu lớn của nghệ thuật Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực từ văn học, âm nhạc, sân khấu đến điện ảnh, mỹ thuật,... được sáng tác từ vùng mỏ Quảng Ninh, từ núi rừng Tây Bắc, tới chiến trường Khu Bốn, Khu Năm, Khu Sáu, Miền Đông, Miền Tây, Tây Nguyên,.. Trên con đường đấu tranh giành độc lập và thống nhất nước nhà, các tác phẩm nghệ thuật đã góp phần làm cho cả nước thống nhất một lý tưởng, một tình yêu Tổ quốc. Còn ngày nay, hầu như nghệ sĩ đều dồn về sống ở đô thị. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật thiếu hơi thở cuộc sống, xa rời thực tế, lời ăn, tiếng nói, cách nghĩ, cách cảm của người dân. Phải chăng đang có quan niệm rằng "thực tế" của nghệ sĩ hôm nay là máy tính, là internet, là báo điện tử? Câu hỏi được đặt ra vì tình trạng na ná giữa một số tác phẩm nghệ thuật (nhất là văn học, phim truyền hình) với các câu chuyện, các sự kiện, vấn đề đã xuất hiện trên báo chí. Mai-a-cốp-xki từng viết: "Phải cần đến muôn ngàn cân quặng chữ - Mới thu về một chữ mà thôi". Nghệ sĩ giống như người thợ kim hoàn, dù khéo léo đến mấy mà không có cả "núi quặng" thì may lắm cũng chỉ làm được vài món đồ trang sức thô mảnh. Dẫu thế nào thì nếu muốn có tác phẩm được công chúng mến mộ, nghệ sĩ phải tự mình phát hiện ra "núi quặng" của mình.

Cách đây không lâu, nhạc sĩ Hồng Đăng tâm sự: "Ta có đội ngũ văn nghệ sĩ rất quý. Yêu nước, yêu thương nhau. Nhưng còn thiếu một sự quan trọng: Đó là sự thấu hiểu". Đúng vậy, nói văn nghệ là một mặt trận, thì cần biết chia sẻ, thấu hiểu. Câu chuyện văn nghệ là câu chuyện hệ trọng, chiến lược và cũng cấp bách. Trên đôi cánh của thời đại, từ tâm huyết và khí phách của kẻ sĩ; từ sự nhận biết và trọng dụng hiền tài đến đổi mới phương thức tập hợp; nhất định chúng ta sẽ có một đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, trung thành với lý tưởng của Đảng, gắn bó với nhân dân, để từ đó tiếp tục ra đời những tác phẩm có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao, đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng và xã hội./.

Nguyễn Sĩ Đại

(Nguồn: Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất