Thứ Năm, 24/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 17/6/2012 20:45'(GMT+7)

Nêu gương là phải dám hy sinh

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

>>>Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp


Trước hết phải khẳng định, từ trước đến nay, đã rất nhiều lần Đảng ta yêu cầu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng phải nêu cao trách nhiệm tiền phong, gương mẫu về mọi mặt. Nhưng trên thực tế, việc nêu gương của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người đứng đầu các cấp còn hạn chế, thậm chí nhiều cán bộ vi phạm khuyết điểm, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, việc Đảng ta chính thức ban hành một quy định yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có trách nhiệm nêu gương trong tình hình hiện nay, thể hiện tính kiên quyết của Đảng trong việc giáo dục, rèn luyện và chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Không phải là những lời kêu gọi chung chung, lần này Đảng ta đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên có trách nhiệm nêu gương ở 7 nội dung cụ thể là: Tư tưởng chính trị; Đạo đức, lối sống, tác phong; Tự phê bình và phê bình; Quan hệ với nhân dân; Trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; Đoàn kết nội bộ. Bảy nội dung đó có quan hệ mật thiết với nhau. Hạ thấp, xem nhẹ nội dung nào hay không có ý thức thực hiện thường xuyên đầy đủ các nội dung này thì không thể nói là cán bộ, đảng viên đã làm tròn “trách nhiệm nêu gương” trước Đảng, trước nhân dân.

Như vậy, có thể hiểu rằng “trách nhiệm nêu gương” ở đây vừa thể hiện lương tâm, đạo đức của người cán bộ, đảng viên; vừa là nghĩa vụ, bổn phận đòi hỏi mỗi “chiến sĩ tiên phong” của Đảng, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện đến nơi đến chốn trong cuộc sống, công tác hằng ngày. Bởi vì, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong dịp tiếp xúc cử tri TP Hồ Chí Minh mới đây đã nhấn mạnh: Người có chức vụ càng cao càng nêu gương sáng thì sức thuyết phục, giáo dục đối với nhân dân càng lớn.

Sinh thời, Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về mọi mặt. Thấm nhuần lời dạy “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và noi gương Bác, phần lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn sống liêm khiết, giản dị, gắn bó với quần chúng, gương mẫu từ lời nói đến hành động, hết lòng vì việc chung của Đảng, của tập thể. Chính những tấm gương cao cả ấy đã làm lay động bao tâm hồn, cảm hóa được mọi trái tim, khối óc và quy tụ được sức mạnh lòng dân để làm nên những thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Trong thời bình hiện nay, việc đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ góp phần giữ vững uy tín, thanh danh cho Đảng, khơi dậy và nhân lên những việc làm tốt trong xã hội và là “phương thuốc đặc trị” phòng chống bệnh quan liêu, ngăn ngừa sự thoái hóa, biến chất. Để việc nêu gương thực sự có sức lan tỏa trong cộng đồng, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cấp phải có lòng tự trọng đối với bản thân, biết tránh xa những điều xấu, tỉnh táo trước những cám dỗ vật chất và ham muốn tầm thường. Muốn nêu gương là phải biết chấp nhận hy sinh, luôn đặt lợi ích cá nhân xuống dưới lợi ích tập thể, biết hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích đất nước và nhân dân. Mặt khác, cần tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, bền bỉ tu dưỡng, rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi và toàn tâm, toàn ý “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” để làm tròn bổn phận của người cán bộ, đảng viên./.

(Thiện Văn/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất