Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” xác định rõ phương châm thực hiện, đó là: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh. Các giải pháp phải bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp giữa "chống và xây", "xây và chống", nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất”.
Để thực hiện phương châm này, Đảng ta xác định bốn nhóm giải pháp, trong đó giải pháp tự phê bình và phê bình được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Đảng yêu cầu các tổ chức đảng trong toàn Đảng phải xác định kế hoạch và lộ trình cụ thể để thực hiện việc phê bình và tự phê bình.
Vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng không phải đến nay mới được thực hiện, mà đã được tiến hành thường xuyên ngay từ khi Đảng ra đời. Điển hình là trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phê bình và tự phê bình. Người viết, phải mau phê bình và sửa chữa để khắc phục khuyết điểm, vì "có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có tiến bộ". Người chỉ ra cách phê bình: “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm… Chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người".
Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đến nay, hàng ngày, hàng giờ ở một vài địa phương và cơ quan công quyền vẫn diễn ra các sự việc, có sự việc tác hại nhỏ, có sự việc tác hại lớn, thể hiện sự yếu kém về phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ công quyền và sự phối hợp không nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương, xin nêu ra một vài sự việc điển hình gần đây.
“Cây cột điện đổ” trên đường Trường Chinh (Hà Nội) mà Báo QĐND Online đã đưa tin ngày 9-5-2012, mặc dù đã được dư luận phản ánh nhưng cán bộ sở tại lại trả lời hết sức thiếu trách nhiệm: “chưa nhận được báo cáo”. Sự việc ba cây sưa trị giá cả nghìn tỷ đồng bị chặt phá đã nhiều ngày tại Phong Nha-Kẻ Bàng dẫn đến hiện tượng côn đồ các nơi kéo đến trấn cướp gỗ sưa, đánh nhau gây mất trật tự trị an, làm náo loạn cả một vùng thôn quê vốn yên tĩnh mà đến tận ngày 14-5, Tỉnh ủy Quảng Bình mới chính thức có công văn chỉ đạo làm rõ. Tiếp nữa là hiện tượng “bệnh lạ” tại huyện Ba Tơ xuất hiện đã gần ba năm, với hơn 200 người mắc phải và hơn 10 người tử vong, nhưng cũng phải đến ngày 14-5, Bộ Y tế mới có các biện pháp quyết liệt xử lý . Hay sự việc sang chiết ga trái phép tại Bình Dương tồn tại nhiều năm, gây hậu quả xấu, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý đúng mức. Tất cả những sự việc này đã làm rõ thêm một nghịch lý mặc nhiên tồn tại nhiều năm qua, đó là chỉ khi nào có sự việc thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Đáng phê phán hơn nữa là vì lợi nhuận nên nhiều tiểu thương đã vận chuyển, chế biến hàng tấn thịt thối thành các món ăn khoái khẩu đưa ra thị trường đánh lừa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe nhân dân và người tiêu dùng, những vẫn chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc phối hợp xử lý tận gốc.
Chẳng hề vô lý, khi vào ngày 26-3-2012, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về công tác cán bộ. Trước khi hỏi Bộ trưởng Bình, đại biểu Tiến đã dẫn ra kết quả điều tra, tại một số tỉnh phía Nam phát hiện hơn 200 cán bộ ở cơ sở thuê người học hộ, thi hộ và kết quả của một khảo sát chưa đầy đủ cho thấy chỉ có khoảng 30% cán bộ sau tuyển dụng làm được việc, 30% phải "cầm tay chỉ việc”, hơn 30% còn lại "cầm tay chỉ việc” vẫn không biết cách làm.
Gần đây nhất, ngày 7-5, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, Lê Minh Hoan khi trả lời hơn 400 sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp khẳng định hiện có 30% cán bộ, công chức của tỉnh Đồng Tháp làm việc tốt, 30% làm việc cầm chừng và 30% có mặt chỉ để lãnh lương. Nếu không có họ cũng không ảnh hưởng gì tới công việc cơ quan đó.
Để đưa Nghị quyết Trung 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” và tinh thần Chỉ thị 03 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự đi vào cuộc sống, thiết nghĩ chúng ta không nên quá trông chờ vào các biện pháp mang tính chất tuyên truyền, động viên, vận động hay thuyết phục như vẫn thường thực hiện hoặc phải chờ đến thời gian tiến hành tự phê bình và phê bình đã xác định trong kế hoạch. Ngay lúc này đây, các sự việc có nguyên nhân do thiếu trách nhiệm, gây hậu quả xấu cần phải được các cấp ủy đảng điều tra làm rõ, quy trách nhiệm và xử lý theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và Quy định về những điều đảng viên không được làm. Trong đó phải kiên quyết loại bỏ khỏi đội ngũ những cán bộ sai phạm theo đúng pháp luật hiện hành.
Chỉ có sự hành động kiên quyết, khách quan, công tâm của mỗi đảng viên và tổ chức đảng trong toàn Đảng thì chúng ta mới đạt được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4, có như vậy việc triển khai công việc trong Đảng mới không rơi vào tình trạng hình thức, hô hào thực hiện nghị quyết một cách chung chung.
Mạnh Thắng (QĐND)