Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 22/11/2015 21:5'(GMT+7)

Nếu như…!

Trong Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta hãy thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác và chức trách của từng người”.

Suy rộng ra, để đất nước phát triển, hội nhập quốc tế hiệu quả, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng phải cố gắng hoàn thành thật tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Điều này thật thấm thía qua câu chuyện tiêu thụ nông sản của nông dân.

Vấn đề “được mùa, mất giá” của người nông dân thời gian qua một lần nữa trở thành đề tài “nóng” trong dư luận xã hội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cả xã hội quan tâm, lo lắng vào cuộc, giúp nông dân tiêu thụ nông sản,… Đây là những hành động tình nghĩa, sẻ chia với người nông dân lúc khó khăn; thể hiện tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái của các ngành, các cấp, các tầng lớp xã hội với những khó khăn, vất vả của nông dân.

Tình trạng “được mùa, mất giá” đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay, khi thì với hạt gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, dưa hấu lúc thì với con tôm, con cá,… Nghĩa là, xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản có quy mô sản xuất hàng hóa của nông dân. Báo chí đã lên tiếng, nhà khoa học, quản lý cũng đã đăng đàn, hiến kế. Câu chuyện này cũng được đề cập nhiều lần trong các phiên họp Chính phủ, trên diễn đàn Quốc hội, nhưng tình trạng vẫn lặp lại, lúc thì với mặt hàng này, khi thì với mặt hàng khác!

Từ khi đổi mới, trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường là sự phát triển cao của sản xuất hàng hóa, khi mà đầu vào, đầu ra của sản xuất chủ yếu được thực hiện thông qua thị trường. Nền tảng của sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường là phân công lao động xã hội, trong đó, mỗi người, rộng hơn là mỗi cơ quan, doanh nghiệp làm một việc hoặc một vài việc xã hội phân công và phải làm những công việc đó tốt hơn người khác, cơ quan, doanh nghiệp khác. Mỗi sản phẩm, dịch vụ đều có sự tham gia đóng góp của nhiều người, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, địa phương,…

Trở lại câu chuyện về tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa của nông dân. Người nông dân cần phải sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa của mình với năng suất cao, chất lượng tốt, lắng nghe các tín hiệu của thị trường, đồng thời, phải tuân theo quy hoạch của cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước, bên cạnh chức năng quản lý, có trách nhiệm cung cấp thông tin, đưa ra dự báo, tìm kiếm và phát triển thị trường. Doanh nghiệp, thương nhân tổ chức mua, vận chuyển, tiêu thụ,… Có thể kể thêm nhiều thành phần khác tham gia vào quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân nhưng tựu trung lại vẫn là mỗi người, mỗi cơ quan, doanh nghiệp có việc của mình, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa của nông dân, và phải làm tốt nhất phần việc đó.

Thị trường đương nhiên bao hàm cả những rủi ro, nhưng nếu như các cơ quan chức năng làm tốt công việc của mình, cung cấp thông tin, dự báo thị trường chuẩn xác cho nông dân, tích cực tìm kiếm, phát triển thị trường, khai thông các ách tắc về thủ tục hành chính; nếu như nông dân biết lắng nghe tín hiệu thị trường, tuân thủ quy hoạch, kế hoạch trong việc lựa chọn phương án “trồng cây gì, nuôi con gì” thì chắc rằng câu chuyện “được mùa, mất giá” của người nông dân sẽ được hạn chế rất nhiều./.


Nguyễn Đức/TCCS

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất