Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 14/11/2015 10:45'(GMT+7)

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta

 Điều này thể hiện rõ trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, ở mục “Phương hướng, mục tiêu phát triển KTTT định hướng XHCN”, Đảng ta tiếp tục nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về nền KTTT định hướng XHCN; đồng thời khẳng định tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn sáng tạo của Đảng về một mô hình kinh tế hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử, vừa tuân thủ những vấn đề có tính quy luật về phát triển KTTT nói chung, vừa phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

KTTT là thành tựu chung của văn minh nhân loại. Đó là kết quả phát triển lâu dài của lực lượng sản xuất và xã hội hóa các quan hệ kinh tế, trải qua các giai đoạn KTTT sơ khai, KTTT tự do và KTTT hiện đại (trong đó có sự kết hợp điều tiết của cả "hai bàn tay" vô hình và hữu hình đó là thị trường và Nhà nước). Hiện nay, KTTT trở thành đặc trưng phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, không có mô hình KTTT chung cho mọi quốc gia và mọi giai đoạn phát triển. Ngay ở các nước phát triển cũng có những mô hình KTTT khác nhau, như KTTT tự do mới (Mỹ), KTTT xã hội (CHLB Đức), KTTT phối hợp (Nhật bản), KTTT XHCN (Trung Quốc)... Điều đó cho thấy việc lựa chọn mô hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là phù hợp và sáng tạo.


Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu chúng ta đã có được nhận thức và lựa chọn mô hình KTTT định hướng XHCN, mà phải trải qua nhiều bước tìm tòi, thử nghiệm rồi đi đến đúc kết từ thực tiễn. Một trong những thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới là chúng ta đã chuyển đổi thành công nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước XHCN. Và sau 15 năm đổi mới, trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, tại Đại hội lần thứ IX, Đảng ta chính thức xác nhận: “Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam là KTTT định hướng XHCN”. Từ đó đến nay, nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN ngày càng được bổ sung và làm sáng tỏ.

Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng nêu yêu cầu cần "Tiếp tục thống nhất nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN" là: "KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”...

Quan niệm trên có những điểm mới nhất định, khái quát trên các nội dung cơ bản sau:

Một là, mục tiêu của nền KTTT định hướng XHCN là nhằm thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là sự khẳng định lợi ích chung và mục tiêu xuyên suốt, lâu dài của dân tộc; là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thứ hai, KTTT định hướng XHCN là "nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật của KTTT, đồng thời, bảo đảm tính định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước". Điều đó khẳng định nền kinh tế này vừa vận hành theo các quy luật của thị trường vừa được định hướng, dẫn dắt bởi các yếu tố thuộc về bản chất và quy luật của CNXH trên cả ba mặt quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất, quan hệ tổ chức quản lý sản xuất và quan hệ phân phối, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Thứ ba, đó là "nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế". Nền KTTT hiện đại là nền kinh tế vừa vận hành theo cơ chế thị trường, vừa chịu sự điều tiết của Nhà nước; thể chế KTTT cùng các yếu tố của thị trường và các loại thị trường được tạo lập, vận hành đầy đủ, đồng bộ, bao gồm 4 yếu tố cơ bản: "Người chơi" là các chủ thể kinh tế và chủ thể quản lý; "luật chơi" là các quy tắc, luật lệ, chính sách; "sân chơi" là các loại thị trường cơ bản và "cách chơi" là cơ chế thực thi luật chơi và vận hành nền kinh tế. Đó còn là nền kinh tế mở, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thứ tư, nền KTTT có tổ chức, có kế hoạch, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN. Nền kinh tế đó hoạt động trên cơ sở kết hợp giữa sự nhận thức tính tất yếu khách quan với phát huy vai trò năng động sáng tạo của các chủ thể, có thể khắc phục, loại bỏ những khuyết tật của KTTT, phát huy ưu thế của cả hai thể chế kế hoạch và thị trường nhằm phục vụ lợi ích chung, hướng vào mục tiêu xây dựng CNXH.

 Tóm lại, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; có sự quản lý Nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Minh Khải (Học viện Chính trị)
Nguồn: QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất