Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 22/1/2018 14:47'(GMT+7)

Nga khẳng định không còn lựa chọn nào khác ngoài thỏa thuận Minsk

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov. (Nguồn: RT/TTXVN)

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov. (Nguồn: RT/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov nhấn mạnh Thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được tháng 9/2014 và được cập nhật vào tháng 2/2015 dưới dạng Thỏa thuận Minsk II là duy nhất, tính khả thi của thỏa thuận được công nhận bởi tất cả các bên liên quan cũng như các quốc gia bảo trợ gồm Pháp và Đức. Vì vậy, bất kỳ bên nào đơn phương rút khỏi thỏa thuận đều sẽ dẫn tới một "sự sụp đổ cay đắng".

Ông Peskov cho rằng hiện không ai có thể chắc chắn rằng các bên có thể sẽ đạt một thỏa thuận nào khác, do vậy việc triển khai thỏa thuận Minsk là "điều miễn bàn".

Bạo lực bùng phát tại tỉnh Donbass, miền Đông Ukriane, kể từ sau khi chính quyền Kiev triển khai chiến dịch quân sự ở miền Đông Nam nước này hồi tháng 4/2014 để trấn át các cư dân địa phương phản đối chính quyền thân phương Tây mới được thành lập.

Thỏa thuận hòa bình Minsk gồm 13 điểm đạt được giữa Ukraine, Nga, Đức và Pháp đã chỉ ra các bước cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột vốn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng này. Các biện pháp chủ yếu trong thỏa thuận gồm ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực giao tranh, trao đổi tù binh và cho phép bầu cử địa phương tại khu vực. Nhưng trong thời gian vừa qua, thỏa thuận Minsk vẫn bị vi phạm khi Moskva và Kiev cáo buộc lẫn nhau không tuân thủ các nghĩa vụ của mình. Trong 3 năm qua, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng.

Điện Kremlin đưa ra tuyên bố mới nhất trong bối cảnh hôm 18/1, Quốc hội Ukraine đã thông qua một dự luật về việc "tái hòa nhập" những vùng lãnh thổ ly khai ở miền Đông nước này. Văn kiện này xác nhận quy chế của vùng chiến sự và coi những vùng lãnh thổ này là "tạm thời bị chiếm đóng". Dự luật này ủng hộ sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần thiết để đưa những vùng này trở lại dưới sự kiểm soát của Ukraine.

Dự luật trên không có nội dung liên quan tới Thỏa thuận hòa bình Minsk, vốn yêu cầu Ukraine thông qua luật trao quyền tự trị lớn hơn cho những khu vực theo chủ nghĩa ly khai, và ân xá cho các phiến quân. Văn kiện này cũng vấp phải sự chỉ trích của đa số các chính đảng Ukraine. Giới phân tích nhận định việc thông qua dự luật gây tranh cãi trên có thể dẫn tới một sự leo thang căng thẳng mới, khi văn kiện đi ngược lại hoàn toàn Thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Ukraine./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất