Chủ Nhật, 6/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 13/4/2012 21:37'(GMT+7)

Nga phản đối lệnh cấm vận mới đối với Triều Tiên

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov.

Hôm nay (13/4), Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moscow phản đối lệnh cấm vận mới đối với Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên, nhưng cho rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần phải xem xét việc vi phạm của Triều Tiên trong việc cấm phóng tên lửa.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Ấn Độ, ông Lavrov cho rằng, việc vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an đòi hỏi cơ quan này phải xem xét tình hình tương ứng, nhưng phản ứng của Hội đồng Bảo an cần phải mang tính chất hỗn hợp, vì Nga không tin vào lệnh cấm vận mới do chúng không đưa ra được gì xuất phát từ quan điểm giải quyết tình hình.

Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Triều Tiên có thể hoàn toàn thực hiện chương trình vũ trụ của mình sau khi tất cả lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống lại nước này đã được tháo bỏ. Quan điểm của Nga rất rõ ràng: Triều Tiên có quyền sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hoà bình, trong giai đoạn này quyền lợi đó bị hạn chế bởi các nghị quyết tương ứng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Việc Triều Tiên phóng vệ tinh vũ trụ “Kwangmyongsong-3” đã diễn ra sáng nay, tuy nhiên không thành công vì vệ tinh không thể đi vào quỹ đạo. Việc phóng vệ tinh này hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của lãnh tụ đầu tiên của Triều Tiên Kim Nhật Thành vào ngày 15/4 tới.

Kế hoạch của Bình Nhưỡng phóng tên lửa vũ trụ của riêng mình đã gây ra sự chỉ trích gay gắt từ nhiều nước trên thế giới, những nước này đánh giá dự định của Triều Tiên là vi phạm các nghĩa vụ quốc tế và Nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm nước này tiến hành phóng tên lửa có sử dụng công nghệ đạn đạo.

Triều Tiên vẫn khẳng định chương trình vũ trụ của mình mang tính chất hoà bình, trong khi đó nhiều nước coi vụ phóng vừa qua che đậy việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Triều Tiên tự tuyên bố là cường quốc hạt nhân năm 2005, trong 2 năm 2006 và 2009 nước này đã tiến hành các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất, vụ việc đã gây ra làn sóng phản đối của cộng đồng quốc tế. Đáp trả lại các hành động của Bình Nhưỡng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một loạt các nghị quyết yêu cầu Triều Tiên chấm dứt hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân.

Trong Nghị quyết 1718 và 1874, ngoài lệnh cấm vận, còn chứa đựng yêu cầu Triều Tiên không được tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, từ bỏ dự định sở hữu vũ khí hạt nhân và quay trở lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.

Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Triều Tiên là những nước tham dự cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên. Các cuộc đàm phán được khởi động từ năm 2003, nhưng trên thực tế đã đổ vỡ từ cuối năm 2008.

Vào cuối tháng 11/2010, Triều Tiên chính thức khẳng định thông tin về việc mở rộng chương trình hạt nhân của mình, khi tuyên bố về vài nghìn máy ly tâm đang hoạt động tại các xí nghiệp làm giàu u-ran ở Yongbyon. Các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát hoạt động tại Yongbyon đến tháng 4/2009, khi Triều Tiên chấm dứt tất cả các sự hợp tác với cơ quan này và trục xuât các thanh sát viên của IAEA ra khỏi đất nước.

Vào cuối tháng 2 vừa qua, Triều Tiên và Mỹ đã đạt được thoả thuận, theo đó Bình Nhưỡng tạm thời ngừng các vụ thử hạt nhân và hoạt động làm giàu U-ran, cũng như nhất trí khôi phục lại các cuộc thanh sát của thanh sát viên IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của mình để đổi lấy việc nhận 240 nghìn tấn lương thực cứu trợ. Khi đó người đàm phán chính của Triều Tiên về vấn đề hạt nhân Li Eng Hô lưu ý rằng, nước này đã tiến một bước đáng kể trên con đường thực hiện hoá những thoả thuận này khi mời các thanh sát viên IAEA đến Triều Tiên ngày 16/03.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 3, Triều Tiên tuyên bố về kế hoạch phóng tên lửa vụ trụ mang vệ tinh vào tháng 4, điều này gây ra phản ứng tiêu cực của cộng đồng quốc tế. Mỹ trong tuyên bố đáp trả cho biết, việc cứu trợ lương thực đối với Triều Tiên sẽ không được thực hiện nếu nước này không từ bỏ việc phóng vệ tinh./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất