(TCTG)- Ngày 19/5, tại Mát-xcơ-va (Nga) đã diễn ra vòng đầu tiên trong khuôn khổ các cuộc đàm phán chính thức giữa Nga và Mỹ nhằm tìm kiếm một hiệp ước thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (START-1), sẽ hết hiệu lực từ ngày 5/12/2009.
Trưởng đoàn đàm phán Mỹ là Trợ lý Ngoại trưởng, ông Râu-dơ Gốt-tơ-mô-lơ (Rose Gottemoeller), dẫn đầu đoàn Nga là ông A-na-tô-li An-tô-nốp (Anatoly Antonov), Vụ trưởng Vụ An ninh và Giải trừ quân bị thuộc Bộ Ngoại giao Nga.
Theo TTXVN, một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết vòng đàm phán bắt đầu ngày 19/5 theo đúng kế hoạch, nhưng không nêu chi tiết. Trước đó, tối 18/5, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán "sẽ mang lại kết quả", nhưng cảnh báo chúng sẽ được gắn với kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Hãng tin Nga ITAR-TASS dẫn lời ông La-vrốp, nói rằng START "không thể được thảo luận trong chân không, mà phải phản ánh an ninh toàn cầu, trong đó chắc chắn có an ninh của Nga". Ông khẳng định điều này đồng nghĩa phía Nga phải xem xét tình hình liên quan vấn đề phòng thủ tên lửa. Nhật báo "Tin tức thời đại" của Nga ngày 19/5 viết "trên thực tế không thể đạt được một thỏa thuận về START", trừ phi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barak Obama) xem xét lại vấn đề "lá chắn tên lửa" của nước này.
Theo giới quan sát, ngoài vấn đề phòng thủ tên lửa, các nhà đàm phán còn đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là tìm ra một văn bản thay thế START, một hiệp ước lớn, phức tạp với vô số chi tiết kỹ thuật được bảo mật, trước thời hạn nó hết hiệu lực.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) ngay lập tức hoan nghênh động thái trên giữa Mỹ và Nga tạo đà mới cho vấn đề giải trừ quân bị.
Đàm phán về hiệp ước thay thế START ít đạt tiến bộ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ (George Bush). Bất chấp những dấu hiệu "ấm lên" trong quan hệ Nga-Mỹ dưới thời Tổng thống đương nhiệm Ô-ba-ma, các cuộc đàm phán sơ bộ về vấn đề này vẫn vấp phải nhiều trở ngại. Mát-xcơ-va muốn có một hiệp ước mới bao quát, hạn chế cả đầu đạn hạt nhân lẫn các vật mang như tên lửa và máy bay ném bom, trong khi Oa-sinh-tơn chỉ muốn tập trung vào các đầu đạn hạt nhân đã được đưa vào thành phần trực chiến./.
TG