Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 1/12/2011 15:57'(GMT+7)

Ngân hàng BIDV: Cổ phần hóa để tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh

 Cổ phần hóa hướng tới 5 mục tiêu

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐTV ngân hàng BIDV cho hay, trong kế hoạch tái cơ cấu BIDV giai đoạn 2011- 2015, Ban lãnh đạo BIDV đã xác định, thực hiện CPH là một nội dung quan trọng để tái cấu trúc Ngân hàng, trong nỗ lực xây dựng BIDV thành một Tập đoàn tài chính- ngân hàng đa sở hữu, kinh doanh đa lĩnh vực, hoạt động theo thông lệ quốc tế, chất lượng và hiệu quả hàng đầu trong các định chế tài chính tại Việt Nam. Trên tinh thần đó, BIDV xác định CPH nhằm hướng tới đạt được 5 mục tiêu quan trọng:

Một là, Đổi mới phương thức quản trị điều hành, áp dụng những kỹ năng quản trị tiên tiến, trong đó tăng cường năng lực quản trị rủi ro.

Hai là, Tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển sản phẩm đa dạng của đối tác chiến lược nước ngoài, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ BIDV.

Ba là, Có được sự hỗ trợ của đối tác chiến lược nước ngoài, kỳ vọng nguồn nhân lực sẽ được đào tạo bài bản với chất lượng cao, phù hợp với quá trình hội nhập.

Bốn là, CPH sẽ tạo điều kiện để huy động vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.

Năm là, Tăng cường minh bạch hóa thông tin, hoạt động kinh doanh của một Ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng và niêm yết.

Những ưu việt của việc CPH nhằm hướng đến mục đích cao nhất đó là nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của BIDV, từ đó giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của BIDV trong hệ thống NHTM Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững trong dài hạn. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội quý báu, tạo điều kiện cho BIDV có quyền tự chủ, linh hoạt XD những cơ chế tạo động lực gắn bó người lao động với ngân hàng, lợi ích của người lao động được quan tâm thực chất hơn... "BIDV thực hiện CPH nhưng sở hữu nhà nước vẫn chi phối ở phần vốn. Việc CPH là một phần rất quan trọng trong nội dung tái cơ cấu ngân hàng BIDV, nó nằm trong khuôn khổ pháp luật, có kết luận của Bộ CT và Chính phủ". Ông Bắc Hà cho biết thêm.

Triển khai lộ trình IPO

Theo ông Trần Bắc Hà, phương án CPH của BIDV đã được chuẩn bị theo đúng các quy định và lộ trình do Nhà nước quy định, đã được các cơ quan có thẩm quyền góp ý kiến và Thủ tướng thông qua. Theo đó, BIDV sẽ CPH theo hình thức giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, nhà nước bán ra 22% trong năm 2011 và bán tiếp 13% trong 4 năm tiếp theo. Lãnh đạo BIDV cũng khẳng định, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước không thấp hơn 65% (với 2 giai đoạn, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 78% trong giai đoạn 1, trên 65% trong giai đoạn 2). Lãnh đạo BIDV cho biết, kế hoạch IPO sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn:

Quy mô vốn điều lệ của BIDV là 28.251,4 tỷ đồng và cơ cấu cổ phần phát hành cụ thể như sau:

Giai đoạn 1 dự kiến phát hành 22% vốn điều lệ, trong đó thực hiện IPO là 3%, bán cho CBCNV 1%, bán cho Công đoàn BIDV 3%, còn lại 15% sẽ được bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục bán cho đối tác nước ngoài không quá 20% vốn và phát hành thêm cổ phần ra công chúng, nhằm giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống không thấp hơn 65% vốn điều lệ đến năm 2015.

BIDV dự kiến, ngày 2/12 công bố giá trị doanh nghiệp và ngày 21/12 đăng ký đấu giá; ngày 28/12 sẽ tổ chức đấu giá và bán cho CBCNV trước ngày 31/12/2011 cho đợt 1 CPH. BIDV sẽ thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng dự kiến vào tuần cuối tháng 12 năm 2011. Trong năm 2012, BIDV sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIDV sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của Tư vấn tài chính Morgan Stanley. Trong thời gian qua, BIDV cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng các nhà đầu tư và đang có 42 nhà đầu tư trên toàn cầu quan tâm tới việc mua cổ phần của BIDV.

Theo đánh giá của đại diện Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DNNN, Văn phòng Chính phủ, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang rơi vào giai đoạn khó khăn, nhưng "nếu BIDV đưa hàng hóa tốt ra thì có thể tạo sức hút cho thị trường". Một thông tin mà thị trường mong đợi là mức giá khởi điểm khi ngân hàng IPO sẽ là bao nhiêu, cho đến hiện nay điều này vẫn chưa được lãnh đạo BIDV tiết lộ do phải đợi Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, bà Phan Thị Chinh, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng xác định rõ là sẽ bán sát giá thị trường. Đối với thị trường, giá khởi điểm rất quan trọng. Giá khởi điểm này phải có một sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, thị trường chấp nhận như thế nhưng nếu ngân hàng định giá cao hơn thì sẽ không thành công. "Khi đã IPO thì phải bảo đảm sự thành công". Bà Chinh khẳng định thêm. Vì vậy, BIDV vẫn quyết tâm CPH mặc dù TTCK hiện vẫn ảm đạm. Điều mà BIDV quan tâm hơn là CPH được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt trong hoạt động của ngân hàng quốc doanh này.

Box: Đến 30/11/2011, tổng tài sản của BIDV đạt 403.000 tỷ đồng; Huy động vốn đạt 274.000 tỷ đồng; Tín dụng đạt 268.200 tỷ đồng, đảm bảo tuân thủ chỉ đạo của NHNN; Lợi nhuận trước thuế đạt 4.100 tỷ đồng; CAR đạt 10%, đảm bảo yêu cầu của NHNN.

Thu Hiền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất