Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 9/6/2013 14:10'(GMT+7)

Ngàn hoa dâng Bác

        Những người bước ra từ lịch sử

Là người con của miền Nam được vinh dự tuyên dương ngay lần Đại hội thi đua toàn quốc đầu tiên, là một trong 7 anh hùng đầu tiên được tuyên dương, Anh hùng LLVT La Văn Cầu - người đã chặt cánh tay mình khi mở đường để đồng đội tiến lên phá đồn địch -chia sẻ ký ức không thể nào quên về những háo hức, mong chờ đến ngày dự đại hội. Và ông đã phải mất 3 ngày đi bộ để đến dự đại hội. Ngay khi đến nơi, anh hùng La Văn Cầu đã rất xúc động khi lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, đó là vào năm 1952 khi cuộc kháng chiến đang diễn ra rất ác liệt.

Còn Anh hùng LLVT - Đại tá - phi công Nguyễn Văn Bảy, người đã từng lập chiến công bắn hạ 2 máy bay F-105 và 5 máy bay F-4 của địch trên mặt trận không đối không và cũng là một trong 3 phi công đầu tiên được tuyên dương Anh hùng LLVT tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ 2 (năm 1967), ông xúc động kể: “Hội trường hôm đó đông kín các chiến sĩ thi đua toàn quốc. Lúc xướng tên Nguyễn Văn Bảy tôi cảm thấy vinh dự lắm… Bây giờ kể lại cảm giác lúc đó thì khó nói, nhưng rất xúc động, rất hạnh phúc vì là con em miền Nam được trao huy hiệu…”.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy còn nhớ như in 2 kỷ niệm với Bác. Đó là lời căn dặn của Bác trước khi lực lượng của ông tham gia khóa huấn luyện máy bay đầu tiên. Bác dặn: “Phải học và rèn luyện cho tốt để trở thành phi công giỏi, để chiến đấu thống nhất đất nước và để chở Bác vào thăm miền Nam”. Động lực thúc đẩy tinh thần thứ 2, theo Anh hùng Nguyễn Văn Bảy là vào năm 1964, khi Bác Hồ phát động thi đua: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt…” thì cả thế hệ lúc bấy giờ hừng hực khí thế, gạt bỏ lợi ích riêng, tất cả vì mục đích thống nhất đất nước…


        Động lực để thế hệ trẻ tiếp bước

Trong số những phong trào thi đua có hiệu quả thì phong trào “Nghìn việc tốt” được phát động trong tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong có sức sống và sức lan tỏa rộng nhất. Đã 50 năm trôi qua từ ngày phong trào ra đời tại Trường THCS Tam Sơn (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) năm 1963, phong trào ngày càng trở nên tươi mới và có nhiều sức sống. Từ phong trào “Nghìn việc tốt”, thiếu nhi cả nước đã phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và mỗi năm cả nước luôn có hàng ngàn tấm gương thiếu niên, nhi đồng được ghi nhận, biểu dương và khen thưởng.

Tham gia chương trình cầu truyền hình, Bí thư Chi đoàn kiêm Tổng phụ trách Đội - người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt” - Anh hùng lao động - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn, chia sẻ: Ý tưởng phát động phong trào này đến với ông vào năm 1963 ông tình cờ đọc được 2 câu thơ của một em học sinh đăng trên tờ báo tường: “Làm nhiều việc tốt bao nhiêu - Bác Hồ càng mến, càng yêu em nhiều”.

Ông đã lấy ý tưởng từ 5 điều Bác Hồ dạy phát triển ra thành nhiều hành động cụ thể, ví dụ như nhặt được của rơi trả người đánh mất, giúp đỡ người già qua đường, cõng bạn đến trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp đỡ bạn nghèo khó, ủng hộ đồng bào bị thiên tai… “Tôi đã căn dặn học sinh của mình phải luôn tâm niệm điều này: Làm nghìn việc tốt - Cùng trừ việc xấu - Cộng nhân yêu thương - Chia niềm thông cảm. Đó là phép tính số học mà các em sẽ phải nhớ trong suốt cuộc đời”. Cũng nhờ phong trào này, năm 1967 Trường THCS Tam Sơn đã vinh dự được Bác Hồ về thăm. Bác nói: “Các cháu đã làm nghìn việc tốt, thế là tốt. Các cháu cần phát huy truyền thống, hãy đoàn kết, giúp nhau thi đua học tập tốt, lao động tốt, cùng làm nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội…”. Nay mặc dù đã 70 tuổi nhưng Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn vẫn gắn bó với phong trào “Nghìn việc tốt”…

Cùng thời gian, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng”. Trong chương trình, khán giả đã được giao lưu với các vị khách mời tiêu biểu trên mặt trận tư tưởng văn hóa là các nhà báo, nhạc sĩ thế hệ trẻ, những tấm gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những tấm gương trong phong trào thi đua yêu nước hiện nay…

SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất