Thứ Tư, 27/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 19/7/2011 21:50'(GMT+7)

Ngành công nghệ thông tin – truyền thông: Nhiều thách thức

Trải nghiệm công nghệ 3D tại triển lãm

Trải nghiệm công nghệ 3D tại triển lãm

 Bức tranh muôn màu

Trong bức tranh chung của các doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu, nhóm doanh nghiệp sản xuất và gia công phần mềm và dịch vụ CNTT xuất khẩu đang mang màu sắc tươi sáng. Số các hợp đồng gia công phần mềm bắt đầu tăng nhanh trong năm 2010 và tăng vọt vào đầu năm 2011, dự báo có thể đạt mức tăng 40% trong năm này. Các công ty tên tuổi trong ngành này như FPT, TMA, CSC, GCS, GHP Par East, ISB, Capgemini đều tăng trưởng cao. Gia công phần mềm cũng đi theo chiều hướng chuyên sâu, với giá trị gia tăng cao và một xu hướng đang là cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam, là gia công quy trình nghiệp vụ kinh doanh. Nhiều công ty Việt Nam đã tạo được tên tuổi, niềm tin với khách hàng.

Trong khi đó, ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh phần cứng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò quyết định tổng doanh thu của ngành sản xuất phần cứng. Đặc biệt, năm 2010 nhà máy sản xuất chip Intel Việt Nam đã chính thức tham gia thị trường, góp phần làm tăng doanh thu xuất khẩu của ngành phần cứng Việt Nam. Trong khi đó, với các doanh nghiệp sản xuất máy tính thương hiệu Việt, doanh số năm 2010 tiếp tục sụt giảm nhiều so với năm trước khoảng  25%. Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, nguyên nhân là do sự cạnh tranh không bình đẳng với lĩnh vực máy tính nhập khẩu nguyên chiếc. Máy tính thương hiệu Việt phải chịu thuế suất nhập khẩu linh kiện rời, trong khi nhập máy tính nguyên chiếc, thuế suất nhập khẩu bằng 0.

Còn trong lĩnh vực cung cấp giải pháp và tích hợp hệ thống, doanh thu của các doanh nghiệp cũng tăng trưởng chậm lại so với năm trước, chỉ tăng khoảng 5% và có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng âm. Điều này cho thấy tiến độ triển khai dự án tin học hóa tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đều có dấu hiệu bị chậm hoặc bị cắt giảm đáng kể do ảnh hưởng của lạm phát và chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ.

Thách thức với các doanh nghiệp CNTT

Ông Chu Tiến Dũng nhận định: “Kinh tế thế giới tuy bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2009 nhưng tăng trưởng còn rất chậm và chưa bền vững. Song song đó, nền kinh tế Việt Nam phải đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao ở mức 2 con số nên Chính phủ, các tổ chức kinh tế - xã hội đẩy mạnh chương trình tiết kiệm, thặt chặt chi tiêu. Đặc biệt, chính sách thặt chặt tiền tệ của Chính phủ đề ra từ đầu năm 2011 đã tác động rất mạnh tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, là thách thức rất lớn đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp CNTT-TT”.

Trong bối cảnh nêu trên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đóng vai trò rất quan trọng, nó đại diện và phản ánh bức tranh chung về xu hướng phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam. Tuy nhiên, có thể thấy mức độ tăng trưởng doanh thu không đồng đều giữa các doanh nghiệp họat động trong các lĩnh vực như phần cứng, bán lẻ CNTT, phần mềm, dịch vụ CNTT, đào tạo nhân lực CNTT. Một dấu hiệu đáng lo ngại khác  trong năm 2010 và đầu năm 2011 là tổng doanh thu của nhóm đào tạo CNTT giảm khoảng 15% so với năm 2009. Đây là một sự cảnh báo cần được lưu tâm.

SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất