Thứ Tư, 2/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 29/7/2009 9:9'(GMT+7)

Ngành GD-ĐT đẩy mạnh ứng dụng CNTT

Ngành Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh CNTT trong công tác giáo dục và đào tạo.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh CNTT trong công tác giáo dục và đào tạo.

2008-2009: Năm học CNTT

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 và triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 của ngành Giáo dục và Đào tạo diễn ra tại Đà Nẵng hôm 24/7 vừa qua, theo đánh giá của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, năm học 2008-2009, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được nhiều thành quả tích cực, tạo tiền đề mới cho phát triển giáo dục ở giai đoạn sau. Đặc biệt, ứng dụng CNTT trong giáo dục đã có sự phát triển mang tính đột phá mạnh mẽ.

Năm học 2008-2009 được đánh giá là năm học CNTT, có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động CNTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Cơ sở hạ tầng CNTT của ngành đã cơ bản được hoàn thành. Việc kết nối Internet băng thông rộng đến 64 sở GDĐT đã hoàn thành trong tháng 10/2008. Tính đến tháng 7/2009, Internet đã được kết nối đến khoảng 18.000 trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trong cả nước…

Tiếp nối kế hoạch ứng dụng CNTT của năm học 2008-2009, trước thềm năm học mới 2009-2010, ngành Giáo dục và Đào tạo đang đặt kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động CNTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Dự kiến, cuối năm 2009 sẽ có 75% tất cả các trường được kết nối Internet và hoàn thành 100% vào năm 2010.

Ngoài ra, Bộ sẽ tổ chức cuộc thi giáo viên làm bài giảng điện tử theo công nghệ e-learning, giáo viên dạy giỏi ứng dụng CNTT nhằm mục đích giúp giáo viên tiếp cận công nghệ mới cũng như chia sẻ kinh nghiệm.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sẽ trực tiếp là Trưởng Ban chỉ đạo. Cục CNTT chủ trì tổ chức, phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD và các dự án. Bộ cũng sẽ huy động các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường ĐH, CĐ, THCN cùng tham gia, đóng góp các bài giảng điện tử và sẽ tạo thành một thư viện trên trang web của Bộ để chia sẻ, dùng chung.

Doanh nghiệp cùng vào cuộc

Là một doanh nghiệp nước ngoài luôn quan tâm tới việc thúc đẩy ứng dụng CNTT trong giáo dục, ông Thân Trọng Phúc - Tổng giám đốc Intel Việt Nam và Đông Dương cho rằng, giáo dục là nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia. Intel tin rằng công nghệ có thể mở ra các cơ hội mới cho các học sinh, sinh viên tại Việt Nam, giúp các giáo viên nâng cao chất lượng đào tạo và các em học sinh, sinh viên có khả năng tiếp cận những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 nhằm chuẩn bị sẵn sàng để có thể thành công trong nền kinh tế tri thức.

Với quan điểm này, Intel hiện đang phối hợp với ngành giáo dục Việt Nam nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT trong giáo dục theo các trọng tâm đặt ra cụ thể.

Thứ nhất là khả năng tiếp cận. Intel sẽ giúp các giáo viên, học sinh trên cả nước có thể tiếp cận công nghệ với chi phí phù hợp nhất theo nhu cầu sử dụng của mình. Với sự phối hợp của các đối tác, Intel đang đưa ra trên thị trường dòng máy tính sử dụng bộ vi xử lý Intel Atom, phù hợp với nhu cầu sử dụng kết nối Internet và các ứng dụng giáo dục. Chi phí của chiếc máy tính này trên thị trường hiện nay chỉ tầm 4 triệu đồng, một mức giá rất phù hợp với đại đa số giáo viên, học sinh. Ngoài ra, Intel còn tài trợ hơn 1,900 máy tính cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam để phục vụ công tác giảng dạy trong nhà trường.

Thứ hai là khả năng kết nối. Sự hỗ trợ này được thực hiện với quan điểm máy tính và Internet đang trở thành một nhân tố không thể thiếu trong cuộc sống, được coi là tiện ích thứ 4 của con người trong xã hội, ngoài điện, nước và gas. Máy tính và Internet đang góp phần chuyển đổi lĩnh vực giáo dục, mang lại cho giáo viên, học sinh những cơ hội tiếp cận với kho thông tin khổng lồ của thế giới, những kiến thức vượt qua ngoài khuôn khổ của sách giáo khoa trên lớp. Không chỉ thúc đẩy khả năng tiếp cận máy tính cho các giáo viên và học sinh, Intel còn đang hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam để đưa ra những chương trình kết nối Internet băng rộng với chi phí phù hợp nhất như miễn phí lắp đặt, tặng modem, tặng tiền sử dụng hàng tháng…

Với quan điểm ngoài cơ sở hạ tầng, hệ thống kết nối mạng, mục tiêu tăng tiếp cận CNTT trong ngành giáo dục có thể sớm thành công chính là yếu tố con người, Intel đã xây dựng Intel Teach, chương trình đào tạo cho các giáo viên phương thức áp dụng công nghệ hiệu quả nhất trong bài giảng của mình để có thể mang lại thành công cao nhất, đó là khả năng tiếp thu kiến thức của tất cả các học sinh, để từ đó, khuyến khích các em tìm tòi, nghiên cứu thêm, ngoài những kiến thức trên ghế nhà trường, để tự làm giàu kho kiến thức của mình.

Intel đã hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phát triển những nội dung và các ứng dụng phần mềm giáo dục phong phú được Việt hóa trong các trường học cho giáo viên và học sinh trên cả nước thông qua chương trình Intel Teach. Tính đến thời điểm đầu tháng 4 năm 2009, đã có 43.000 giáo viên được tham gia các chương trình đào tạo qua chương trình này và dự kiến sẽ đào tạo thêm 15.000 giáo viên trong năm 2009.

Tin rằng, với sự nỗ lực từ ngành Giáo dục và Đào tạo cùng sự góp sức của các doanh nghiệp, mục tiêu phải đạt được từ nay đến năm 2010 là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GDĐT theo “4 chuẩn”: Chuẩn trong nhận thức của cán bộ quản lý về lợi ích của việc ứng dụng CNTT; Xác định được chuẩn kỹ năng tối thiểu về CNTT; Chuẩn về cơ sở hạ tầng và Chuẩn công cụ dùng để ứng dụng CNTT sẽ không nằm ngoài tầm tay./.


Theo VnMedia
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất