Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 13/12/2008 15:57'(GMT+7)

Giúp doanh nghiệp vượt khó

 
Cuộc điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2008 vừa được Ban Thư ký Diễn đàn doanh nghiệp công bố. Kết quả cho thấy, đa số doanh nghiệp (DN) bày tỏ sự quan ngại, lo lắng về tình hình kinh doanh trong năm nay và đưa ra những lĩnh vực chủ chốt cần cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới.

Năm 2008: Doanh nghiệp lao đao

Năm 2008 là năm đầy thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam. Sau sự tăng trưởng vượt bậc năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có kể từ sau thời kỳ đổi mới. Lạm phát cao xảy ra đồng nghĩa với sự gia tăng thâm hụt thương mại, tỷ giá ngoại tệ không ổn định và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán là những vấn đề chính của kinh tế vĩ mô thời gian qua.

Kết quả điều tra của Ban Thư ký Diễn đàn DN Việt Nam cho thấy, đa số DN đều nhận thức được những thách thức và khó khăn về môi trường kinh doanh trong năm nay và đều mong đợi một môi trường kinh doanh “tạm được” trong năm tới, thay vì môi trường kinh doanh “tốt” như năm 2007. Các DN cho biết, mức lạm phát cao là lý do chính làm tăng chi phí hoạt động và lãi suất ngân hàng. Chi phí vay vốn tăng cao đột biến, cộng thêm giá cả nguyên vật liệu đầu vào dao động ở mức cao ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của hầu hết DN. Nhu cầu thị trường cả trong và ngoài nước đều giảm tác động trực tiếp tới doanh số và hoạt động sản xuất của DN. Các DN đang chống đỡ bằng cách tập trung vào các nguồn lực sẵn có để duy trì các lĩnh vực kinh doanh chính và các thị trường quen thuộc, đồng thời giảm chi phí và thu hẹp quy mô kinh doanh. Nhiều DN củng cố, rà soát lại công tác quản lý, đào tạo nhân lực và xây dựng bộ máy tổ chức của DN nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh?

Để cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM kiến nghị, khi ban hành chính sách vĩ mô, các quy định pháp luật liên quan đến DN, Chính phủ nên lấy ý kiến đóng góp của doanh nhân vì họ có va chạm thực tế nên sẽ có ý kiến đóng góp hay, phản biện xác đáng. Công tác cải cách thủ tục hành chính cần đẩy mạnh hơn nữa. Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội cho rằng, cắt giảm đầu tư công là hoàn toàn đúng nhưng không nên cắt giảm một cách đơn thuần về số lượng, trị giá, mà không xét đến hệ quả. Chính phủ cần tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng như điện, giao thông, đặc biệt là đầu tư cho nông thôn, nông dân. Chính sách tiền tệ thắt chặt là cần thiết nhưng phải linh hoạt, tránh để DN rơi vào tình trạng khốn đốn vì khó vay vốn như thời gian qua.

Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần sớm triển khai các biện pháp kích thích tiêu dùng, hỗ trợ thị trường nội địa, xem lại chính sách thuế. Các chỉ tiêu kinh tế nêu ra cần cân nhắc kỹ, để có tính khả thi cao. Đại diện Hiệp hội DN Australia tại Việt Nam góp ý, tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định và có thể tiên đoán được là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế thế giới đang suy giảm. Luật pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành cần được đưa ra đúng theo lịch trình và đảm bảo đủ lợi ích cho các nhà đầu tư như đã cam kết. Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam kiến nghị, Việt Nam nên đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá DN Nhà nước và công bố một lộ trình và thời gian biểu rõ ràng cho các đối tác chiến lược tiềm năng. Việc cổ phần hoá DN Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh của nền kinh tế cũng như trong việc ban hành và thực hiện tập quán quốc tế tốt nhất trong những lĩnh vực quan trọng như quản trị DN. Về phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ nên để cho khu vực tư nhân cùng tham gia. Ông Michel J. Pease, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, tham nhũng là một trong những thách thức lớn nhất cho sự tiến bộ của Việt Nam, do vậy, Chính phủ Việt Nam phải xem tham nhũng như một hiểm họa quốc gia và chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng.

Những cam kết từ phía Việt Nam nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường hiệu quả và năng động chỉ thực hiện được khi có sự tăng trưởng của khối các DN. Các DN đều tin tưởng rằng, nếu Việt Nam tiếp tục theo định hướng này thì triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 là rất khả quan, bất chấp những bất ổn của kinh tế toàn cầu./.

Thanh Vân (Báo TNVN)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất