Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 13/12/2008 15:56'(GMT+7)

80% hàng Việt Nam xuất sang Nhật được ưu đãi thuế 0%

- Sẽ có những sản phẩm nào của Việt Nam được áp dụng mức thuế 0%, thưa ông?

Có đến khoảng 80% ngành hàng được hưởng ưu đãi này, trong đó chủ yếu là công nghiệp. Cụ thể, từ ngày 1/12/2008, tất cả mặt hàng dệt may sẽ được hưởng mức thuế 0%. Về thủy sản, các loại tôm, cá đông lạnh cũng sẽ được áp thuế suất 0% trong thời gian 10 năm. Những sản phẩm nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới như: mãng cầu, măng cụt, chôm chôm… cũng được hưởng ưu đãi này.

- Làm thế nào để được hưởng mức thuế ưu đãi?

Thủ tục để được hưởng ưu đãi tương đối phức tạp. Mỗi mặt hàng có lộ trình giảm thuế riêng, không theo quy tắc nào cả. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm chắc các lộ trình để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Ngoài ra, xuất xứ hàng hóa cũng được Nhật Bản quan tâm. Để được hưởng ưu đãi, nguyên liệu dùng sản xuất hàng hóa phải có nguồn gốc trong nước, hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN, hoặc từ Nhật Bản.

letronglan.jpg
Ông Lê Trọng Lân

- Khi chưa có hiệp định thương mại ASEAN - Nhật Bản, hàng nông sản Việt Nam khi xuất sang Nhật Bản cũng đã được ưu đãi thuế. Vậy bây giờ sẽ được lợi gì từ hiệp định này?

Thuế suất không phải là rào cản lớn đối với hàng nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào Nhật Bản, mà quan trọng nhất là tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ trước đến nay, nông sản Việt Nam luôn bị phía đối tác chê vì không đạt. Như vậy, theo hiệp định AJCEP, một ủy ban gồm đại diện các nước trong khối ASEAN và Nhật Bản sẽ được lập ra để giải quyết vấn đề này. Hiệp định mới tiến bộ hơn những hiệp định mà ASEAN đã ký kết với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Riêng tại Việt Nam, Trung tâm Vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được thành lập, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, để kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

- Ông nhận định thế nào về tiềm năng của hiệp định AJCEP đối với hoạt động  xuất khẩu?

Tình hình kinh tế toàn cầu hiện còn khó khăn, nên khó có thể đoán trước được. Mức tiêu thụ hàng hóa của Nhật Bản đang suy giảm, khi kinh tế nước này suy thoái 0.4%. Hiệp định này không đơn thuần chỉ là đẩy mạnh xuất khẩu, mà còn tạo ra ưu thế cho chúng ta so với một số nước khác khi xuất hàng vào Nhật Bản.

Ngoài ra, do thị trường Nhật Bản yêu cầu cao, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được nâng cao khi làm ăn với đối tác này. Khi hàng xuất khẩu vào được Nhật Bản thì chúng ta có thể yên tâm đưa hàng vào các nước khác trên thế giới. Đó là mục tiêu chính.

- Nước nào trong khối ASEAN có lợi thế nhất, theo ông?

Sau khi hiệp định được ký kết, chúng ta phải cạnh tranh tương đối mạnh với Thái Lan trong lĩnh vực nông - lâm - thủy hải sản. Tuy nhiên nếu đánh giá một cách toàn diện về quyền lợi và lợi ích của các nước, Việt Nam là một trong những nước có lợi thế lớn nhất.

(Theo Tin tuc Online)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất