Thứ Sáu, 29/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 1/4/2010 21:44'(GMT+7)

Văn hoá tự ái

Khi nhà tài trợ là công ty dược

Bạn sẽ làm gì khi bạn vào một ngôi nhà, cho một cuộc gặp được hẹn trước, mà người tiếp bạn xuất hiện trong trang phục gần như trong suốt? Nhưng còn khó xử hơn, khi tình huống ấy được đặt trong một cuộc họp báo và chủ nhân của nó là một cô ca sĩ lần đầu tiên viết sách? “Sợi xích” nào đã níu chân khách lại: Cần trân trọng một tấm lòng với văn chương chăng, hay không thể bỏ qua cơ hội để có được một bài báo cùng những bức ảnh giật gân, cầm chắc thu hút hàng nghìn cú nhấp chuột?

Nhưng như thế ít ra còn được... “bổ mắt” (!), còn hơn là có những cuộc họp báo, nhà báo còn bất ngờ nhận được những món quà không... giống ai! Tại cuộc họp báo về đêm nhạc của một nhạc sĩ tên tuổi hồi đầu năm ngoái, cánh nhà báo Hà Nội đã nhận được một món quà phát kèm tài liệu: Một hộp thuốc Adagrin – một loại thuốc có tính năng tương tự... Viagra, khiến các nữ nhà báo (phần lớn phóng viên VHVN ở ta là nữ) được một phen... hết hồn.

Tại một cuộc họp báo khác, giới thiệu một cuộc thi do một tờ báo phía nam tổ chức, thì quà tặng lại là một túi thuốc các loại chữa bệnh ngoài da, trong đó có bệnh... giang mai. Nhận quà mà mừng mừng, tủi tủi. Không đành lòng giận BTC, các nhà báo đành tự an ủi nhau: Chỉ vì nhà tài trợ là... công ty dược!

Nhà báo Việt Nam dễ tính?

Có theo dõi quá trình “phôi thai và chào đời” của cuốn tiểu thuyết phòng the gây xôn xao “Sợi xích”, mới thấy nhà báo VN chăm tác nghiệp đến thế nào. Sách định viết: Phỏng vấn. Sách đang viết: Phỏng vấn. Sách lâu ra: Phỏng vấn. Sách (nghe nói) xong rồi nhưng chưa công bố: Phỏng vấn. Sách ra: Phỏng vấn. Sách bị ngừng phát hành: Lại phỏng vấn....

Có thể nói, văn đàn Việt chưa từng có một cuốn sách nào được dư luận quan tâm đến như vậy và chưa có cây bút viết văn tay trái nào lại được báo chí săn đón tận tình đến như vậy. Nhưng để tìm được một tiếng nói thẳng thắn bộc lộ thái độ như thế này thì thực sự là của hiếm: “Nếu ai đó gặp Lê Kiều Như cách đây khoảng 6 năm thì bây giờ chắc sẽ ngỡ ngàng vì sự tha hoá của nền công nghệ showbiz”.
 
Còn nữa thì phần lớn là “dọn cỗ” cho nhân vật được tùy thích phát ngôn gây sốc nhằm mua về sự chú ý, bất kể yêu hay ghét. Đất sống dồi dào như vậy, chả trách cây dại, cây hoang thi nhau mọc.

Nhà báo phật lòng trước nhà tổ chức, nghệ sĩ phiền lòng vì nhà báo – dễ thường đã là một chuyện “nuốt không trôi”, nhưng còn khó nuốt hơn là nỗi thất vọng của công chúng trước mối quan hệ cộng sinh giữa “nhà báo và nghệ sĩ”.     

Âu cũng là chuyện “chẳng đặng mà đừng”, khi nhà báo Lưu Minh Vũ mới đây đã phải buộc lên báo để nói lời đề nghị đầy bức xúc này, sau quá nhiều bài báo cố moi móc “chuyện tình tay ba” giữa bố, mẹ anh (nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và diễn viên điện ảnh Tố Uyên) và người anh gọi bằng “má” (nhà thơ Xuân Quỳnh): “Tôi xin đề nghị các đồng nghiệp của tôi: Không nên để mẹ tôi nói về Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, bởi vì không thể có người phụ nữ nào đủ cao thượng lại có thể ca ngợi tình yêu của người chồng cũ với một người phụ nữ khác. Nếu các bạn viết thì đó là một sai lầm nghiêm trọng, là sự xúc phạm không chỉ với những người đã nằm xuống dưới ba thước đất mà còn xúc phạm đến những người đang sống...”.

“Đã đến lúc cần “chuẩn hoá” lại khái niệm nhà báo, thay vì bị sử dụng tùy tiện như hiện nay!” – đạo diễn Lê Hoàng nói, khi giải thích vì sao anh đã buộc phải đề nghị: “Mong nhận được những câu hỏi sâu sắc” tại một cuộc họp báo mới đây.
 
“Quả thực là lúc đó tôi cảm thấy hơi bực, sau những câu hỏi ngây ngô của một số người mà tôi đoán chắc không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng bằng cách nào đó vẫn có mặt tại cuộc họp báo. Trong tình huống đó, tôi nghĩ là mình có quyền bộc lộ thái độ và tôi tin rằng, các nhà báo chuyên nghiệp sẽ không tự ái!” – đạo diễn Lê Hoàng, đồng thời là nhà báo Lê Thị Liên Hoan, góp chuyện./.

(Theo Lao Động online)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất