Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Thường trực, Trưởng Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo một số cơ quan thông tấn báo chí…
Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng; Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh, năm 2022, là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước có cả thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhưng với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động, đổi mới, sáng tạo, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, của Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021 và cấp ủy các cấp, toàn ngành Tuyên giáo đã triển khai, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, trong đó có một số nhiệm vụ, nổi bật so với năm 2021, đó là:
Một là, đã chủ động, tích cực triển khai xây dựng 22 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với khối lượng đề án lớn, khó, nhạy cảm, chưa có tiền lệ nhưng được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Hai là, đã tham mưu tổ chức tốt Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt văn kiện Hội nghị Trung ương 5, 6 khóa XIII, hình thức tổ chức có nhiều đổi mới từ công tác chuẩn bị tài liệu, phục vụ Hội nghị cho đến hình thức truyền đạt nghị quyết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; số lượng điểm cầu từng hội nghị lên tới gần 12 nghìn điểm, thành phần tham gia hội nghị được mở rộng lên tới gần 1.200 nghìn đại biểu dự, chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt.
Ba là, kịp thời hướng dẫn việc triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, mới, khó, nhạy cảm, phức tạp, như: đấu tranh, cảm hóa đối với những cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức bất mãn, cơ hội chính trị; Hướng dẫn tuyên truyền về cuộc xung đột Nga - Ucraine... không để khoảng trống cho các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; nội dung có nhiều đổi mới, tập trung vào xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…,
Bốn là, đã làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, thông tin đối ngoại, định hướng dư luận xã hội, báo chí - xuất bản, v.v… và tổ chức nhiều sự kiện lớn ấn tượng, nổi bật, so với năm 2021, như: 1) Tuyên truyền về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; 2) Chương trình “Khúc tráng ca hòa bình” tại 6 điểm cầu trong cả nước và Chương trình “Màu hoa đỏ” nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sỹ, các thương, bệnh binh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng; 3) Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng”; 4) Hội thảo Lý luận lần thứ 9 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; 5) Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn, ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo tiền bối, trong đó kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt,...
“Năm 2022, mặc dù bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, song Ngành Tuyên giáo đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ với nhiều thành tích ấn tượng, nổi bật. Đã thể hiện rõ vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” và là vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng; góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội; kinh tế phục hồi, phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường” – Đồng chí Lại Xuân Môn nêu rõ.
Từ những kết quả đã đạt được, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu trong công tác tuyên giáo là:
Một là, phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng.
Hai là, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sâu sát, năng động, sáng tạo, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới phương pháp, phong cách làm việc khoa học, phân công, phân cấp rõ người chịu trách nhiệm đến công việc cuối cùng.
Ba là, bám sát tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị, tập trung tháo gỡ và giải quyết dứt điểm nút thắt, điểm nghẽn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Bốn là, làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Năm là, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tuyên giáo thống nhất, liên thông, đồng bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận, phát biểu, tập trung nhấn mạnh và làm sâu sắc vào những nội dung sau: 1) Đánh giá kết quả dấu ấn nổi bật của ngành năm 2022 so với năm 2021; 2) Những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện của ngành; 3) Thêm, bớt nội dung đã nêu trong phương hướng, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; 4). Những đề xuất, kiến nghị.
Phương hướng hoạt động của ngành Tuyên giáo năm 2023 là:
Năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Vì vậy, ngành Tuyên giáo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung phương thức hoạt động, phương pháp làm việc; bám sát thực tiễn cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, nâng cao khả năng dự báo; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Phương châm, khẩu hiệu hành động năm 2023 là “Bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ”.
|
Thu Hằng