Ngày 19/12, tại Hà Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT thời kỳ mới”. Hội thảo diễn ra trong 1 ngày tại Khu du lịch Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).
Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình, VHNT Trung ương; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Hà Nam.
Dự hội thảo có đại diện một số ban, bộ, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, Liên hiệp các Hội VHNT, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương, đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ.
BÁM SÁT TINH THẦN, NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT 23, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VHNT NƯỚC NHÀ TRONG THỜI KỲ MỚI
Phát biểu chào mừng, đồng chị Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam giới thiệu những thành tựu, chính quyền của nhân dân Hà Nam thời gian qua. Theo đồng chí Lê Thị Thủy, cùng với phát triển kinh tế, Hà Nam còn phát triển văn hóa, con người. Đây là chìa khóa để Hà Nam phát triển vững mạnh hiện nay và thời gian tới. Hiện nay, Hà Nam đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và tự chủ ngân sách. Sự nghiệp văn hoá, VHNT đã đạt được nhiều kết quả; đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá, văn học - nghệ thuật có quy mô lớn ở cấp quốc gia và quốc tế...
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT thời kỳ mới” sắp tròn 15 năm đi vào cuộc sống. Việc Bộ Chính trị dành riêng một Nghị quyết rất quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển VHNT trước yêu cầu mới thể hiện mạnh mẽ sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với “lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế” của nền văn hóa nước nhà.
Việc tổ chức hội thảo lần này là bước chuẩn bị quan trọng, có tính tổng kết để tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, từ đó, nhìn nhận, đánh giá, góp phần bổ sung và hoàn thiện một bước đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển VHNT; việc thể chế hóa, cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước phát triển VHNT thời kỳ chấn hưng nền văn hóa dân tộc, đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện văn hóa số, văn nghệ số, truyền thông số, xã hội số và hội nhập sâu rộng, tích cực với thế giới.
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đề nghị, hội thảo bám thật sát tinh thần, nội dung của Nghị quyết 23-NQ/TW, nhất là phần mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp để xây dựng và phát triển VHNT nước nhà trong thời kỳ mới. Mặt khác, liên hệ, minh chứng sinh động, sâu sắc tình hình thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ở các ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Trong đó, về chủ trương và các giải pháp, hội thảo cần làm rõ và đầy đủ hơn việc nội dung trong Nghị quyết 23-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của VHNT về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”… “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam”.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, nhận rõ những ưu điểm, kết quả; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, các đại biểu đồng thời xác định nguyên nhân và bài học. Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất đột phá để phát triển VHNT nhiều năm tiếp theo được nêu trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11/2021.
THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ CHO VĂN HOÁ
Theo tham luận của Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, quá trình mở cửa nền kinh tế, sự lớn mạnh của nền kinh tế thị trường đã điều tiết hầu hết lĩnh vực, trong đó có văn học, nghệ thuật.
Các sản phẩm văn học, nghệ thuật đã được xem là một sản phẩm hàng hóa, chịu sự điều tiết và định hướng bởi quy luật của nền kinh tế thị trường như: Giá trị sử dụng; khả năng mang lại lợi nhuận; chịu tác động của quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá cả...
Khi kinh tế thị trường phát triển, Nhà nước sẽ có điều kiện để đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ tự do, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, kinh tế thị trường còn nâng cao vị thế của văn học, nghệ thuật, trở thành “xương sống”, là nguồn lực của các ngành công nghiệp văn hóa. Đồng chí Đoàn Xuân Bộ cho rằng nếu điện ảnh, âm nhạc mang lại doanh thu khổng lồ, thì một số ngành khác như văn học, nghệ thuật thị giác đóng góp doanh thu trực tiếp không nhiều nhưng lại cung cấp kịch bản văn học, hình tượng, cách diễn đạt cho công nghiệp văn hóa phát triển.
Một tác phẩm văn học thành công sẽ trở thành nguồn cảm hứng, tác động đến nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, đóng góp vào kinh tế quốc dân. Đồng thời, những thành tựu kinh tế này không tác động lớn đến môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên. “Sản phẩm văn học nghệ thuật trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc gia, trở thành 'sức mạnh mềm' ảnh hưởng lên toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa”, đồng chí Đoàn Xuân Bộ nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng văn học, nghệ thuật không đơn thuần là một lĩnh vực giải trí, mà có thể đóng góp vào kinh tế đất nước. “Theo thống kê, các sản phẩm văn hoá đem lại nguồn thu cho nước Mỹ nhiều hơn xuất khẩu vũ khí - vốn là thế mạnh của quốc gia này. Tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế sáng tạo luôn cao hơn 1,5 lần so với tốc độ trung bình của các quốc gia”, đồng chí Bùi Hoài Sơn chia sẻ trong tham luận của mình.
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đã nêu rõ “phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa” là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 có nêu: “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, ra đời trước Nghị quyết 33 sáu năm, cho nên việc chưa đề cập nhiều đến mối quan hệ tác động của kinh tế thị trường đến văn học nghệ thuật, chưa nhấn mạnh vai trò của văn học nghệ thuật đến việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là điều dễ hiểu. Vì vậy, nhân hội thảo khoa học toàn quốc nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ và nhiều đại biểu khác đã kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung, làm rõ vấn đề nêu trên.
Đầu tư cho văn học là một vấn đề được nhiều đại biểu bàn tới. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho rằng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ta đã phần nào nhận thức được việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ còn cho rằng cần xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền; cần có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, chữ viết và văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng mức đầu tư cho văn học hiện nay là chưa tương xứng. Đồng chí đưa ra ví dụ, một cuốn sách in ra 1.000 bản, không được quảng bá mạnh, dẫn đến bán chậm, tác động kinh tế chưa cao.
TIẾP TỤC CÓ NHỮNG QUYẾT SẠCH KỊP THỜI VÀ HIỆU QUẢ THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG CỦA VHNT
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
"Tôi hoan nghênh Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã lựa chọn chủ đề rất cần thiết này để tổ chức hội thảo. Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, anh chị em văn nghệ sĩ và đội ngũ cán bộ lãnh đạo tham mưu, quản lý cùng nhau bàn thảo, phân tích, tập trung đánh giá khách quan, khoa học và toàn diện thực trạng văn học, nghệ thuật thời gian qua. Từ đó, hội thảo chỉ ra những thành tựu, ưu điểm cùng những bất cập, hạn chế, yếu kém, nhận diện xu hướng phát triển trong thời gian tới", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Trên cơ sở này đề xuất những nội dung mới về chủ trương, giải pháp quan trọng, đột phá và khả thi để phát triển văn học, nghệ thuật từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những ý kiến tại diễn đàn này sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết, tham mưu cho Đảng, tiếp tục có những quyết sách kịp thời và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của văn học, nghệ thuật nước nhà thời kỳ mới", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, nhìn lại chặng đường 15 năm qua với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, lĩnh vực văn học nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Với những tác động của công cuộc đổi mới, của toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ 4.0 và cả đại dịch Covid-19, việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới cần được đánh giá lại.
Tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, các doanh nghiệp nên hướng tới tài trợ văn hóa nhiều hơn. Khi được hỗ trợ đầy đủ, văn hóa sẽ tác động lại, đem lại hiệu quả kinh tế. Các lĩnh vực văn học nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khơi dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng thẳng thắn nhìn nhận so với mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết, nền văn học nghệ thuật Việt Nam đến nay đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập.
Chế độ lương, nhuận bút và đãi ngộ tài năng cũng là một chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm. Trước ý kiến này, đồng chí nhấn mạnh đội ngũ văn nghệ sĩ có lẽ chưa được đầu tư đủ về mặt vật chất.
Giới văn nghệ sĩ được xem là một nguồn lực quan trọng để phát triển, là sức mạnh nội sinh trong công cuộc phát triển của đất nước. "Đội ngũ văn nghệ sĩ là lực lượng tiên phong bồi đắp, xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời đại mới... Để làm được điều này, cần có thể chế, chính sách cụ thể hóa, nếu không sẽ rất khó", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói.
"Qua nghe các ý kiến phát biểu và một số tham luận tại hội thảo tôi cảm nhận rõ tâm huyết, trách nhiệm và cả sự băn khoăn, lo lắng của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ đối với thực trạng tương lai của nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Đó là những tiếng nói cần được lắng nghe, chia sẻ, nghiên cứu thấu đáo và tiếp thu nghiêm túc. Vì sao những hạn chế, yếu kém kéo dài đã được chỉ ra nhưng vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản và triệt để. Các tác phẩm xuất hiện nhưng chất lượng chưa tương xứng với số lượng, còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật vẫn còn không ít hạn chế", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong bối cảnh tình hình mới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật.
"Trong thời gian tới tôi đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp nghiêm túc tổ chức tổng kết Nghị quyết nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng, vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Văn học nghệ thuật phải được xem là một nguồn lực quan trọng trong sự phát triển, đồng thời là sức mạnh nội sinh của công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc…", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý.
Buổi chiều các đại biểu tiếp tục tập trung phân tích, làm rõ mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp để xây dựng và phát triển VHNT nước nhà trong thời kỳ mới. Tạp chí Tuyên giáo sẽ tiếp tục thông tin về Hội thảo này.
Tin, ảnh: Nhật Minh