Cứ vào mùa mưa lũ, người dân tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, lại đối mặt với nỗi lo quen thuộc - ngập lụt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thường được nhắc đến như: Biến đổi khí hậu; tốc độ đô thị hóa quá nhanh; quy hoạch phát triển đô thị không hợp lý; giải pháp chống lụt kém hiệu quả; triều cường dâng cao…
Tuy nhiên, một nguyên nhân khác đang làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt nhưng lại ít được nhắc đến, đó là: Ý thức kém của nhiều người dân đô thị trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện đang tồn tại hơn 30 điểm ngập với thời gian ngập trung bình là 59 phút. Những ngày qua, nhiều con đường và dãy phố tại thành phố liên tục bị chìm trong biển nước, khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân do mưa lớn và triều cường dâng cao còn do tình trạng lấn chiếm kênh, rạch diễn ra khá phổ biến trong thời gian dài. Theo số liệu được đưa ra trong một hội thảo khoa học gần đây, quá trình đô thị hóa trong 14 năm qua tại thành phố đã dẫn tới sự biến mất của 47 con kênh với tổng diện tích 16,4 héc-ta. Nhiều vị trí thoát nước quan trọng trong hệ thống kênh rạch nội đô vẫn tồn tại các công trình nhà ở và địa điểm buôn bán kinh doanh trái phép. Tình trạng trên không những gây ô nhiễm cho hệ thống thoát nước mà còn làm nghẽn tắc dòng chảy mỗi khi có mưa lớn.
Ngoài ra, tình trạng xả rác bừa bãi, đặc biệt các chất thải rắn, trên hệ thống kênh, rạch, cống thoát nước trong nội đô vẫn thường xuyên diễn ra. Người dân sống ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tham Lương – Bến Cát, Bến Nghé - Tàu Hủ… không lạ gì với hình ảnh rác thải vẫn được lén lút đổ trực tiếp xuống hệ thống kênh. Nhiều tàu ghe hoạt động trên các kênh rạch cũng công khai xả rác xuống dòng nước. Mặt khác, hệ thống cống thoát nước tại các điểm ngập lụt cũng luôn bị nghẽn tắc do người dân xả rác bừa bãi. Rác thải ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thoát nước mưa và làm trầm trọng hơn tình trạng ngập lụt. Sau những trận mưa lớn hay triều cường dâng cao, nước ngập rất khó rút nhanh khi hệ thống kênh, rạch và cống thoát nước bị tắc do rác thải.
Các vi phạm diễn ra thường xuyên như vậy nhưng công tác xử phạt lại tỏ ra chậm chạp và yếu kém. Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2012, thành phố mới chỉ xử lý được 10 trong hàng chục vi phạm lấn chiếm dòng chảy. Trong khi đó, nhiều vị trí vi phạm mới vẫn tiếp tục phát sinh. Đối với tình trạng xả rác bừa bãi thì công tác xử phạt lại càng khó khăn vì các quy định, chế tài chưa được thực hiện nghiêm, trong khi, các lực lượng chức năng lại mỏng, không thể bao quát hết.
Để nâng cao ý thức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, chính quyền địa phương cần tuyên truyền nếp sống văn minh đô thị tại các khu dân cư sống ven và trên kênh, rạch. Khi môi trường được bảo vệ, hệ thống kênh, rạch, cống thoát nước được giữ gìn, thông thoáng sẽ góp phần làm giảm tình trạng ngập lụt hiện nay. Ngoài ra, thành phố cũng phải chú trọng đến các giải pháp khác như: Xây dựng hệ thống hành lang pháp lý liên quan đến thoát nước đô thị, xử phạt thật nghiêm vi phạm...
Trong khi chờ đợi các giải pháp chống ngập hiệp quả từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thì mỗi người dân nên chung tay bảo vệ môi trường, góp phần giảm bớt nỗi âu lo của chính mình mỗi khi mùa mưa tới./.
(Theo: Minh Duy/QĐND)