Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 15/6/2011 23:16'(GMT+7)

Ngập lụt Thủ đô - Bài toán chưa có lời giải

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Những năm gần đây, tình trạng ngập lụt ở thủ đô Hà Nội càng trở lên trầm trọng và thường xuyên đến mức lời một ca khúc về thủ đô đã bị chế thành “Hà Nội mùa này người đi bắt cá, phố vắng nước lên thành con sông”. Ai cũng nghĩ rằng một thủ đô vốn tự hào nghìn năm văn hiến thì đương nhiên phải có một hệ thống thoát nước hiện đại, đủ giải quyết nhanh chóng mọi trận mưa lớn nhỏ.

Thực tế đã có hàng nghìn tỉ đồng được bỏ ra để Hà Nội cải tạo, xây dựng mới hệ thống thoát nước nhưng hiệu quả đem lại không xứng tầm với số vốn đầu tư. Thậm chí, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội còn khẳng định dẫu có tiêu hết 550 triệu USD đầu tư cho dự án thoát nước ở thủ đô cả hai giai đoạn (dự kiến kết thúc vào năm 2013) thì Hà Nội cũng sẽ chẳng thoát ngập. Thế nên sau trận ngập lụt lịch sử năm 2008, không ít đại biểu Quốc hội đã bức xúc lên tiếng đề nghị Quốc hội phải giám sát việc bỏ vốn đầu tư cho các dự án thoát nước của Hà Nội. Rồi khi đến thăm một trạm bơm tiêu thoát nước của thủ đô, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đề nghị Hà Nội xem lại quy hoạch thoát lũ của mình.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập lụt như hiện nay, có thể nêu nên đây một vài lý giải:

- Các hệ thống thoát nước của thành phố không đảm bảo độ dốc cần thiết để đảm bảo việc thoát nước tự nhiên.

- Hệ thống thoát nước đô thị là hệ thống hai trong một, có nghĩa là hệ thống thoát nước chung cho nước mưa và nước thải. Hệ thống này dễ bị quá tải vào mùa mưa khi lượng mưa tăng cao. Do vậy dẫn đến hiện tượng tràn và gây ngập cục bộ.

- Bề mặt đô thị ngày càng bị bê tông hóa (vỉa hè, lối đi bộ, bãi đậu xe, các toà nhà cao tầng,…), giảm bề mặt thấm lọc tự nhiên (bãi cỏ, công viên, cây xanh,…). Vì vậy, khi có lượng mưa lớn cùng với việc quá tải của hệ thống cống thì việc gây ngập lụt là tất yếu.

- Khi mưa lớn và gây tràn thì không có nơi lưu chứa (lưu giữ) tạm thời trước khi được chuyển tải đến nơi tiếp nhận vì các khu vực trũng thấp (ao hồ tự nhiên) của thành phố bị san lấp cho mục đích nhà ở.

- Công tác quy hoạch đô thị của thành phố thường chạy theo sau việc đô thị hoá tự phát. Khi các khu dân cư hình thành một cách tự phát thì nhà nước mới nghĩ đến việc qui hoạch. Do tự hình thành nên các khu dân cư này lại thiếu hạ tầng cơ sở cho việc cấp - thoát nước, nước thải hoặc nước mưa được chảy tràn tự nhiên hoặc đổ ra các vùng trũng thấp.

- Công tác duy tu hệ thống thoát nước chỉ mang tính đối phó, không được xây dựng trên nguyên tắc quản lý đô thị. Tắc nghẽn đến đâu thì nạo vét đến đó và việc khắc phục chỉ mang tính cục bộ từng khu vực tại những thời điểm nhất định.

- Thành phố chưa quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của hệ thống thoát nước đô thị. Việc giải quyết ngập lụt được xem như là công việc kiêm nhiệm của Sở giao thông công chính - một cơ quan luôn luôn đối phó với những vấn đề đô thị nan giải nhất của thành phố hiện nay như giao thông, cấp - thoát nước.

- Ngân sách cho việc thiết kế và bảo trì hệ thống thoát nước đô thị không tương xứng với mức độ đầu tư cho hệ thống cấp nước, trong khi cấp nước và thoát nước là hai yếu tố quan trọng như nhau. Đây chỉ là hệ quả của việc chưa xác định đúng trọng tâm của vấn đề cần ưu tiên.

- Từ đầu năm đến nay, có thêm lý do mới là hiệu ứng 1.000 năm Thăng Long khiến Hà Nội biến thành một đại công trường với rất nhiều tuyến đường, tuyến phố bị xới tung lên để chỉnh trang, làm cho hệ thống thoát nước bị thu hẹp đáng kể.

Một số giải pháp cho việc giải quyết tình trạng ngập lụt thủ đô:

- Việc quy hoạch đô thị ở thủ đô là một bài toán khó đòi hỏi phải có tầm nhìn lâu dài. Quá trình xây dựng cần dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững. Các giai đoạn xây dựng và phát triển cần tuân theo các nguyên tắc tạo thành tổng thể.

- Thay đổi về mặt nhận thức: phát triển và đô thị hoá không đồng nghĩa với việc bê tông hoá đô thị. Cần đảm bảo mức độ tương xứng giữa tỷ lệ mảng xanh (cây xanh, khong gian mở) và mảng xám (công trình xây dựng).

- Các yếu tố về môi trường đô thị: hoạt động công nghiệp - thương mại và dịch vụ cần phải được gắn kết có hệ thống trong bức tranh tổng thể đó.

- Điều chỉnh chính sách sử dụng đất đô thị. Xác định đúng đắn, hợp lý các mục đích sử dụng đất đô thị. Các khu vực được qui hoạch là khu dân cư, công trình công cộng đều phải được giám sát chặt chẽ.

Có thể nói rằng, lời giải cho bài toán thoát nước đô thị nằm ở các giải pháp qui hoạch đô thị. Ngay từ bây giờ, cho dù là đã trễ, thành phố nên tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề sau:

- Khôi phục lại các khu vực trũng thấp, ao hồ tự nhiên trong đô thị, giải pháp này sẽ mang lại những lợi ích lâu dài như sau:

+ Các ao hồ sẽ đóng vai trò là các nơi lưu chứa nước mưa (trước khi được thoát ra sông/biển) nhằm giảm nguy cơ gây ngập lụt vào mùa mưa.

+ Các khu vực này sẽ đóng vai trò như là các không gian mở và vùng đệm trong đô thị nhằm cải thiện điều kiện vi khí hậu, đồng thời cải thiện môi trường cảnh quan đô thị không bị ngột ngạt bởi những toà nhà và các công trình bê tông.

- Gắn kết các dự án hiện hữu về cải thiện hệ thống sông ngòi thủ đô trong công tác qui hoạch, giải quyết ngập lụt và cảnh quan đô thị. Không dùng các hệ thống sông ngòi cho mục đích chuyển tải nước thải sinh hoạt mà nên dùng cho mục đích chứa nước mưa nhằm cải thiện cảnh quan đô thị.

- Cần kiên quyết thực hiện các phương án về quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước cho thành phố. Các hệ thống thoát nước đô thị nên được thiết kế theo lượng mưa với tần suất ít nhất là 5-10 năm.

- Sử dụng đúng mục đích của phí thoát nước thải đô thị cho việc tái đầu tư và xây dựng nhân sự - thiết bị cho công tác bảo trì và duy tu.

- Phân quyền về chức năng hoạt động của Sở giao thông công chính Hà Nội, chức năng về thoát nước nên được tách biệt và do một đơn vị độc lập chịu trách nhiệm đáp ứng dịch vụ này cho đô thị. Đơn vị độc lập này có thể là của nhà nước có đối tác tư nhân để người dân giám sát (thông qua các đại biểu Hội đồng Nhân dân ở các quận huyện). Giải pháp này có thể giảm nhẹ khối lượng công việc của Sở giao thông công chính trong khi phải đối mặt với nhiều vấn nạn khác đầy thách thức của một thủ đô rộng lớn như Hà Nội ngày nay.

- Khuyến khích tư nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thoát nước nhằm cung cấp dịch vụ thoát nước. Hoạt động của đơn vị này được dựa vào phí đóng phí nước thải của người dân đô thị. Nhà nước đóng vai trò kiểm soát và quản lý thông qua các qui định và chính sách. Như vậy nhà nước vừa có thể “liên doanh” với tư nhân với tư cách là đối tác vừa là người hỗ trợ thông qua việc xác lập các chủ trương và chính sách.

- Khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc giám sát công tác quản lý và giải quyết ngập lụt. Mục đích tham gia của cộng đồng không phải kiện cáo, chỉ trích cơ quan nhà nước, mà hãy cùng cơ quan nhà nước xác định đúng nguyên nhân và tìm giải pháp hợp lý.

Đối với các khu đô thị mới được qui hoạch cần phải ưu tiên thiết kế 2 hệ thống thoát nước mưa và nước thải tách biệt. Giải pháp này đòi hỏi chi phí cao trong đầu tư ban đầu nhưng đạt được những lơi ích lâu dài như sau:

- Có thể thu gom riêng nước mưa cho các mục đích sử dụng khác không đòi hỏi yêu cầu chất lượng nước cao như tưới cây đường phố, tưới công viên, vệ sinh đường phố, bổ sung nguồn nước ngầm, làm vòi phun nước nhân tạo tại các khu vui chơi công cộng. Giải pháp này sẽ có ý nghĩa hơn khi thành phố ngày càng bị áp lực thiếu nước cấp cho sinh hoạt và tài nguyên nước đang dần bị cạn kiệt.

- Khi nước mưa được thu gom và tách riêng thì khả năng gây ngập lụt sẽ được giải quyết đồng thời không gây ô nhiễm cho nguồn tiếp nhận (kênh rạch, ao hồ) do nước mưa chảy tràn cuốn theo chất ô nhiễm từ khu vực chợ, đường phố, bãi đậu xe...

Về lâu dài, Thành phố Hà Nội nên tham gia vào tổ chức các thành phố bền vững do Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương thành lập (PECC- Pacific Economic Cooperation Council). Hội đồng này đã tổ chức nhiều hội thảo (2 năm một lần) về các dịch vụ đô thị tại các thành phố của các nước đang phát triển như: Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), Shanghai (Trung Quốc), Hồng Kông, Suva (Fiji), Adelaide (Úc), Mexico Valley (Mexico)… các vấn đề đô thị được tổ chức này quan tâm chủ yếu là dịch vụ cấp nước, thoát nước, giao thông bền vững đô thị.

1.000 năm trước, khi quyết định dời đô, một trong những lý do mà vua Lý Thái Tổ viết trong Chiếu dời đô là Đại La có “địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”. 1.000 năm sau, cư dân thủ đô sống trong nỗi phấp phỏng về nguy cơ “hễ mưa là ngập”. Buồn vì ngập lụt ở khu nội thành đã đành, càng buồn hơn khi cả những khu đô thị mới, hiện đại và văn minh được thành phố quy hoạch, xây dựng về sau này cũng không thoát khỏi cảnh bì bõm mỗi khi trời mưa. Bài toán “ngập lụt” sẽ khó có lời giải, nếu thành phố vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước không đồng bộ với quy hoạch./.

ThS. BS. Hoàng Trung Kiên
Phòng Khoa giáo - Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất