Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 14/6/2011 16:19'(GMT+7)

Ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi: Bám biển bảo vệ chủ quyền

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn ra khơi

Tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, 5 năm trở lại đây, nghề câu mực khơi phát triển mạnh, trở thành nghề khai thác hải sản chủ lực của địa phương. Nếu tính từ năm 1990, ngư dân Núi Thành hành nghề câu mực khơi chủ yếu với tàu có công suất lớn nhất cũng chỉ 66CV, sức chở không quá 12 thúng câu thì đến nay, huyện đã vươn lên trở thành địa phương có nghề câu mực khơi phát triển mạnh nhất tỉnh với đội tàu trên 100 chiếc, chiếm trên 90% số tàu câu mực của tỉnh, tổng công suất trên 15.000CV, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và đem lại thu nhập tiền tỉ cho mỗi tàu.

Được sự trợ giúp của chính quyền, bà con ngư dân ở các xã Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang... mạnh dạn nâng công suất hay đóng mới tàu có công suất trên 90CV để vươn khơi. Còn hơn thế nữa, bởi theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, Núi Thành có đến 50 tàu có công suất từ 150 - 420CV. Nếu như trước đây tàu nhỏ, thời gian đi biển dưới 1 tháng thì nay có thể đánh bắt trên biển 2 tháng. Thời gian bám biển của ngư dân dài ra trong mỗi chuyến đi và đã đem lại hiệu quả rất lớn.

Còn tại Quảng Ngãi nghề câu mực khơi cũng đang trên đà phát triển mạnh. Tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, những chuyến ra khơi vài tháng lại đây nhiều tàu trúng đậm mùa mực khơi, trung bình mỗi tàu thuyền khai thác trên 30 tấn mực khô, có tàu đạt trên 35 tấn, thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/người/chuyến biển.

Quyết tâm bám biển

Nghề câu mực khơi thật sự đã đem lại nguồn lợi lớn cho ngư dân. Nhờ tàu có công suất lớn, thời gian đánh bắt trên biển kéo dài và được trang bị các phương tiện hiện đại nên ngư dân hành nghề câu mực khơi ở Núi Thành thường trúng đậm. Như vụ cá nam năm 2011, Núi Thành có 36 tàu câu mực vươn khơi đánh bắt. Trong đó, tàu QNa-91035 TS của ông Phạm Bé, ở xã Tam Giang đánh bắt được 8,3 tấn mực khô, doanh thu 790 triệu đồng và tàu ông Hồ Tuấn Kha, ở xã Tam Hải khai thác 6,5 tấn, doanh thu 620 triệu đồng...

Còn ở Quảng Ngãi, tàu QNg 95474 công suất 125 CV của anh Nguyễn Đức Hà có những chuyến tàu khai thác trên 32 tấn, bán được hơn 1 tỷ đồng. Riêng ở xã Bình Chánh, từ năm 2005 trở lại đây mỗi năm ngư dân trong xã khai thác từ 3.500 tấn đến 3.900 tấn hải sản. Riêng 9 tháng năm 2010 khai thác 3.400 tấn, trong đó có 3.000 tấn mực khô. Nếu trong tổng số 1.014 hộ gia đình được công nhận là sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương thì có đến 379 hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; có không ít hộ làm nghề mực khơi dôi dư 50-100 triệu đồng/năm.

Ngư dân Nguyễn Hợi ở Núi Thành cho rằng: "Hành nghề mực khơi đem lại hiệu quả cao nên bà con quyết tâm bám biển. Hơn nữa sự hiện diện của ngư dân trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa cũng là bảo vệ vùng biển chủ quyền Tổ quốc. Ngày nay đánh bắt mực khơi cho hiệu quả cao chính là nhờ ngư dân đã được chính quyền động viên và có những hỗ trợ rất cụ thể, như hỗ trợ tiền đóng tàu hay vay vốn và nhiều hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, các tàu đều được trang bị máy thông tin tầm xa (ICOM), máy thông tin tầm gần trên các thúng câu để liên lạc thường xuyên với nhau và liên lạc với đất liền. Nhờ có hệ thống máy thông tin hiện đại mà công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển được thuận lợi, góp phần hạn chế thấp nhất những rủi ro... Chính nhưng điều đó ngư dân càng an tâm bám biển”.

TẤN THÀNH/Đại đoàn kết

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất