Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 17/5/2011 21:45'(GMT+7)

Ngày bầu cử phải thực sự là ngày hội

 Chúng tôi trao đổi với ông về những điều tâm huyết của ông với hoạt động của Quốc hội và Ngày bầu cử.

Thưa ông, trong chặng đường 20 năm gắn bó với hoạt động của Quốc hội, điều gì ông tâm đắc nhất?

Năm 1987 tôi về công tác ở Quốc hội, tham gia Quốc hội từ khóa 8.Từ chỗ hiểu biết ít, bỡ ngỡ, hiểu về pháp luật cũng không phải nhiều lắm vì tôi học ngành kỹ thuật, nhưng bằng thực tiễn cuộc sống đã có, bằng những trải nghiệm vào công tác Quốc hội, tôi chuyên tâm nghiên cứu học hỏi, học những người đi trước, học những người đang ở cương vị lãnh đạo, học cả anh em chuyên môn, kể cả cấp dưới của mình. Điều đầu tiên tôi rút ra là: một đất nước phải có một thể chế chính trị mạch lạc, rõ ràng. Trong hệ thống chính trị đó, một điều không thể thiếu được là một nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật để điều hành đất nước.

Tinh thần dân chủ được thể hiện rõ ràng từ dấu mốc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội lần đầu tiên năm 1946 và tiếp nối trong 12 khóa Quốc hội vừa qua, phải không thưa ông?

Tôi nghiên cứu rất sâu về cuộc tổng tuyển cử bầu đại biểu quốc hội của chúng ta lần đầu tiên năm 6/1/1946. Càng nghiên cứu sâu bao nhiêu càng rút ra nhiều bài học sâu sắc bấy nhiêu. Đất nước mới được độc lập, khó khăn muôn vàn nhưng với tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng dân chủ, tin vào dân dựa vào dân thì cuộc bầu cử đó đã thành công rất tốt đẹp về dân chủ, phương thức vận động tranh cử, về số lượng ứng cử viên.

Tôi nói ví dụ như là đơn vị bầu cử ở HN chẳng hạn, khi đó có tới 74 người tham gia ứng cử mà bầu có 6 đại biểu thôi. Cuối cùng 6 người trúng cử lại tập trung số phiếu rất cao.

Thế rồi phương thức hoạt động của Quốc hội ngày ấy là một đặc thù rất VN vừa là sáng tạo, có lẽ chỉ có HCM mới làm được việc đó. Trong lúc đất nước khó khăn, các đảng phái chống đối nhưng mà Bác đã bàn với Quốc hội, thuyết phục Quốc hội để để Quốc hội đồng ý rằng ngoài các đại biểu chính thức còn cần 70 cái ghế đưa vào quốc hội, bởi vì cái cần nhất lúc đó là đoàn kết mọi lược lượng, đoàn kết toàn dân để mà bảo vệ Tổ quốc. Cho nên dù họ có thể là đảng phái đối lập, khác chứng kiến nhưng có thể mở rộng vòng tay, kéo họ về với mình. Cho nên lúc đó chúng ta có quốc hội mới. Khi đi vào hoạt động thì cũng rất tôn trọng nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, từ việc bầu chủ tịch nhà nước, bầu các cơ quan và đến việc chuẩn bị lập ban soạn thảo Hiến pháp rồi thông qua Hiến pháp mới. Tôi cho là những bài học đó đến hôm nay chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu, học hỏi.

Thưa ông, Quốc hội là cơ quan lập pháp, nhưng cần làm gì để những điều luật ban ra không xa rời đời sống?

Trước hết là dù là lập pháp, dù là lĩnh vực gì thì phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, xuất phát từ tâm nguyện của người dân, phải hiểu người dân. Cuộc sống đặt ra vấn đề gì thì chúng ta phải quan tâm giải quyết vấn đề đó. Phải luôn xác định là đầy tớ của dân, hiểu lòng dân ở mức tối đa thì khi đó chúng ta mới bắt đầu xây dựng đường lối, chính sách và từ đó chúng ta xây dựng luật pháp. Tôi cho đó là bài học rất lớn để chúng ta rút ra.

Thưa ông, trong các cuộc bầu cử Quốc hội, người ta thường hay nêu ra sự khó đồng nhất giữa cơ cấu và tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Lâu nay người ta thường nói như thế và trước đây tôi cũng nghĩ là như thế. Càng suy nghĩ và thấy là cách nêu vấn đề chưa chuẩn lắm. Nhận thức của tôi là tiêu chuẩn và cơ cấu là cái gì đó hòa quyện với nhau, nó nhuyễn vào nhau để nó tạo nên một chất liệu mới cho cơ quan dân cử. Đã tham gia vào ứng cử đại biểu quốc hội hoặc trở thành đại biểu quốc hội cũng như là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì đương nhiên phải đảm bảo tiêu chuẩn. Nhưng tiêu chuẩn cao nhất là đức và tài. Nhưng mà chúng ta đặc thù là có 54 dân tộc, đất nước trải dài như thế và mỗi địa phương phải có người đại diện cho mình, cho nên lấy tiêu chuẩn là quan trọng nhất là đúng nhưng không thể tách rời cơ cấu. Cơ cấu đảm bảo tỉ lệ nữ. Tôi nghĩ đối với chị em nữ chúng ta cần tạo điều kiện cho họ có môi trường tham gia nhiều hơn.

Ý kiến của ông về số lượng đại biểu Quốc hội trẻ? Có nên qui định tỷ lệ đại biểu trẻ trong Quốc hội hay không?

Đại biểu quốc hội trẻ là cần thiết và chiếm 1 tỉ lệ hợp lý. Nhưng tỉ lệ là bao nhiêu thì cũng cần đưa ra hợp lý. Khi chúng tôi làm thì thấy đại biểu trẻ (dưới 30) đếm trên đầu ngón tay. Khi mở rộng tham đại biểu trẻ từ 35-40 thì cũng là 1 khái niệm. 40 tuổi cũng là trẻ nhưng nói là trung niên cũng đượcc. Đúng là phải có đại biểu trẻ, có thể 25 tuổi, theo quy định là 21 tuổi là đã được đại biểu quốc hội. Đại biểu quốc hội rất trẻ của chúng ta là nhà văn Nguyễn Đình Thi khóa 1, lúc đó 21 tuổi mà lại rất sắc sảo, có nhiều đóng góp. Nên có nhiều đại biểu trẻ, 25,27...còn tỉ lệ bao nhiêu theo tôi cũng là tương đối thôi nhưng quan trọng nhất là phần tranh cử. Lâu nay chúng ta hơi chọn theo kiểu hành chính nên chưa thể chọn được người sắc sảo, tài giỏi nhất. Nếu đặt vấn đề chung cho cả tỉnh, lấy tất cả nữ giỏi nhất ở các trường, trẻ tuổi, nữ là cán bộ đoàn, nữ là dân tộc.... thì sẽ chọn được 30-50 người thậm chí nhiều hơn, nhưng tất nhiên công phu hơn. Rồi có cuộc thi bắt đầu từ cơ sở, nói là thi nhưng là tranh cử đấy, ví dụ trong khối trường cấp 1,2,3 chọn được 20 nữ giáo viên ở độ tuổi 21-40. Đặt vấn đề là nếu là ứng cử đại biểu quốc hội thì chương trình hành động của chị là gì? Chị mong muốn gì? Chị diễn thuyết đi, cử tri chất vấn chị, rồi giữa các chị cũng có thể tranh luận. Trong số đó chọn ra 5 người thì tôi tin những người đó đến quốc hội họ dám nói, chứ không ngồi yên như vừa qua đâu. Như vậy tiêu chuẩn và cơ cấu nhuyễn vào nhau hay lắm, nhưng đây là trong nhận thức cách làm của chúng ta thôi...đấy là vấn đề nhận thức mới.

Nhiều cử tri còn băn khoăn về việc ngay trong quá trình tiếp xúc cử tri chúng ta chưa tạo điều kiện để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội thể hiện tốt nhất năng lực của mình?

Theo tôi tỉ lệ tiếp xúc của người ứng cử với cử tri phải nhiều hơn, không gian tiếp xúc  và buổi tiếp xúc nhiều hơn. Một buổi có thể tiếp xúc trăm người, nghìn người.
Thứ hai là phải cho giữa các ứng cử viên tranh luận với nhau, tranh cử nhau. Cử tri không được tiếp xúc, nên có hiện tượng về nhà bàn bạc với nhau rồi ra bầu thôi. Như vậy làm sao mà tạo sự quan tâm, chú ý của cử tri, làm sao tạo sự cọ sát giữa các ứng cử viên.  Nhưng mà nếu có sự tranh luận, cọ xát, mỗi người ứng cử phải trở thành diễn giả, thành người hùng biện (theo nghĩa tốt đẹp nhất) thì như vậy ra quốc hội họ mới có khả năng tranh luận, phát biểu, đưa ý kiến.

Vấn đề thứ 2 là cần chú ý tới đổi mới phương thức sinh hoạt ở Quốc hội. Quốc hội của chúng ta họp từng ấy ngày và tất cả các đại biểu quốc hội phải có mặt. Ở một số nghị viện ở các nước họp nhiều hơn nhưng không phải lúc nào nghị sĩ cũng phải có mặt ở hội trường, mỗi nghị sĩ có 1 phòng riêng những buổi thảo luận không liên quan tới họ thì họ có thể ở phòng nghe hoặc đi tiếp xúc... rất linh hoạt.

Theo ông, hoạt động của Quốc hội cần đổi mới như thế nào để ngày càng mạnh hơn, để phát huy sức mạnh là "cơ quan quyền lực cao nhất"?

Trong hiến pháp có ghi "Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có vị trí vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước". Cho nên Quốc hội hoạt động tốt bao nhiêu, làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình bao nhiêu thì tốt cho đất nước bấy nhiêu. Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta phải quan tâm đến xây dựng QH của chúng ta mạnh, hoạt động có chất lượng, vì nước, vì dân.

Trong 20 năm công tác của QH tôi thấy rõ điều đó. QH của chúng ta làm được rất nhiều việc, nhiều thành tựu, được nhân dân đồng tình, nhưng nhân dân chưa thoả mãn, chưa hài lòng, vì nhiều việc QH chưa làm được. Những việc chưa làm được có nhiều nguyên nhân: Thứ nhất là chất lượng của đại biểu QH, điều kiện hoạt động của đại biểu QH. Để nâng cao chất lượng đại biểu QH thì phải tạo điều kiện cho họ tranh cử tốt hơn, chọn những người vào QH là những người có đạo đức tốt, trình độ năng lực khá, am hiểu lĩnh vực của mình và hiểu biết chung về xã hội. Là những người có chính kiến, có cái tâm, cái đức và dám nói chính kiến của mình ra một cách xây dựng, chân thành. Đúng là có các đại biểu QH ít nói, không nói, vậy thì vào QH làm gì? Người điều hành lại dành cho một số đại biểu nhiều quá. Theo tôi phải có sự công bằng hơn, phải tạo điều kiện cho nhiều đại biểu được nói.

Một vấn đề là phải tạo điều kiện cho đại biểu QH nhiều hơn. Như các nước đương nhiên mỗi đại biểu QH họ phải có một thư ký hoặc nhóm thư ký. Chúng ta không có. Mấy khóa gần đây thì mỗi một đoàn đại biểu có một văn phòng. Mà văn phòng bây giờ nhập chung với HĐND rồi. Theo tôi nên để riêng văn phòng của đoàn đại biểu QH, theo tính chất riêng, có chức năng, nhiệm vụ riêng của đoàn đại biểu QH thì tốt hơn, giúp trực tiếp cho đại biểu QH hơn. Đây không phải là vấn đề quyền lợi theo một nghĩa nào đó như là hưởng lợi đâu mà là điều kiện cho đại biểu QH làm việc được nhiều hơn.

Theo ông, thì chúng ta nên cố định ngày bầu cử Quốc hội vào một ngày nào đó chứ không nhất thiết là vào ngày Chủ nhật như hiện nay?

Nguyện vọng của tôi nên sửa luật bầu cử lấy ngày 19/5 là ngày bầu cử, chứ không phải là chủ nhật, vì Bác Hồ đối với nhân dân ta thiêng liêng lắm. Cứ nghĩ tới Bác, kính yêu Bác, thương yêu Bác nghĩ là đất nước này, sự nghiệp này HCM đã gây dựng lên thì chúng ta phải nối tiếp, đi theo con đường đó . Nếu chúng ta cứ lấy ngày 19/5, ngày sinh nhật Bác là ngày bầu cử thì thật là tuyệt vời.

Đất nước ta có một số ngày lễ, Tết quan trọng như Quốc khách, Tết Âm lịch, Tết Dương lịch, 30-4, 1/5, rồi thêm Giỗ tổ Hùng Vương, nó đi vào máu thịt của chúng ta. Ngày 19-5-ngày Sinh nhật Bác là một ngày thiêng liêng. Ngày sinh nhật Bác đã đi vào lòng dân rồi. Trước đây, chúng ta chưa có ngày Quốc tổ, nhưng qua đấu tranh thảo luận thì đã đưa vào trong luật là ngày 10-3 âm lịch là ngày Quốc lễ. Nhân dân rất hồ hởi, phấn khởi, giá trị tinh thần là vô giá, giá trị vật chất không bù đắp lại được đâu. Nhưng khi đó, lòng yêu Tổ quốc, đại đoàn kết toàn dân, đồng bào ngoài nước, trong nươc cùng nhau vun đắp cho dân tộc. Chúng ta có quyền nghĩ tới ngày 19/5 là một ngày hội thường xuyên có được không? Theo tôi cứ 5 năm một lần, chúng ta tổ chức bầu cử đúng vào ngày 19/5. Một ngày nghỉ, chuyện đó theo tôi không mất mát, thiệt thòi bao nhiêu, mà giá trị tinh thần mang lại cho cuộc sống hơn vật chất đó rất nhiều. Ngày bầu cử lại trùng vào ngày sinh nhật Bác thì lại càng rộn ràng.

Ông có mong muốn gì ở các đại biểu Quốc hội khóa tới?

Tôi mong mỗi đại biểu QH thực hiện chức trách của mình theo qui định của hiến pháp và pháp luật. Thứ hai là cứ làm theo lời dạy của Bác Hồ là công bộc của dân, đầy tớ của dân, đừng có vô cảm, nghe dân, rồi góp sức với các cơ quan Trung ương, (nhưng không chỉ là mang ý kiến của cử tri là kiến nghị và phê phán, mà quan trọng hơn hiến kế cho việc sửa chữa như thế nào). Ở chúng ta cái đó còn rất thiếu.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Ông Vũ Mão, sinh ngày 19 tháng 12 năm 1939 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông tham gia Quốc hội từ năm 1987, từng giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ năm 1992 đến năm 2002, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội từ năm 2002 đến năm 2007. Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 5,6,7,8,9 (từ năm 1982 đến năm 2006), Ủy viên Ủy ban Thường vụ quốc hội các khóa 9, 10, 11.

 

- Mai Hồng t/hiện -



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất