Hôm nay (11/2) là ngày đầu tiên thực hiện việc chuyển đổi mã vùng điện
thoại mới tại 13 tỉnh thành phố bao gồm Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện
Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà
Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tổng công ty Viễn thông Việt Nam VNPT và 90% khách hàng đã tiến hành các
phương án kỹ thuật được chuẩn bị, triển khai nhanh chóng, kỹ lưỡng do
đó quá trình chuyển đổi đã hoàn thành trước thời gian dự kiến, cơ bản
không ảnh hưởng đến dịch vụ của khách hàng.
Vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 11/2, VNPT là doanh nghiệp đầu tiên hoàn tất
việc đổi mã vùng. Các cuộc gọi kiểm tra từ di động tới cố định theo mã
vùng mới đều đã thực hiện bình thường.
Theo ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, do có nhiều
loại hình thuê bao cố định (thông thường, IMS, Gphone, VSAT) nên việc
đổi số không chỉ thực hiện tại mỗi trụ sở của VNPT-Net mà cả 63 chi
nhánh của VNPT tại 63 tỉnh thành trên cả nước cũng đang trực để khai báo
và cập nhật mã vùng mới.
Dù các cuộc gọi thử nghiệm đã thông suốt song thực hiện đúng chỉ đạo là
không được chủ quan, các cán bộ kỹ thuật của VNPT tiếp tục thực hiện các
cuộc gọi thử nghiệm liên tục tới tất cả các tỉnh, trên tất cả các loại
hình thuê bao cố định, với tất cả đối tác để đảm bảo sẽ không ảnh hưởng
tới khách hàng.
Ông Nguyễn Nho Túy, Phó Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng là
một trong 13 tỉnh thành đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi mã
vùng.
Tổng Công ty Hạ tầng mạng VNPT-Net đã hoàn tất công tác chuẩn bị việc
đổi mã vùng thuê bao cố định. Việc chuyển đổi mã vùng sẽ được tiến hành
trong khoảng 2 giờ vào ban đêm để giảm thiểu ảnh hưởng đến khách hàng.
VNPT Đà Nẵng hiện có khoảng 75.000 thuê bao cố định đang hoạt động ổn
định, chủ yếu là số giao dịch của các cơ quan, văn phòng, công ty, hộ
gia đình…
Với việc chủ động chuẩn bị sớm, đến 22 giờ ngày 10/1/2017, toàn bộ hệ
thống của Viễn thông Đà Nẵng đã thực hiện thành công việc chuyển đổi mã
vùng điện thoại.
Sau khi hoàn tất chuyển đổi, Viễn thông Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra
tất cả các cuộc gọi kết nối đến các mạng di động, đến các hệ thống tổng
đài hỗ trợ khách hàng.
Các hệ thống có liên quan đến cơ sở dữ liệu của khách hàng, cơ sở dữ
liệu tính cước cũng được triển khai đồng bộ, đảm bảo an toàn hệ thống.
Để hỗ trợ khách hàng tối đa, VNPT Đà Nẵng đã thông báo trên các phương
tiện truyền thông và các đầu mối chăm sóc khách hàng; đồng thời xây dựng
các ứng dụng hỗ trợ khách hàng nhận biết mã vùng.
Trung tâm Thông tin Dịch vụ công thành phố Đà Nẵng đã thực hiện 20.000
tin nhắn tuyên truyền về chuyển đổi mã vùng điện thoại; thiết lập đường
dây nóng hỗ trợ thông tin, giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp
trên Tổng đài Dịch vụ công 1022.
Trong sáng ngày đầu tiên đổi số, Tổng đài dịch vụ công Đà Nẵng đã gửi
tin nhắn đến tất cả các thuê bao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thông
báo việc thay đối mã vùng điện thoại cố định trên địa bàn Đà Nẵng từ mã
vùng cũ 511 sang mã vùng mới 236.
Bên cạnh đó, Viễn thông Đà Nẵng bố trí đội ngũ kỹ sư thường trực theo
dõi, xử lý phát sinh, hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là rà soát các kết nối
với các doanh nghiệp viễn thông khác để hoàn thiện việc chuyển đổi theo
kế hoạch đề ra.
Chị Đặng Ngọc Hà (nhân viên văn phòng, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng)
cho biết số cố định thường được sử dụng làm số lễ tân ở các văn phòng,
công ty.
Hôm nay thứ Bảy, phần lớn mọi người được nghỉ làm nên chưa thấy có vấn
đề gì. Đến thứ 2, bắt đầu tuần mới, có thể sẽ phát sinh nhiều cuộc gọi
hơn.
Anh Nguyễn Đức Thuận, cán bộ Đoàn thanh niên Tỉnh đoàn Lai Châu cho
biết: "Tôi đã nghe đầy đủ thông tin về lộ trình đổi số điện thoại. Chiều
11/2, tôi đã gọi điện thoại về hỏi thăm gia đình, thấy tín hiệu kết nối
tốt, nghe gọi vẫn như bình thường, không có gì khác lạ. Tôi gọi từ điện
thoại di động, trước khi gọi tôi đã sửa mã số. Mất một vài thao tác
nhưng không phải quá phiền phức."
Tại cuộc kiểm tra đổi mã vùng điện thoại vào 0 giờ ngày 11/2, Cục Viễn
thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã thực hiện gọi thử tới
các số cố định của các nhà cung cấp khác như Viettel, CMC, FPT...
Đến thời điểm 0 giờ 17 phút ngày 11/2, các cuộc gọi tới các số này chưa
được; Cục Viễn thông nhận tin nhắn báo cáo từ FPT là chưa thực hiện xong
việc đổi số. Tại Sơn La và Yên Bái, việc đổi mã vùng diễn ra suôn sẻ.
Đến chiều tối 11/2, thông tin liên lạc tại các tỉnh theo mã vùng mới đã thông suốt.
Hệ thống tổng đài cũng đã được cập nhật để phát âm thông báo thay đổi mã
vùng cho từng tỉnh, đáp ứng khả năng quay số song song theo mã vùng cũ
và mới trong vòng 1 tháng tới.
Theo đó, người dùng có thể quay số theo cả mã vùng cũ và mã vùng mới trong 30 ngày sau thời điểm chuyển đổi.
Âm thông báo đổi số sẽ được tiếp tục trong 1 tháng tiếp theo, khi thuê
bao quay số theo mã vùng cũ sẽ có hướng dẫn để quay số lại.
Hiện các doanh nghiệp viễn thông đang tổng hợp để báo cáo với Bộ Thông
tin và Truyền thông về tình hình thực hiện đổi mã vùng tại 13 địa phương
trong giai đoạn 1./.
(TTXVN)