Theo tin từ Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo an ninh,
an toàn hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ cũng như đảm bảo
quyền lợi của khách hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ
chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đầu năm 2017 Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước đã có Chỉ thị yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà
nước, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức cung ứng
dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong
thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, trong đó cần tập trung:
Tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Đề án phát triển
thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ban hành
kèm theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính
phủ. Tiếp tục rà soát, tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên
cứu ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên
quan đến thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; các văn bản quy phạm pháp
luật về an ninh, an toàn, bảo mật và các biện pháp xử lý các hành vi vi
phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Đẩy
mạnh hoạt động quản lý, giám sát đối với các loại hình, phương tiện, hệ
thống thanh toán điện tử mới tại Việt Nam.
Chủ động theo dõi, cập nhật tình hình an ninh mạng trong
nước và quốc tế để cảnh báo cũng như chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành
kịp thời phòng chống, xử lý các rủi ro, lỗ hổng bảo mật công nghệ thông
tin. Xây dựng chương trình hợp tác, trao đổi thông tin và phối hợp với
Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông trong phòng, chống tội phạm công
nghệ cao cũng như triển khai các giải pháp an toàn, an ninh mạng trong
thanh toán điện tử và thanh toán thẻ.
Tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành lộ trình
áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, bảo mật như ISO 27001 cho hệ
thống công nghệ thông tin, chuẩn PCI/DSS cho hệ thống thanh toán thẻ,
các công nghệ bảo mật đa nhân tố mới để thay thế các công nghệ bảo mật
cũ lạc hậu không an toàn. Chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện các hướng dẫn tại tài liệu Hướng
dẫn về biện pháp khôi phục mạng đối với các cơ sở hạ tầng thị trường
tài chính do Ủy ban về Thanh toán và Cơ sở Hạ tầng Thị trường Tài chính
(CPMI) của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) ban hành.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn, bảo mật
trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ để đánh giá, phát hiện, cảnh
báo sớm các rủi ro, xử lý các vi phạm pháp luật trong thanh toán điện
tử, thanh toán thẻ.
Xây dựng kế hoạch truyền thông tổng thể của ngành Ngân hàng
về hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, đặc biệt là về việc đảm
bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ để người
dân hiểu rõ và yên tâm khi sử dụng dịch vụ thanh toán; đồng thời chỉ đạo
các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các tổ chức cung ứng dịch vụ
trung gian thanh toán thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt, đảm bảo
truyền thông thống nhất từ trung ương đến các địa phương, giữa NHNN với
các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung
gian thanh toán.
Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo phải
triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
giai đoạn 2016-2020. Hoàn thành và triển khai dự án tập trung hóa và mở
rộng dịch vụ thanh toán ngoại tệ của Hệ thống thanh toán điện tử liên
ngân hàng. Xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các
giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH), Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và
thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip; tăng cường kết nối giữa hạ
tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán
của các đơn vị khác nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại
điện tử; ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán hiện đại, dễ sử
dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn. Tiếp tục triển khai có hiệu
quả Thỏa thuận hợp tác liên Bộ để đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử
tại Việt Nam. Xây dựng cơ chế tính và thu phí hợp lý, đảm bảo công
khai, minh bạch và khuyến khích khách hàng lựa chọn thanh toán qua ngân
hàng khi sử dụng dịch vụ công./.
Theo ICTnews