Chủ Nhật, 24/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Tư, 5/10/2022 14:0'(GMT+7)

Nghệ An: Khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân

Nước lũ làm cô lập các hộ xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương. (Ảnh: Hoàng Hải)

Nước lũ làm cô lập các hộ xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương. (Ảnh: Hoàng Hải)

Có 21 huyện, thành, thị, trong đó có 10 huyện miền núi, 7 huyện đồng bằng, 1 thành phố và 3 thị xã. Nghệ An có địa hình hiểm trở, bị chia cắt, mật độ sông suối dày, độ dốc lòng sông lớn, có sông Cả là sông lớn nhất với độ dài sông là 531 km (trong đó có 170km chảy trên lãnh thổ nước Lào). Ngoài ra còn có 5 con sông khác trực tiếp đổ ra biển là sông Hoàng Mai, sông Mai Giang, sông Thái, sông Bùng và sông Cấm. Hàng năm trên địa bàn tỉnh phải chịu nhiều loại hình thiên tai khác nhau như: rét đậm, rét hại, nắng nóng, lốc, sét, mưa lớn, sạt lở đất; mùa mưa bão có 2 đến 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp. Lượng mưa năm bình quân lớn từ 1.800 đến 2.000mm.

Trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 đợt không khí lạnh, 04 đợt rét đậm, rét hại); 31 đợt giông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn; 12 đợt mưa lớn diện rộng; 7 đợt nắng nóng. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của 3 đợt thiên tai lớn (bão số 2, bão số 6, bão số 8). Thiên tai đã làm chết 06 người; bị thương 04 người; 17 nhà bị sập; 22 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 337 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 3.934 nhà bị ngập; 812 hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất…; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 698,966 tỷ đồng.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất so với cả nước (16.492,5km2), trong đó, miền núi và trung du chiếm khoảng 83%, đồng bằng, ven biển chiếm khoảng 17%; có 82 km bờ biển và 468,28 km đường biên giới.

Từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn Nghệ An chịu ảnh hưởng của nhiều đợt rét hại trên diện rộng, có 23 đợt lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, 5 đợt mưa lớn diện rộng (trong đó có đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4). Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay ảnh hưởng thiên tai đã làm chết 11 người, bị thương 01 người; 98 nhà bị sập; 973 nhà bị hư hỏng, tốc mái; gây thiệt hại lớn về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng thiết yếu,….

Đối với tỉnh Nghệ An, thời gian qua liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai (bão, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét,…) gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản; nhiều nhà cửa của người dân, trường học, cơ sở y tế bị hư hại; nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt; hoạt động sản xuất, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là tại các địa phương ở khu vực miền núi.

Nhất là do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, từ 22 giờ ngày 1/10 đến 6 giờ ngày 2/10 trên địa bàn Kỳ Sơn xảy ra đợt mưa lớn, kéo dài; lượng mưa đo được hơn 190mm, gây lũ ống, lũ quét và ngập cục bộ nhiều nhà dân, cơ quan đóng trên địa bàn thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ. Trận lũ ống, lũ quét bất ngờ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, làm một cháu bé bị tử vong ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ; cuốn trôi 13 ngôi nhà của người dân ở một số bản của xã Tà Cạ. Nhà làm việc của Công an xã Tà Cạ cũng bị sập hoàn toàn.

Có 50 nhà ngập nước, trong đó 24 nhà ngập hư hỏng nặng và 19 nhà bị sạt lở. Mưa lũ cũng làm ngập nhiều tài sản có giá trị; cuốn trôi hai ô-tô. Hiện tại, đường giao thông vào xã Tà Cạ và Tây Sơn bị ách tắc hoàn toàn; trong đó bản Hòa Sơn và bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) bị cô lập hoàn toàn chưa thể tiếp cận được... Tính đến chiều tối 2/10, nước vẫn chảy xiết, huyện Kỳ Sơn đã huy động tổng lực người và phương tiện, máy móc để san gạt điểm sạt lở, mở đường cho người dân đi lại, khắc phục thiệt hại.

Nhiều hộ dân đã sống hàng chục năm ở xã Tà Cạ cho biết, chưa bao giờ thấy trận lũ ống, lũ quét nào kinh hoàng như thế. Cơn lũ dữ đã cuốn đi rất nhiều tài sản của bà con. Dù nhìn thấy tài sản trôi theo dòng nước, nhưng ai nấy đều bất lực trước dòng nước cuồn cuộn chảy.

Thiệt hại do những đợt thiên tai gây ra là hết sức nặng nề, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, công sức mới khắc phục được. Trước tình hình đó, cấp ủy và chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng nhân dân tỉnh nhà tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống. Với phương châm chủ động “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong công tác phòng tránh thiên tai, một số nhiệm vụ trọng tâm đã được tỉnh Nghệ An thực hiện như sau: tập trung khắc phục thiệt hại về người, hỗ trợ thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ các gia đình có người bị chết hoặc mất tích và gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai; với mục tiêu không để người dân nào bị đói, rét và thiếu chỗ ở; Các địa phương đã chủ động, khẩn trương sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại chỗ để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, ưu tiên các hộ có nhà bị trôi, sập, đổ, các hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt; Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, bố trí chỗ ở tạm và có phương án tái định cư đối với những hộ gia đình bị mất nhà cửa, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích, gia đình chính sách, người già neo đơn, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vận động Nhân dân, nhất là các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn phối hợp Đội xung kích Phòng, chống thiên tai cấp xã cùng với các lực lượng khác tại cơ sở tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các công trình, khu vực công cộng, nhà cửa của dân vùng bị ngập lũ, không để bùng phát dịch bệnh sau thiên tai. Đồng thời, hỗ trợ các trường học, trung tâm y tế chỉnh trang, sửa chữa lại cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh, khám chữa bệnh cho người dân sau bão, lũ; xác định việc đảm thông suốt và an toàn các tuyến đường giao thông vận tải trong công tác hỗ trợ, cứu trợ các vùng bị thiên tai và đặc biệt phục hồi tái thiết sau thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu và hết sức quan trọng. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, rà soát các công trình giao thông bị sạt lở, hư hỏng bảo đảm an toàn giao thông. Triển khai lực lượng, máy móc khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, hư hỏng, nhất là trên các trục giao thông chính. Mặt khác các Sở, Ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, tập trung ổn định, phát triển sản xuất đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra; các địa phương đã chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bước đầu sửa chữa, khôi phục các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu (hệ thống điện, đường giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập, …) bị hư hỏng để sớm ổn định các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân; tiếp tục rà soát, chủ động cảnh báo, kịp thời có phương án sơ tán khẩn cấp trợ giúp người dân sống tại khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất, lũ ống, lũ quét,… để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, đánh giá, thống kê tình hình thiệt hại, bảo đảm đầy đủ, chính xác; Đề xuất với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ nguồn lực khắc phục hậu quả.

Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ giúp người dân xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương vệ sinh môi trường sau mưa, lũ. (Ảnh: Hoàng Hoàng)

Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ giúp người dân xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương vệ sinh môi trường sau mưa, lũ. (Ảnh: Hoàng Hoàng)

Tỉnh Nghệ An chỉ đạo sở, ban, ngành và các địa phương quán triệt, động viên tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị phát huy tinh thần tận tụy, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc; tổ chức rà soát, tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các công việc còn tồn đọng; xử lý kịp thời, hiệu quả những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi và luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của các đợt thiên tai, ổn định, phát triển sản xuất.

Cùng với các cơ quan thông tấn báo chí thì hệ thống thông tin cơ sở, và các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh sau bão lũ cũng như đưa tin kịp thời, chính xác chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai của các cấp chính quyền địa phương.

Tổ chức đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, phục hồi tái thiết sau các đợt thiên tai, rút kinh nghiệm cụ thể để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh cho biết: Ngay trong sáng 2/10, UBND huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung huy động các lực lượng tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ khắc phục gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi bị chia cắt; nước, bùn ngập và sạt lở khiến nhiều tuyến đường không thể lưu thông.

Hiện tình hình mưa lũ tại Kỳ Sơn nói chung, nhất là ở thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ đang rất phức tạp, UBND huyện tiếp tục trực tiếp chỉ đạo địa phương sơ tán người dân đến nơi an toàn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại mưa lũ gây ra; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các đơn vị bảo đảm nhanh nhất thông tuyến giao thông; huyện đã huy động phương tiện máy móc tại chỗ để khơi dòng chảy. Trước mắt huyện tổ chức thăm hỏi các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ...

Quý Trọng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất