(TG) - Trong thời gian qua với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (viết tắt là Nghị quyết số 20-NQ/TW), tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả quan trọng đáng ghi nhận.
Mặt bằng sản xuất công nghiệp được nâng lên, trình độ công nghệ ngày càng tiên tiến, hiện đại; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng công nghệ hiện đại kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh; lực lượng cán bộ KH&CN của tỉnh có thể tiếp thu, làm chủ công nghệ và ứng dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, giống cây trồng, vật nuôi.
Thị trường KH&CN có bước phát triển thể hiện qua việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa; hoạt động của các tổ chức KH&CN có nhiều đổi mới theo cơ chế tự chủ, ngày càng có hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; số lượng doanh nghiệp KH&CN tiếp tục tăng lên; đội ngũ cán bộ hoạt động KH&CN tăng cả về số lượng và chất lượng; cơ sở hạ tầng KH&CN được đầu tư xây dựng, trong đó hệ thống các cơ sở thực nghiệm, phòng thí nghiệm, phòng nuôi cấy mô, hệ thống kho lạnh... được nâng cấp đủ năng lực thực hiện các nghiên cứu liên quan đến giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản; cơ khí, chế tạo; điện tử; hóa sinh... Hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được nâng lên một bước, gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống; góp phần thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện khoa học, xây dựng căn cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách, quyết định của tỉnh; nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới.
Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015 đạt 27,69% thấp hơn bình quân chung cả nước (33,6%), tuy nhiên đến giai đoạn 2016-2020 có sự tăng trưởng vượt bậc lên 41,14%, cao hơn chỉ tiêu chung của cả nước là 35%, bình quân chung cả giai đoạn 2011-2020 là 37,45% tương đương bình quân chung cả nước.
|
KH&CN đóng góp đáng kể trong hỗ trợ, thúc đẩy phát triển một số sản phẩm hàng hóa. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt so với cả nước; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 20%, đảm bảo mục tiêu Nghị quyết đề ra. Công tác phát triển đội ngũ, các tổ chức, tập thể KH&CN ngày càng được quan tâm, số lượng các công trình được công bố quốc tế ngày được nâng cao về chất lượng và số lượng; số lượng các sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, một số cấp ủy còn lúng túng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực KH&CN; vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương về hoạt động KH&CN còn hạn chế; chưa có biện pháp hiệu quả thu hút, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư cho việc đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao chất lượng sản phẩm; chưa chủ động tìm thị trường đầu ra, cân đối cung, cầu một cách bền vững. Công tác truyền thông một số địa phương chưa được đẩy mạnh, đặc biệt là truyền thông về cơ chế chính sách mới phù hợp với kinh tế thị trường và đặc thù của hoạt động KH&CN; việc chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng của các mô hình thông qua hội thảo chưa được phổ biến.
Tiềm lực KH&CN và năng lực sáng tạo chưa được phát huy, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Việc nhân rộng các mô hình từ các đề tài, dự án KH&CN có nhiều khó khăn, nguồn kinh phí dành cho phát triển KH&CN còn hạn chế. Chưa có nhiều mô hình mang hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình được triển khai nhưng sau khi không còn cơ chế hỗ trợ khả năng tồn tại khó, thiếu tính bền vững
Chưa có được giải pháp thỏa đáng liên quan đến quy hoạch, quản lý, phát triển bền vững KH&CN và lộ trình cụ thể thúc đẩy các hoạt động dịch vụ KH&CN tại địa phương. Hoạt động ứng dụng và phát triển KH&CN chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp chủ yếu mới tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa tương xứng với công sức của người lao động.
Sự phối hợp, quản lý giữa các ngành chưa đồng bộ làm cho hiệu quả ứng dụng các sản phẩm KH&CN còn hạn chế; một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm... Việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp ở nhiều địa phương còn chậm, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh thị trường còn hạn chế. Khu công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, công viên công nghệ thông tin chưa được hình thành; chưa có quy định chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao của tỉnh Nghệ An.
Để tiếp tục phát huy kết quả và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW tỉnh Nghệ An rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp phát triển khoa học; nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nắm vững và vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tập trung đầu tư trước một bước cho KH&CN, đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Thứ hai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm hàng hóa, tránh đầu tư dàn trải. Lấy doanh nghiệp và người dân làm chủ thể sản xuất để kết nối các nhà khoa học; nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và người dân, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Thứ ba, chuyển dần sang hướng hỗ trợ sau đầu tư, nghiên cứu ứng dụng cho doanh nghiệp để huy động nguồn lực xã hội. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước để huy động nguồn lực xã hội. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Khai thác triệt để và phát huy các lợi thế của địa phương để thu hút các nguồn vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư cho những lĩnh vực có tiềm năng, có khả năng thương mại, có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Thứ tư, chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng ở nông thôn, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất mới ở nông thôn. Quan tâm chỉ đạo mở rộng thị trường cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện cho người trẻ khởi nghiệp, sáng tạo.
Phạm Công Tứ
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An