Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Đặc công Việt Nam có vai
trò hết sức quan trọng khi trực tiếp mở, giữ đường dẫn đại quân vào Sài
Gòn, góp phần trực tiếp vào chiến thắng lịch sử Xuân 1975. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống tại chính những điểm chốt mở vào cửa
ngõ Hòn ngọc Viễn Đông; người còn lại, lui về góc nhỏ của mình với những
ký ức hào hùng không thể nào quên.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước, phóng viên
đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Tư lệnh Binh chủng
Đặc công về vai trò, ý nghĩa của lực lượng đặc biệt này trong Đại thắng
mùa Xuân 1975.
-Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Đặc công đã “lãnh
ấn” tiên phong để mở đường máu dẫn đại quân tiến vào Sài Gòn. Xin Thiếu
tướng nói rõ hơn về nhiệm vụ này?
-Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Ngày 31/3/1975, Bộ Chính
trị Trung ương Đảng họp quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược
cuối cùng nhằm đánh bại toàn bộ lực lượng địch còn lại, giải phóng Sài
Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định
vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trong chiến dịch này, đặc công được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ 14
cây cầu cùng 6 căn cứ án ngữ cửa ngõ Sài Gòn, bắn phá sân bay Tân Sơn
Nhất, đánh chiếm cảng Nhà Bè, chia cắt sông Lòng Tàu, tạo thuận lợi và
bảo đảm đường cơ động cho các cánh quân thần tốc tiến công, đánh chiếm
một số mục tiêu quan trọng bên trong nội đô, hỗ trợ quần chúng nổi dậy.
Trên hướng Đông và Đông Nam, đặc công đánh căn cứ thiết giáp Hốc Bà
Thức, làm chủ đoạn đường từ ngã ba Bửu Hòa đến cầu Hóa An, đánh chiếm và
bảo vệ cầu Ghềnh cho chủ lực tiến vào Sài Gòn; đánh cảng Nhà Bè, đồn
bảo an Phước Khánh, khống chế sông Lòng Tàu; đánh chiếm cầu Đồng Nai,
chi khu quân sự Bến Gỗ, phà Cát Lái, cùng lực lượng thọc sâu của Quân
đoàn 2 tiến vào nội đô, chiếm Dinh Độc lập, Đài phát thanh, Ngân hàng,
Bộ Tư lệnh Hải quân...; đánh chiếm cầu Rạch Bà, ấp Long Xuyên, cảng Rạch
Dừa, phối hợp Sư đoàn 3 tiến công thị xã Vũng Tàu; đánh chiếm cầu Rạch
Chiếc, cầu Tân Cảng, cùng chủ lực tiến vào nội đô.
Các mũi tấn công của bộ đội đặc công trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. (Ảnh: Vietnam+)
Trên hướng Tây và Tây Nam, đặc công đánh sân bay Tân Sơn Nhất, phối hợp
với Trung đoàn 3 đánh chiếm, làm chủ toàn bộ khu vực Tân Tạo, sau đó
phát triển đánh chiếm Trường đua Phú Thọ; tiến công Chiến đoàn 7 nguỵ,
khu rađa Phú Lâm... cùng với Trung đoàn 24 đánh chiếm căn cứ Ký Thúc Ôn,
cầu Nhị Thiên Đường... sau đó phát triển vào quận 8; đánh chiếm trại
biệt kích Diên Hồng và chi khu Phú Thọ; đánh chiếm trụ sở quốc hội ngụy
và một số mục tiêu khác; dẫn đường và cùng chủ lực đánh chiếm các mục
tiêu quan trọng, làm nòng cốt phát động quần chúng nổi dậy giành quyền
làm chủ ở một số khu vực.
Trên hướng Bắc và Tây Bắc, đặc công đánh chiếm các cầu Chợ Mới, Rạch
Cát, bắn pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất...; tiến hành mở và bảo vệ cửa mở
ở Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, sẵn sàng đón chủ lực vào đánh chiếm sân
bay; đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng và Thành Quan Năm...; cơ động về
hướng Bình Dương tiến công các vị trí địch co cụm trên đường số 8, đánh
chiếm căn cứ Hải Thuyền, đồng thời truy quét tàn quân địch; đánh chiếm
cầu Bình Phước, phối hợp với chủ lực tiến công Lữ đoàn kỵ binh 3 án ngữ
từ cầu Bình Phước đến cầu Vĩnh Bình; đánh chiếm trung tâm điện toán,
cùng chủ lực đánh chiếm khu Bộ Tổng Tham mưu...
-Như vậy, nhìn nhận một cách khách quan, trong chiến dịch Mùa
xuân 1975, đặc công chính là lực lượng tiên phong và cũng là “chìa khóa”
mở đường vào giải phóng Sài Gòn, thưa Thiếu tướng?
- Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Xét riêng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, sự tham gia của lực lượng đặc công có ý nghĩa cả về mặt chiến lược và chiến dịch.
Về chiến lược, tính đến năm 1975, chưa bao giờ Bộ đội Đặc công lại được
huy động với số lượng đông và hùng hậu đến vậy. Tính toàn chiến dịch,
chúng tôi đã sử dụng 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, 6 tiểu đoàn và nhiều tổ
đội biệt động khác. Việc sử dụng lực lượng lớn đặc công đã khẳng định
vai trò hết sức quan trọng của đặc công trong việc tiến đánh và giải
phóng Sài Gòn.
Bên cạnh đó, đặc công còn tham gia trực tiếp vào việc chiếm, đánh và
giữ, đảm bảo thông suốt cho 14 đầu cầu trên các cửa ngõ trực tiếp vào
thành phố. Đây là những địa bàn chiến lược trọng điểm, tập trung nhiều
căn cứ án ngữ lợi hại. Địch tập trung lực lượng lớn, bố phòng vững chắc,
ngoan cố để giữ sào huyệt cuối cùng. Bộ đội đặc công đã thể hiện tinh
thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, bám trụ kiên cường để phối kết hợp
với các binh chủng chủ lực và lực lượng quần chúng nhân dân nổi dậy,
đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng.
Về mặt chiến dịch, lực lượng đặc công đã tham gia vào tất cả các cánh
quân, thực hiện đúng chỉ đạo được Bộ Chỉ huy chiến dịch giao, đảm bảo
đúng tiến độ cho cả chiến dịch. Tính từ ngày 27/4 đến sáng 30/4, các lữ
đoàn, trung đoàn đặc công đã chiếm và giữ được tất cả các đầu cầu cửa
ngõ, bắn 400 quả đạn pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm giữ phía Bắc
sân bay; đồng thời tấn công vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy, đảm bảo đúng thời
cơ, thời gian hiệp đồng đã được đề ra từ trước đó.
- Bộ đội đặc công xưa nay vẫn được biết đến với biệt danh “đi
không dấu, nấu không khói, nói không tiếng.” Vậy, những phẩm chất này đã
được phát huy thế nào trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thưa Thiếu
tướng?
- Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Có thể nói, trong chiến
dịch Hồ Chí Minh, những phẩm chất tiêu biểu nhất của đặc công Việt Nam
đều đã được thể hiện. Mặc dù là lực lượng chỉ được trang bị vũ khí nhỏ,
trong điều kiện địch canh gác, bố phòng cẩn mật, nhưng các chiến sỹ đặc
công vẫn lợi dụng các dòng sông và sơ hở của địch để luồn sâu, ém sát,
ém kỹ vào các vị trí trọng yếu. Đặc biệt, ngoài nhiệm vụ đánh phá, đặc
công còn thể hiện khả năng phòng thủ, bảo vệ các mục tiêu cho tới khi
đại quân tiến vào.
Riêng nhiệm vụ phòng thủ mục tiêu là 14 cây cầu dẫn vào Sài Gòn đã đặt
ra cho các chiến sỹ đặc công tham gia chiến dịch những thách thức vô
cùng to lớn. Lực lượng đặc công mỏng với vũ khí hạn chế, chủ yếu là súng
ngắn, AK, tiểu liên hoặc các loại súng như B40, B41. Trong khi đó phải
giữ cầu một thời gian dài, lại bị địch phản kích liên tục, khốc liệt nên
vũ khí trang bị lẫn con người đã bị tổn thất lớn. Ví dụ tại cầu Ghềnh,
có đến 50/52 chiến sỹ đã ngã xuống. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tử
cho Tổ quốc quyết sinh, tất cả các “cánh cửa” dẫn vào nội đô đều vững
vàng cho tới giờ khắc quan trọng nhất của ngày toàn thắng.
Chiến sỹ đặc công trong chiến dịch đánh, giữ cầu Rạch Bá. (Ảnh: Tư liệu)
Nghệ thuật sử dụng đặc công tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đạt
đến đỉnh cao trong chiến trang giải phóng. Công tác tổ chức lực lượng và
chuẩn bị thế trận để tham gia chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô
lớn được tiến hành chu đáo, có hiệu quả nhất. Ta đã chuẩn bị được một
lực lượng đông đảo, tập trung theo từng đơn vị lớn, đủ sức hoàn thành
nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, trong các tình huống diễn biến nhanh, phức
tạp nhất. Việc sử dụng các phương pháp và thủ đoạn đánh địch trong không
gian rộng, chiều sâu lớn, đánh nhiều mục tiêu quan trọng đạt hiệu quả
cao, đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch. Công tác chỉ huy đặc công trên
các hướng, hợp đồng tác chiến giữa đặc công với bộ binh, pháo binh, xe
tăng và các lực lượng khác hết sức nhịp nhàng, chặt chẽ... Chiến dịch Hồ
Chí Minh khẳng định, Bộ đội Đặc công là một thành phần quan trọng của
chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, một lực lượng không thể
thiếu trong các cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
Mặc dù thời gian chuẩn bị trong giai đoạn của cuộc Tổng tiến công và nổi
dậy mùa Xuân 1975 đều rất gấp, chúng ta phải “thần tốc” để chớp thời
cơ, nhưng cơ quan tham mưu chiến dịch đều xây dựng được kế hoạch sử dụng
đặc công. Do có kế hoạch nên việc tổ chức các lực lượng đặc công rất
chặt chẽ, nhiệm vụ các đơn vị rất rõ ràng, các mục tiêu được phân công
cụ thể, thời gian, tín hiệu hiệp đồng được quy định trước. Đây thực sự
là bước phát triển quan trọng của nghệ thuật sử dụng đặc công trong
chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng.
- Những yếu tố nào đã góp phần hình thành và hun đúc nên người chiến sỹ đặc công trung kiên như vậy thưa thiếu tướng?
- Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Điều đầu tiên phải kể đến
là yếu tố tinh thần. Bộ đội đặc công luôn ghi sâu lời Huấn thị của Chủ
tịch Hồ Chí Minh: “Lập trường chính trị phải đặc biệt vững chắc, Quyết
tâm thắng địch, quyết tâm tiêu diệt địch cũng phải đặc biệt cao.” Ngoài
ra, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, đặc công thường phải đánh vào các mục
tiêu quan trọng, hiểm yếu có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược. Vì vậy,
chúng tôi hoạt động mang tính độc lập cao, đòi hỏi các chiến sỹ phải
luôn có bản lĩnh và ý chí chiến đấu. Nhiều trận đánh trong kháng chiến
Chống Mỹ như trận đánh Kho xăng Nhà Bè, Tổng kho Long Bình, Tổng Nha
Cảnh sát, trận đánh giữ 14 cây cầu vào Sài Gòn… là những chiến thắng
trong đó yếu tố tinh thần - “ý chí thép” có vai trò quyết định.
Bên cạnh đó, một điều thuận lợi là lực lượng đặc công nói riêng và bộ
đội nói chung luôn được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Riêng trong chiến dịch
Hồ Chí Minh lịch sử, khi các cánh quân chủ lực chưa kịp vào Sài Gòn,
chính nhân dân là lực lượng căng kéo địch, tạo điều kiện cho đặc công
bám trụ và giữ vững mục tiêu.
Những thế hệ đặc công hôm nay và mai sau luôn khắc ghi công ơn của các
anh hùng, liệt sỹ, các thế hệ đi trước và quyết tâm học tập, phát huy
tinh thần ấy trong mọi lúc, mọi nơi, mọi nhiệm vụ...
- Xin cám ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi!./.
Sơn Bách (Vietnam+)