Tháng 1/2015, vừa tròn 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4
khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.” Đã có những
đổi thay, có thể đó chưa phải là cuộc “lột xác” lớn, nhưng chúng ta có
thể thấy trong từng tập thể, từng cá nhân cán bộ, đảng viên đã có những
chuyển biến tích cực trước hết về nhận thức và đây đó là những hành động
cụ thể.
Dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng
Ngày 16/1/2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội
nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp
bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đây là Nghị quyết mà ngay từ khi ban hành đã được đông đảo nhân dân đánh
giá cao, coi đó là sự trung thực chính trị đáng quý của Đảng ta và gửi
gắm những kỳ vọng. Thực tế, hiếm có một Đảng cầm quyền nào mà ngay trong
thời gian cầm quyền lại dũng cảm, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, hạn
chế trong nội bộ như Đảng Cộng sản Việt Nam, gần đây nhất là nhiệm kỳ
Đại hội lần thứ XI.
Trước nay chúng ta chỉ đặt vấn đề dân tin Đảng, nhưng thực tế cho thấy
để tạo được lòng tin với nhân dân, trước hết Đảng phải tin dân. Lòng tin
này được thể hiện ở sự công khai, minh bạch. Công khai từ những vấn đề
kinh tế lớn, những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển đất
nước đến cả những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong Đảng.
Tin dân, thẳng thắn nhận trách nhiệm trước nhân dân về sự suy thoái tư
tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán
bộ chủ chốt là một bước tiến lớn trong công tác xây dựng Đảng, là sự đột
phá về nhận thức, về tư duy lý luận của Đảng, thể hiện tư tưởng mới là
dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Công tác cán bộ - “khâu then chốt trong công tác xây dựng đảng”, “... là
nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh
của Đảng, của đất nước và chế độ”, luôn là vấn đề không chỉ Đảng quan
tâm mà đó cũng là vấn đề toàn dân quan tâm.
Những vấn đề về công tác cán bộ mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 chỉ
ra được nhân dân đánh giá cao. Điều mà nhân dân chờ đợi, hy vọng, đó là
cách tổ chức thực hiện, sự trung thực của từng cá nhân cán bộ, đảng
viên.
Thực trạng đã được nhìn nhận thẳng thắn, biện pháp đã được đề ra cụ thể
(8 nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có
hiệu quả đã đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI và 3 vấn đề
cấp bách đã nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI), vấn đề
là mỗi cán bộ, đảng viên có đủ dũng cảm để thẳng thắn nhìn nhận những
hạn chế của mình và nghiêm túc sửa chữa hay không.
Đáp ứng những kỳ vọng
Thực tế, những vấn đề mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đặt ra rất
lớn, phức tạp và không dễ gì nêu ra là giải quyết ngay được.
Đó là hệ quả của cả một quá trình phát triển trong môi trường mới, khi
sự chuyển đổi của nền kinh tế tác động đến mọi đối tượng và mọi mặt đời
sống xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, nhất là
những cán bộ lãnh đạo có quyền, có chức.
Xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn, đồng thời có tính đến những tác
động của khách quan, ngay từ đầu, Đảng đã xác định không nóng vội mà đề
ra lộ trình hợp lý để triển khai có hiệu quả. Ba năm qua, có thể thấy rõ
3 mốc quan trọng trong tiến trình này.
Trong năm đầu tiên, trong khi toàn dân đánh giá cao sự trung thực chính
trị, sự dũng cảm này thì đa số cán bộ, đảng viên tiếp nhận như một cách
quán triệt nghị quyết sau mỗi kỳ họp Trung ương. Việc kiểm điểm tự phê
bình và phê bình của cán bộ, đảng viên trong tất cả các tổ chức Đảng
trong thời gian đầu dù được thực hiện nhưng vẫn nặng về hình thức.
Song, từ Hội nghị Trung ương 6, khóa XI (tháng 10/2012), khi Bộ Chính
trị và Ban Bí thư báo cáo với Trung ương về kết quả tự phê bình và phê
bình; xin nhận trách nhiệm trước nhân dân về những khuyết điểm trong
công tác lãnh đạo, điều hành thì trước thái độ nghiêm túc đó, các tổ
chức Đảng ở địa phương, ở các cấp, các ngành cũng đã tiến hành kiểm
điểm, tự phê bình và phê bình một cách thực chất hơn.
Như vậy, năm đầu triển khai Nghị quyết được xem là thời gian các tổ chức
đảng, các cán bộ, đảng viên trong cả nước từ trung ương đến cơ sở tự
nhìn nhận, tự đánh giá về chính mình và tự cảnh báo nghiêm khắc về những
nguy cơ ngay trong nội tại.
Bước sang năm thứ hai, trước sự quyết liệt, kiên quyết của Trung ương,
nhất là vào giữa năm 2013, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành quy trình lấy
phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, một số tỉnh, thành phố cũng
tiến hành lấy phiếu tín nhiệm; hầu hết cán bộ, đảng viên đã có nhận thức
rõ hơn, ý thức cao hơn về Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4.
Đặc biệt khi một số vụ việc vi phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là của
một số cán bộ lãnh đạo cấp cao được đưa ra xử lý theo đúng quy định của
Điều lệ Đảng và quy định của pháp luật, dường như hồi chuông được Đảng
gióng lên bắt đầu có tác dụng cảnh tỉnh. Đội ngũ cán bộ các cấp, đã có ý
thức về những việc làm, lời nói của bản thân trong công việc, trong
sinh hoạt.
Năm thứ ba là năm những kỳ vọng của người dân bước đầu được đáp ứng.
Nhân dân dõi theo từng ngày, từng giờ kết quả việc xét xử những vụ việc
nổi cộm.
Mỗi khi có những vụ việc mới xảy ra (ví dụ như vụ: sập giàn giáo công
trình tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội) người dân nhanh chóng lên tiếng
và chờ đợi kết quả xử lý của các tư lệnh ngành đó. Có thể thấy, từ kỳ
vọng này, nhân dân có niềm tin Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã đi
vào cuộc sống.
Những kết quả thực tế
Một trong những kết quả lớn nhất của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4
khóa XI là đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tự giác và có ý thức gương mẫu,
tu dưỡng rèn luyện mọi lúc, mọi nơi cả trong công việc cũng như trong
lối sống, tác phong, lề lối làm việc...; bước đầu có thái độ rõ ràng,
dám đấu tranh với những hành vi sai trái, tham nhũng, sống có trách
nhiệm, gần gũi với nhân dân.
Nghị quyết cũng thực sự có tác dụng răn đe, hầu hết các chi bộ tổ chức
sinh hoạt đúng quy định và giữ vững nguyên tắc làm việc. Công tác kiểm
tra, giám sát được tăng cường, những vấn đề, trường hợp nhạy cảm trước
đây dễ bị bỏ qua, nay được nghiêm túc xử lý. Năng lực quản lý, điều
hành, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền có chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, niềm tin trong nhân dân đã được củng cố. Nhân dân hiểu rằng,
đây là công việc đòi hỏi phải lâu dài nhưng kết quả sẽ bền vững. Niềm
tin này đã và đang đưa nhân dân xích lại với Đảng gần hơn, cùng chung
vai gánh vác nhiệm vụ nặng nề để vượt qua thử thách.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù chúng ta đã có định hướng đúng, nhưng để
thành công thì không thể thiếu một ý thức trách nhiệm cao của từng cán
bộ, đảng viên và những hành động nghiêm minh của các cơ quan thực thi
pháp luật./.
Mai Anh (Tạp chí Cộng sản)